Bố mẹ mớm hoặc bón thức ăn cho con, hay khi đi nhà trẻ dùng chung bát đũa là nguyên nhân làm lây nhiễm vi khuẩn H.pylori, tác nhân chính gây bệnh viêm dạ dày ở trẻ.
Như chúng tôi đã thông tin, hiện nay bệnh viêm dạ dày ở trẻ nhỏ đang ngày càng gia tăng, điều đáng nói nhiều phụ huynh thường lầm tưởng bệnh dạ dày ở trẻ với nhiều bệnh về tiêu hóa thông thường khác. Vậy đâu là nguyên nhân chính khiến tỉ lệ trẻ mắc bệnh viêm dạ dày ngày càng gia tăng.
TS Nguyễn Thị Út, khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, nguyên nhân dẫn đến 80% số ca mắc dạ dày ở trẻ nhỏ là do vi khuẩn H. pylori gây nên. “Viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ em có nguyên nhân tiên phát và thứ phát. Trong đó, viêm loét dạ dày tá tràng tiên phát trên trẻ em có đến 80% là do vi khuẩn H. pylori, ngoài ra có thể do những nguyên nhân khác như Cytomegalo virus, Herpes, nấm Candida Albicans, trào ngược mật…”, TS Út cho hay.
TS Nguyễn Thị Út đang khám cho trẻ tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
TS Út cho rằng, viêm dạ dày là do sự mất cân bằng giữa yếu tố tấn công và yếu tố bảo vệ dạ dày. Yếu tố tấn công bao gồm sự tăng tiết acid HCL, pepsine, acid mật, vi khuẩn H. pylori và sự chậm làm rỗng của dạ dày…. Yếu tố bảo vệ là lớp chất nhầy, bicacbonat, liều lượng máu nuôi dưỡng niêm mạc dạ dày, phospholipid, sự tái sinh niêm mạc dạ dày, viêm dạ dày tăng bạch cầu ưa acid…
Khi yếu tố tấn công trội hơn yếu tố bảo vệ lâu dần sẽ gây nên tình trạng viêm dạ dày. Điều đặc biệt, vi khuẩn H.pylori rất dễ lây nhiễm từ trẻ nọ sang trẻ kia, đặc biệt là từ người lớn sang trẻ nhỏ.
“Người lớn mớm cho trẻ hay trẻ đi lớp dùng chung dụng cụ, đặc biệt là các dụng cụ ăn uống sẽ khiến trẻ dễ bị lây nhiễm vi khuẩn H.pylori gây bệnh viêm dạ dày”, TS Út cho hay.
Trẻ dùng chung dụng cụ ăn uống dễ gây vi khuân H.pylori.
Ở Việt Nam, viêm dạ dày mạn tính là bệnh khá phổ biến, chiếm khoảng 31% - 65% các trường hợp nội soi đường tiêu hóa trên, trong đó tỷ lệ nhiễm H.pylori chiếm 63- 94,8%. Bệnh thường gặp ở cả nam và nữ, lứa tuổi mắc bệnh là từ 40-49 tuổi, tỷ lệ nhiễm H.pylori trong viêm dạ dày mạn tính là 53,33%.
Còn đối với trẻ nhỏ, hiện tỷ lệ trẻ bị nhiễm H.pylori ở những nước phát triển là 18-45%, trong khi ở các nước đang phát triển tỷ lệ này lên đến 40-80%, và điều nguy hiểm là ở khu vực này các bé bị nhiễm từ rất sớm (có thể từ trước 3 tháng tuổi và đạt tỷ lệ nhiễm cao nhất vào khoảng 2 - 6 tuổi). Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ từ 6 tháng đến 15 tuổi bị nhiễm HP không triệu chứng là 34%, riêng trong các trại nuôi dưỡng tỷ lệ này lên đến 71,4%.
Một vấn đề được khá nhiều phụ huynh quan tâm, đó là việc trẻ mắc viêm dạ dày liệu có phải là nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư dạ dày hay không? Về vấn đề này, TS Út cho rằng, vi khuẩn H. pylori được tổ chức y tế thế giới xếp vào nhóm 1, những tác nhân gây ung thư dạ dày và u lympho liên quan đến dạ dày.
“Ung thư dạ dày phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: yếu tố chủng tộc, di truyền, vật chủ, độc lực của vi khuẩn H. pylori …hiện chưa có nghiên cứu nào trên trẻ em đề cập về ung thư dạ dày liên quan đến vi khuẩn H. pylori. Tuy nhiên việc diệt H. pylori được đặt ra ở những trẻ có người sống cùng trong gia đình như bố mẹ bị ung thư dạ dày và có nhiễm H. pylori”, TS Út thông tin.
Theo TS Út, đây là loại vi khuẩn có tốc độ lây nhiễm nhanh, kháng thuốc cao nên gây khó khăn trong quá trình điều trị. Bởi vậy, việc phòng bệnh viêm dạ dày ở trẻ nhỏ cần phải hết sức chú ý đến các thói quen sinh hoạt, ăn uống và việc giữ vệ sinh đặc biệt là việc rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.