Phát hiện thêm một loài muỗi có thể truyền virus Zika

Ngày 04/03/2016 15:36 PM (GMT+7)

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học tại Brazil cho thấy một loài muỗi khác ngoài muỗi Aedes có thể truyền virus Zika, khiến dịch bệnh này trở nên phức tạp hơn.

Muỗi Aedes Aegypti được cho là tác nhân chính gây lây lan virus Zika sang người và là thủ phạm có liên quan đến hàng loạt ca teo não bẩm sinh ở Brazil và các nước khác ở châu Mỹ Latinh cũng như vùng Caribê.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Brazil được công bố hôm 2/3 cho thấy, ngoài Aedes Aegypti, virus Zika còn có thể lây nhiễm sang người qua một loài muỗi khác có tên là Culex quinquefasciatus. Điều này làm dấy lên lo ngại về tình hình lây lan cũng như kiểu soát virus nguy hiểm này.

Theo các nhà khoa học, cần phải có nhiều cuộc nghiên cứu nữa để khẳng định chắc chắn loài muỗi Culex quinquefasciatus có thực sự truyền nhiễm virus Zika hay không. Được biết, tại Brazil, loài muỗi Culex phổ biến gấp 20 lần so với loài muỗi Aedes.

Phát hiện thêm một loài muỗi có thể truyền virus Zika - 1

Muỗi Aedes là trung gian truyền bệnh.

Nghiên cứu này được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Oswaldo Cruz Foundation (Fiocruz) của Brazil. Các thử nghiệm được tiến hành trên 200 con muỗi Culex và sẽ phải tiến hành trong vòng 6-8 tháng trước khi đưa ra kết luận cuối cùng. 

Nhà khoa học Constancia Ayres đang lãnh đạo cuộc nghiên cứu về virus Zika nói rằng một loài muỗi tương tự như Culex ở Senegal đã cho thấy chúng có thể mang vi khuẩn Zika, và loại muỗi Culex perfuscus rất thông thường ở Senegal có khả năng lan truyền Zika cao hơn loại muỗi Aedes aegypti.

Các nhà khoa học cũng đã phát hiện hơn 20 loài muỗi thông thường mang virus Zika ở châu Phi nhưng chưa rõ chúng có lây nhiễm trực tiếp cho người hay không.

Muỗi Culex quinquefasciatus sống ở các vùng cận nhiệt đới và có thể tồn tại qua mùa đông. Không giống như Aedes, Culex có thể mang virus nhiều ngày trong mùa đông. 

Phát hiện thêm một loài muỗi có thể truyền virus Zika - 2

Em nhỏ mắc chứng teo não được cho là do virus Zika gây ra.

Dù loài muỗi này ưa thích máu chim hơn, nhưng chúng cũng thường cắn người, đặc biệt ở nông thôn. Do đó, chúng ta cần có những biện pháp diệt muỗi, phòng chống để tránh bị nhiễm virus.

Ngày 1/2, Tổ chức Y tế thế giới đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu về virus Zika, kêu gọi phản ứng phối hợp nhanh chóng của toàn nhân loại sau khi các trường hợp nhiễm Zika tăng đột biến ở Nam Mỹ và nhiều quốc gia khác. 

Sự bùng phát của hàng ngàn trường hợp trẻ sơ sinh mắc dị tật đầu nhỏ bẩm sinh ở Brazil trùng hợp với sự lây lan của virus Zika tại quốc gia này khiến nhiều người cho rằng chính virus Zika gây teo não. Thậm chí tất cả phụ nữ mang thai trên toàn thế giới đều đã được khuyên nên thận trọng với loại virus này. 

Để chủ động phòng chống bệnh do virus Zika xâm nhập và lây lan tại nước ta, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

- Người nhập cảnh về từ các quốc gia có lưu hành virus ZIKA chủ động tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu có biểu hiện sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

- Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ chứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống dịch.

Hà Anh (reuters)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự