Chúng em thề sẽ không bao giờ đi làm ở bãi vàng nữa. Đó là tâm sự của Phạm Văn Cường (19 tuổi) và Phạm Văn Hảo (17 tuổi) - hai phu vàng đã trốn khỏi bãi vàng Tam Lãnh do không chịu nổi cảnh lao động khổ sai - vừa được cơ quan chức năng đưa về với gia đình.
Chúng tôi đã tìm về thăm hai em ở xã Ngọc Khê, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) ngay sau khi biết hai em được đoàn tụ với người thân.
Nỗi ám ảnh ở bãi vàng
Phạm Văn Cường cho hay, ngày 19/2/2014, sau khi ăn Tết xong, Cường và Hảo được ông Phạm Văn Ảnh ở xã Mỹ Tân, huyện Ngọc Lặc đưa đi làm ở bãi vàng xã Phước Thành, huyện Phước Sơn (Quảng Nam). Trước lúc đi, ông Ảnh hứa trả lương 4 triệu đồng/tháng, nuôi cơm. Khi vào đến bãi vàng, Cường, Hảo và những người đi cùng được ông chủ bãi vàng tên là Năm Lực (người ở thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn, Quảng Nam) nhận vào làm việc.
“Công việc của chúng em là đẩy xe rùa đất từ trong hầm vàng ra ngoài cho người khác đãi vàng. Chúng em làm theo ca, mỗi ca 9 tiếng. Ông chủ và các đầu cai hay chửi bới lắm, cũng may là không ai đánh đập bọn em” - Cường kể.
Sau khi làm được gần 1 tháng, Cường và Hảo cùng 8 người ở huyện Ngọc Lặc không chịu nổi công việc, nên xin nghỉ việc về quê, coi như làm không công. “Đến ngày 16/3, ông Năm Lực đồng ý cho chúng em về. Trên đường ra về, chúng em gặp ông Vinh (ở làng Mỏ, xã Mỹ Tân, Ngọc Lặc).
Em Phạm Văn Hảo được trở về đoàn tụ với gia đình và giúp mẹ chăm sóc vườn ngô.
Ông Vinh đưa chúng em vào làm cho bãi vàng ở xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam. Lúc đầu, ông Vinh hứa trả lương mỗi người 3,5 triệu đồng/tháng, nếu làm tốt thì tăng lên 4 triệu đồng/người/tháng. Thế nhưng, khi vào bãi vàng Tam Lãnh, ông chủ tên là Phi (người ở Đại Lộc, Quảng Nam) bắt chúng em làm việc rất cực khổ. Nhiều hôm chúng em bị bắt làm cả ngày lẫn đêm. Làm được 10 ngày thì chúng em không chịu được nên rủ nhau trốn về...
Cuộc sống khó, nên phải đi đào vàng
Anh Bùi Văn Tùng - Bí thư Đoàn xã Ngọc Khê, cho biết: Sau khi trốn thoát bãi vàng, Cường và Hảo được cơ quan chức năng giúp đỡ, đưa về tận quê. Chính quyền địa phương, Huyện đoàn Ngọc Lặc và Đoàn Thanh niên xã Ngọc Khê đã đến thăm hỏi các em, đồng thời, động viên các em nên tìm việc làm phù hợp với sức khỏe của mình ở quê hương.
Ông Hải (bố của Hảo) cho hay, vợ chồng ông đồng ý cho cậu con trai mới 17 tuổi đi làm thuê ở bãi vàng cũng bởi hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Hảo chỉ học đến lớp 7 rồi bỏ học ở nhà. Công ăn việc làm không có, nên khi Hảo xin đi làm thuê ở bãi vàng, ông Hải cũng thuận theo ý con.
“Năm ngoái, cháu nó đi làm được 4 tháng, đem về được 12 triệu đồng. Vì vậy, năm nay cháu xin đi, vợ chồng tôi cũng đồng ý, không ngờ lại xảy ra chuyện kinh khủng như vậy. Từ hôm về nhà đến giờ, cháu Hảo thường xuyên bị sốt cao. Tôi sợ cháu bị nhiễm virus sốt rét thì nguy to” - ông Hải nói.
Còn hoàn cảnh gia đình Cường cũng thuộc diện vô cùng khó khăn. Nhà Cường có 9 anh chị em. Cường là con út, nhưng cũng chỉ học đến lớp 7 thì bỏ học rồi đi làm thuê. Năm ngoái, Cường xây dựng gia đình. Vợ Cường hiện đang mang bầu tháng thứ 8.
Cường kể: “Khi ông chủ nhận người, chúng em không được ký hợp đồng, không có quyền lợi gì, chỉ nghe hứa rằng phải làm đủ 6 tháng thì mới trả lương. Sau chuyến trốn thoát và được giải cứu ở bãi vàng vừa rồi, em thề sẽ không bao giờ đi làm ở bãi vàng nữa. Sắp tới, em sẽ tìm một công việc khác để có tiền nuôi vợ con”.