Chúng tôi không tin nổi người thiếu nữ TNXP ở “tuyến lửa” Truông Bồn ngày nào giờ đã già yếu đến vậy...
Đã 47 năm trôi qua kể từ ngày 13 TNXP anh dũng ngã xuống ở Truông Bồn trước thời điểm Mỹ thực hiện “ném bom hạn chế” miền Bắc vài giờ, ký ức về hơn 1.200 ngày đêm đầy hào hùng của lực lượng TNXP vẫn hằn nguyên trong tâm trí của Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông.
Bà Thông xúc động khi gặp lại những người đồng đội năm xưa
Hồi ức một thời lửa đạn…
Theo địa chỉ Giám đốc Ban Quản lý khu di tích Truông Bồn Chu Vĩnh Hiệp cung cấp, chúng tôi lòng vòng quanh phường Đông Vĩnh vẫn không tìm ra xóm 8. Chỉ đến khi, có thông tin xóm 8 chỉ tồn tại cách đây 20 năm, giờ được đổi thành xóm Yên Duệ, chúng tôi mới tìm được nhà bà Trần Thị Thông.
Gặp bà Thông đang hái rau ngoài vườn, thoạt đầu chúng tôi không tin nổi người thiếu nữ TNXP ở “tuyến lửa” Truông Bồn ngày nào giờ đã già yếu đến vậy.
Năm 2010, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt Dự án Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Truông Bồn. Cùng với tỉnh Nghệ An, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ GTVT và nhiều cơ quan, đơn vị, tập thể, cá nhân trong và ngoài nước đã đầu tư, quyên góp, ủng hộ xây dựng, tôn tạo khu di tích lịch sử Truông Bồn trên diện tích 21,7 ha. Dự kiến 31/10 năm nay, đúng vào dịp kỷ niệm 47 năm chiến thắng Truông Bồn, công trình sẽ chính thức được hoàn thành. |
Bà Thông bắt đầu câu chuyện: “Tôi SN 1946, ở xã Thọ Thành, huyện Yên Thành. Năm 19 tuổi, theo lời kêu gọi của Đảng, tôi tình nguyện xin gia nhập đội thanh niên xung phong. Lúc đó, thấy tôi nhỏ con, mẹ tôi nói: “mi nhỏ như ri ai nhận làm chi cho tội, ở nhà phụ cha mi vài năm cho lớn rồi đi đâu thì đi”.
Tháng 5/1965, o Thông chính chức được phân về Đại đội TNXP 317 với nhiệm vụ hậu cần cho đội TNXP. Sau ba tháng tôi luyện, bất ngờ, bà được Đại đội trưởng giao làm Tiểu đội trưởng tiểu đội TNXP số 2 hay còn gọi là “Tiểu đội cảm tử”. Từ đây, o Thông nhỏ thó dần trở nên cứng rắn và gan dạ lạ thường.
Gần hai năm dãi nắng, dầm sương làm đường trên tuyến lửa, cuối năm 1967, lần đầu tiên bà Thông biết đến sự khốc liệt của những trận đánh bom tọa độ, bom napan của quân thù. Bà cho biết: Năm 1967, giặc Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc, các tuyến đường giao thông huyết mạch như QL1A, QL7, đường sắt, đường sông và đường biển đi qua địa bàn Nghệ An đều bị địch đánh phá và phong tỏa. Khi ấy, tuyến đường chiến lược 15A bỗng trở thành tuyến giao thông huyết mạch chi viện sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Nắm được vị trí chiến lược của Truông Bồn, đế quốc Mỹ đã không tiếc bom đạn hủy diệt, hòng cắt đứt mạch máu giao thông của ta.
Bà còn nhớ như in những trận mưa bom nổ đỏ trời, những cột khói cuộn cao như núi. Trên đường là chi chít những hố bom, có hố bom vừa nổ, đất vẫn còn đỏ hồng như than củi. Thế nhưng, với tinh thần “sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm” 18 o TNXP của “tiểu đội cảm tử” ngày đêm sống, chiến đấu dưới mưa bom, bão đạn. Sau mỗi trận mưa bom, các o TNXP lại phải dùng cuốc xẻng, xè beng đào đất, cậy đá, chặt cây lấp hố bom để đêm xuống cho xe qua.
Phần mộ tập thể của 13 nam nữ TNXP hy sinh tại Truông Bồn
Những cọc tiêu sống trên tuyến lửa
Nói về những khốc liệt của chiến tranh, người Tiểu đội trưởng năm nào nhớ lại: “Ngày ấy, đường 15A nhỏ hẹp chỉ đủ lọt xe tải, có chỗ một bên núi, một bên đầm. “Tiểu đội cảm tử” đã nghĩ ra cách lấy bẹ chuối rải trên đường làm lối cho xe đi trong đêm. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ áp dụng được một thời gian ngắn, bởi đường bị bom phá liên tục, xe qua vài lần là bẹ chuối nát. Cuối cùng các o đã nảy ra sáng kiến dùng chính bản thân mình làm “cọc tiêu sống” để tài xế căn đường cho xe qua”.
“O nào có áo may ô trắng thì mặc, ai không có thì xé dù làm khăn quàng rồi đứng dọc hai bên đường làm “cọc tiêu” dẫn đường cho xe qua truông”, o Thông hào hứng kể về sáng kiến “độc” góp phần cho các đoàn xe qua Truông Bồn an toàn suốt nhiều năm tháng bom đạn ác liệt, đường gập ghềnh nguy hiểm.
Trận bom định mệnh trước ngày đoàn viên
Trong ký ức về Truông Bồn, kỷ niệm khiến người nữ TNXP trên tuyến lửa nhớ nhất chính là đêm trước ngày định mệnh. Cái đêm mà cho đến tận bây giờ, sau hơn 40 năm, nhiều đêm nằm ngủ bà Thông vẫn thấy mình như đang được trò chuyện cười đùa cùng các o.
Bà Thông xúc động nhớ lại: “Tối ấy, mọi người đều thấm mệt sau một ngày quần quật đào đất lấp hố bom. Thế nhưng, sau giờ sinh hoạt tập thể không ai buồn đi ngủ, mọi người cùng tụ lại nói chuyện râm ran. O Doãn kể quê mình đất rộng, nuôi nhiều gà, lại sẵn hoa quả chín. O Vinh liên tục mời hết người này đến người kia về nhà chơi để thầy bu đãi hải sản. Vui nhất có lẽ là o Tâm sau cả ba năm trời thầm yêu trộm nhớ, hôm nay o Tâm và người yêu là anh Cao Ngọc Hòa, chàng lính trẻ vừa hoàn thành nhiệm vụ trở về, mới chính thức công bố chuyện tình cảm với các chị em trong tiểu đội.
Cầm trên tay quyết định ra quân, nhưng anh Hòa không vội về quê mà tranh thủ ghé thăm người yêu ít hôm cho bõ những tháng ngày xa cách. Cả hai thống nhất sau khi về quê sẽ thưa chuyện với gia đình để định ngày cưới, rồi sau đó mời cả tiểu đội về dự đám cưới. Các o Phúc, o Đang, o Doãn, o Dung, o Hiên cũng đã hoàn tất thủ tục ra quân, được cấp trên cử đi học và chỉ ngày mai thôi mọi người sẽ tạm biệt đơn vị để chuẩn bị cho một cuộc sống mới”.
Thế nhưng, chẳng ai ngờ, các chị, các anh lại ra đi nhanh như vậy, tội nhất là anh Hòa và o Tâm, khi còn sống thì luôn phải xa cách, đến lúc trúng bom mới được ở…”cùng nhau”, người Tiểu đội trưởng mắt rưng rưng xúc động.
Đêm 30, rạng sáng 31/10, Đại đội TNXP 317 nhận được Mật lệnh: “0h ngày 1/11 máy bay Mỹ ngừng ném bom miền Bắc” cùng với đó là các thông tin 7h sáng có đoàn xe quân sự đi qua. Các đơn vị đóng quân trên tuyến đường 15A nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu; khẩn trương sửa chữa cầu đường, san lấp hố bom, bảo vệ an toàn cho đoàn xe vượt qua. Ngay sau đó, Đại đội 317 phân công Tiểu đội 2 tiếp tục trực chiến, san lấp những hố bom còn sót lại sẵn sàng đón đoàn xe.
Ngay sau khi nhận lệnh, cả đêm hôm đó, 12 nữ TNXP của Tiểu đội 2 cùng hai chiến sĩ là Cao Ngọc Hòa và Trần Văn Hạp cầm cuốc xẻng, xè beng, quang gánh ra trận địa. Đến 6h10, khi hố bom cuối cùng được san lấp, bỗng kẻng báo động vang lên. Máy bay địch gầm rú trên bầu trời. Những chiếc máy bay bổ nhào ngay sát trận địa. Thấy vậy, Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông vội ra hiệu lệnh cho toàn đội chạy vào hầm trú ẩn.
Bà Thông nhớ lại khoảnh khắc đau thương: “Trước lúc máy bay ào tới, tôi thấy 7 người gồm các o Nhung, Tâm, Dung, Hiên, Hoài, Văn và anh Hạp vào chung một hầm trú ẩn, bốn o Doãn, Đang, Phúc, Bốn vào một hầm khác. Anh Hòa, o Vinh và tôi chạy tới cùng một hầm. Khi tới cửa hầm, tôi để o Vinh và anh Hòa vào trước, còn mình bồng súng đứng cửa hầm quan sát trận địa lần nữa. Rồi bốn chiếc phản lực sà đến, dưới bụng chúng bom rơi như vãi trấu, chưa kịp chạy vào hầm thì những tiếng nổ chát chua vang lên, đất dưới chân rung chuyển, trời tối sầm... Lúc tỉnh dậy tôi thấy mình đang nằm trong bệnh xá”.
Trận bom hôm đó đã nhấn chìm Truông Bồn trong biển lửa. Không chỉ có vậy, bom đạn kẻ thù còn khiến 11 cô gái và hai chàng trai vĩnh viễn nằm lại với Truông Bồn. Duy nhất Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông sống sót nhờ vào phần nòng súng nhô trên lớp đất dày nên được lực lượng cứu hộ phát hiện và cấp cứu kịp thời.
47 năm sau, Truông Bồn đã trở lại cuộc sống thanh bình. Rừng đã phủ xanh ngút các ngọn đồi. Tượng đài chiến thắng và bia tưởng niệm các liệt sĩ đã được xây dựng khang trang sạch đẹp và trở thành biểu tượng bất tử của ngành GTVT. Ngày 12/1/1996, Truông Bồn được công nhận di tích lịch sử Quốc gia. Ngày 23/9/2008, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam có quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Tập thể 14 chiến sĩ TNXP hy sinh.