Gần đây thông tin về việc xuất hiện một cột đá lạ thay thế cho Cột đá thề ở sân Đền Thượng thuộc quần thể Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ) đã gây xôn xao dư luận.
Thông tin cho rằng Cột đá thề cũ có năng lượng siêu nhiên, thậm chí có thể chữa được một số loại bệnh đã được thay bằng một cột đá khác.
Cột đá mới có lai lịch rõ ràng
Theo thông tin đó thì cột đá mới là cột đá vô hồn được “trấn yểm” và được cá nhân cung tiến. Thông tin nêu trên xuất hiện sau vụ hòn đá có khắc hình thù kỳ quái được cho là dạng bùa chú tại di tích Đền Hùng đã gây xôn xao dư luận.
Tuy nhiên, từ nguồn tài liệu cho thấy, cột đá thề mới là một phần nằm trong chuỗi tu bổ, tôn tạo Đền Thượng, Đền Trung, do Khu di tích Đền Hùng làm chủ đầu tư đã được sự chấp thuận của UBND tỉnh Phú Thọ và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Theo đó, trong thông báo số 443/DSVH-DT do Cục trưởng Cục Di sản Văn Hoá ông Đặng Văn Bài ký ngày 5/6/2008 về kết luận của Hội đồng Khoa học bảo tồn di tích về phương hướng tu bổ Đền Thượng, Đền Trung thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phủ Thọ khẳng định: “Trong truyền thuyết và tâm thức dân gian đã ghi dấu hình ảnh cột đá thể. Cột đá thề hiện nay (cột cũ đã được thay thế - PV) được tạo dựng vào những năm đầu của thập kỷ 60 thế kỷ XX bằng một cấu kiện kiến trúc (là một cột đá nhỏ được phát hiện trong khu vực Đền Thượng vào năm 1966, đầu bị đục một lỗ xuyên qua, sau này trông phản cảm nên đã được trát xi măng lấp kín lỗ - PV). Do đó cột đá thề cần được thay thế để tránh những hiểu lầm của nhân dân. Việc thay thế cột đá thề có thể nghiên cứu hai phương án: Tìm một khối đá tự nhiên có giá trị địa chất và thẩm mỹ (kỳ thạch) hgoặc tạo tác một cột đá mới thích hợp để thay thế…”.
Cột đá thề được xây dựng dưới sự chỉ đạo của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Sau đó, hạng mục thay thế cột đá thề cũng đã được ông Trần Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch kết luận tại buổi làm việc với UBND tỉnh Phú Thọ. Cụ thể, tại thông báo số 176/TB-VP, ngày19/6/2008, Thứ trưởng Trần Chiến Thắng đưa ra chỉ đạo: “Nghiên cứu dựng một cột đá thề mang ý chí thời đại ngày nay, đảm bảo tôn vinh giá trị tinh thần của công trình này”.
Trong quá trình triển khai và kể cả khi hạng mục thi công cột đá thề có sự thay đổi và đều được UBND tỉnh Phú Thọ ra văn bản chấp thuận. Ngày 11/7/2008, ông Đặng Đình Vượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành văn bản chấp thuận điều chỉnh thiết kế hạng mục cột đá thề nằm trong công trình tu bổ, tôn tạo Đền Thượng.
Như vậy, cột đá thề nằm trong các hạng mục tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Đền Hùng, đã được sự chỉ đạo, chấp thuận của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng chính quyền địa phương là UBND tỉnh Phú Thọ chứ không phải là vật cúng tiến, là cột đá “trấn yểm” gây xôn xao dư luận.
Cột đá thề được chứng nhận là đá quý
Ngoài các thông tin cho rằng cột đá thề là cột đá lạ được cá nhân cung tiền còn có phần khẳng định cột đá cũng đã bị đập vỡ vụn. Về vấn đề này, ngày 10/6, trên trang web của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch khẳng định: “Ông Nguyễn Xuân Các, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết, sau khi được thay thế, hiện vật này được cán bộ bảo tàng làm hồ sơ hiện vật và được bảo quản, gìn giữ nguyên trạng chứ không có chuyện đã bị đập vỡ vụn. Trong kho bảo tàng, hiện vật cột đá thề này vẫn đang nằm yên vị trên kệ giá như một nhân chứng cho ai muốn kiểm tra rằng, nó còn tồn tại hay không còn tồn tại như dư luận đồn đoán”.
Cột đá được Trung tâm Ngọc học cấp chứng chỉ là đá quý.
Thêm vào đó, thông tin cũng cho rằng cột đá thề mới là cột đá “vô hồn”, tuy nhiên trong hồ sơ lưu thì cột đá này đã được cấp chứng chỉ là đá quý. Chứng chỉ nêu trên được Hội đá quý Việt Nam, Trung tâm Ngọc học do PGS.TS Nguỵ Tuyết Nhung làm giám đốc và kỹ sư Đỗ Đức Quang ký xác nhận. Trong chứng chỉ đá quý số ĐTN/09/08-01 ngày 4/8/2009 khẳng định: Cột đá là đá thiên nhiên. Là khối đá Chalcedon nhiều màu, từ trắng xám, vàng nhạt đến xám xanh, phớt tím uốn lượn xen kẽ nhau tạo nên nhiều hình thù lạ mắt. Đôi chỗ đạt chất lượng ngọc mã não khá trong. Là khối đá hiếm gặp trong tự nhiên do giữ được nguyên vẹn cấu trúc ban đầu, không bị rỗ và gặm mòn. Đá đã được mài nhẵn và đánh bóng một phần.
Các đơn vị, thành phần liên quan đến Cột đá thề đều được công khai.
Như vậy, từ các cứ liệu nêu trên cho thấy, Cột đá thề đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, yếu tố để thay thế cột đá cũ theo chủ trương và chỉ đạo của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Ông Nguyễn Minh Vũ, Giám đốc Công ty Mỹ thuật Trung ương, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, trong báo cáo kinh tế kỹ thuật thực hiện dự án cột đá thề nhận định: “Xây dựng cột đá thề mới có chất lượng tốt sẽ có tác dụng góp thêm sự phong phú cho tổng thể Đền Thượng thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Do đó cần sớm được triển khai và hoàn thiện để nơi Đất tổ thiêng liêng có thêm một tác phẩn văn hoá nghệ thuật phục vụ du khách và nhân dân. Đây cũng là một trong những hạng mục công trình thể hiện nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”.