Thời tiết các tỉnh miền Tây Nam Bộ se lạnh kèm theo những tia nắng vàng nhạt báo hiệu mùa Xuân đang đến gần, mọi người cũng bắt đầu tất bật chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Ất Mùi. Gia đình bà Phạm Thị Mai (SN 1951, khóm 1, phường 3, TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) cũng hòa chung vào không khí đầm ấm đó.
Nhưng có lẽ năm nay sẽ là năm đặc biệt hơn cả với bà Mai và các con cháu trong gia đình bởi người phụ nữ này mới từ “cõi chết” trở về sau 5 ngày trôi dạt trên sông.
“Người chết” trở về hóa giải nỗi oan bất hiếu
Những ngày đầu tháng 11/2014, dư luận cả nước hồi hộp dõi theo thông tin sức khỏe của bà Phạm Thị Mai khi biết được người phụ nữ này đã sống sót kỳ diệu sau khi trải qua 5 ngày trôi lênh đênh trên sông với nhiều vết thương trên cơ thể vì bị va đập và côn trùng cắn. Người ta phát hiện ra bà Mai khi đang trôi dạt vào bờ tại khúc sông thuộc ấp Phước Hanh B (xã Phước Hậu, huyện Long Hồ), cách nhà bà 7km trong trạng thái kiệt quệ, nằm thở thoi thóp. Với tình thế “còn nước còn tát”, người dân có mặt hôm đó chẳng ai bảo ai đã đồng lòng đưa bà Mai đến thẳng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long cấp cứu. Trong khi đó tại nhà bà lão này, sau 5 ngày tìm kiếm từ hy vọng đến thất vọng, mọi người đều đã nghĩ đến chuyện xấu nhất. Chính vì thế, một mặt họ thuê người liên tục tìm kiếm, mặt khác chuẩn bị hậu sự.
Chị Võ Thị Thanh Thủy (SN 1974, con gái bà Mai) nhớ lại: “Hôm xảy ra vụ việc, mẹ tôi vẫn khỏe mạnh bình thường. Sau khi dùng cơm tối xong, bà ra phía sau nhà nằm nghỉ. Khi chuẩn bị đi ngủ, gia đình vẫn thấy mẹ còn nằm trên giường. Tới 4h sáng ngày 7/11, tôi thức dậy chuẩn bị đồ ăn sáng cho cả gia đình thì không thấy bà đâu, chỉ có cánh cửa ra phía sông là mở tung. Biết có chuyện xảy ra, tôi vội cất tiếng gọi mẹ nhưng không có hồi âm. Chạy ra phía sông thì không thấy bóng dáng mẹ đâu nên tôi đã hô hoán chồng và hàng xóm giúp đỡ đi tìm. Tìm tới ngày thứ 4 mà vẫn không thấy dấu vết gì, gia đình cho rằng mẹ tôi đã chết nên đã bàn nhau lo làm ma chay. Nhưng chưa tìm thấy thi thể nên tôi vẫn hy vọng vào một điều kỳ diệu nào đó. Chính vì vậy, tôi cùng mấy người bà con vẫn tiếp tục đi tìm khắp nơi”.
Nơi bà Mai được tìm thấy sau 5 ngày trôi sông.
5 ngày lăn lộn tìm mẹ cũng là 5 ngày mà chị Thủy và những người anh em của mình sống trong tâm trạng thấp thỏm, lo âu. Cứ có thông tin ở đâu có người chết đuối, họ lại tất tả lại chạy tới xác nhận rồi thở phào nhẹ nhõm khi biết đó không phải là mẹ mình. Ngoài việc lo lắng cho mẹ thì trong khoảng thời gian này, vợ chồng chị Thủy còn phải gánh chịu nhiều điều tiếng đến từ “bia miệng” của người đời. Dư luận cho rằng do vợ chồng chị không chăm sóc mẹ chu đáo nên mới xảy ra cơ sự. Rồi còn có thông tin nói rằng vì bà Mai đã già yếu nên chị Thủy luôn mắng chửi khiến mẹ tủi thân mà bỏ đi… Thế rồi điều kỳ diệu đã tới khi gia đình nhận được thông tin bà Mai còn sống, đang được cấp cứu trong bệnh viện nhưng không biết sống – chết thế nào. Cả nhà dừng tất cả những công việc đang làm, chạy ngay đến bệnh viện, thấp thỏm ngóng chờ. Nhìn nước da mẹ tím ngắt, cơ thể có nhiều chỗ bị lở loét mà không ai kìm được nước mắt. Bà Mai được các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long nhiệt tình cứu chữa. Ban lãnh đạo bệnh viện cũng đã quyết định miễn phí toàn bộ chi phí thuốc men trong thời gian bà Mai ở đây.
Bà Mai chia sẻ thêm về Tết của người miền Tây: “Nhiều gia đình có họ hàng có nhà ở gần nhau thường tập trung lại để làm bánh bông lan và gói bánh tét vào một ngày, rồi chia ra mỗi nhà một ít để cúng và ăn vào dịp Tết. Bánh tét được nấu muộn nhất, thường là vào chiều ngày 30 Tết, bánh được nấu đến tận khuya, những đòn bánh chín đầu tiên sẽ được cắt ra để cúng vào lúc Giao thừa. Các loại bánh mứt khác được chuẩn bị sớm hơn. Năm nay tôi nghĩ đến Tết nhiều lắm, món nào tôi cũng muốn tự tay làm cho các con mình ăn. Bởi từ cõi chết trở về, tôi nghiệm ra rằng vẫn còn nhiều thứ có ý nghĩa trên cuộc đời này mà mình chưa kịp làm”. |
Sau 10 ngày điều trị, bà Mai dần hồi tỉnh, sức khỏe tốt, không còn nguy hiểm tới tính mạng nên được các bác sĩ cho về nhà. Ngày bà trở về cũng là ngày những nỗi oan ức của vợ chồng chị Thủy được giải. Bà khẳng định với mọi người không có chuyện bà tự tử vì con, cũng không có chuyện con cái ngược đãi để bà phải sống trong đau khổ, tất cả chỉ là tai nạn mà chẳng ai mong muốn. “Bước ra bờ sông đi vệ sinh nhưng vừa ra tới nơi, tôi thấy đầu óc quay cuồng rồi bất ngờ không trụ được mà ngã nhào xuống. Khi tỉnh lại, tôi nhận ra mình đang nằm trên đám lục bình, lênh đênh trên sông nước nhưng sức đã kiệt nên chỉ biết nằm im mà chẳng kêu lên được. Tôi không dám ngủ vì sợ trong lúc ngủ không ý thức được nhỡ động đậy làm đám lục bình tan ra, mình rớt xuống nước. Lúc đó, tôi có ước muốn duy nhất là được ăn một thứ gì đó cho đỡ đói để làm ma no chứ không nghĩ mình sẽ sống…”, bà Mai nhớ lại phút giây đứng giữa lằn ranh sinh tử. Cũng theo bà Mai, do mặt nằm úp xuống nước nên bà không thở được, bà cố xoay thân người nằm nghiêng sang một bên. Trong những ngày trôi trên sông, bà không ăn mà chỉ uống ít nước sông. Lâu lâu, bà định đưa tay lên nhờ mọi người giúp nhưng không có sức. Bà Mai vẫn nhớ mang máng trong lúc nằm trên đám lục bình bị cá, kiến và nhiều loại côn trùng khác rỉa khắp người nhưng không làm gì được. Quá kiệt sức nên cuối cùng bà đã bị ngất đi, đến khi tỉnh dậy thì đã nằm trên bờ, được mọi người tìm cách cứu chữa.
Làm Tết thật to để ăn mừng
Chị Thủy chia sẻ: “Mẹ tôi còn sống trở về là niềm vui không gì có thể tả hết. Bên cạnh đó, những hiểu lầm của mọi người về vợ chồng tôi cũng được giải tỏa. Chúng tôi không dám trách ai, hơn nữa lúc đó cũng chẳng có tâm trí đâu mà đi trách dư luận, chỉ mong sao tìm được mẹ thôi. Giờ mọi người hiểu ra lại thân thiết với chúng tôi hơn. Bây giờ mỗi lần sum họp gia đình, mọi người đều vui lắm, hạnh phúc lắm!”. Nói đến đây chị Thủy lại hướng đôi mắt ra xa, chị bảo rằng chị nghĩ về Tết Nguyên đán đang tới gần. Chị chia sẻ: “Năm nay, gia đình tôi sẽ làm Tết thật to, không chỉ để mừng mẹ tôi trở về mà còn mừng cho vợ chồng tôi được minh oan và gia đình ngày càng hạnh phúc. Bao giờ cũng vậy, gia đình êm ấm, sum họp trong tiếng cười thì ngày nào cũng là Tết…”. Hòa cùng niềm vui của con cái, bà Mai bảo: “Tôi như sinh ra lần thứ hai vậy, con người thật là điều kỳ diệu. Nhiều người nói vui với tôi là trải qua kiếp nạn này sẽ sống thọ hơn trăm tuổi nhưng đó không phải là ước mong của tôi. Điều làm tôi vui nhất là từng ngày được sống đầm ấm bên con, bên cháu, được nhìn thấy chúng nó cười, hòa thuận với nhau thì có chết lại lần nữa tôi cũng thấy mãn nguyện”.
Các con thay nhau chăm sóc bà Mai.
Bà Mai chia sẻ thêm, ngày bà trở về nhà nhìn thấy chiếc áo quan đặt chình ình trong nhà khiến bà lặng người, cảm xúc trong lòng trào dâng khiến bà chẳng nói được lời nào mà chỉ khóc. Khóc chưa xong, bà lặng lẽ đến bàn thờ gia tiên thắp hương như để cảm tạ ân đức trời bể của cha ông đã cho bà được sống lại. Rồi đến mấy hôm sau, bà ra nhìn thấy cái hố đất mà người ta đào sẵn định làm nơi an táng mình nhưng không hiểu sao lại cảm thấy an lòng. “Với người già, chết không có gì đáng sợ, điều đáng sợ nhất là cô đơn. Tôi thấy an lòng là bởi vì tôi không cô đơn. Tôi rất vui khi gặp nạn có nhiều người lo lắng cho mình như vậy”, bà Mai tâm sự.
Nói về ngày Tết, người phụ nữ bị “diêm vương” từ chối tỏ ra rất vui vẻ. Bà cho biết mình đông con cháu nhưng hiếm có dịp đoàn tụ đông đủ trong năm ngoài ngày Tết. “Chỉ đến Tết cổ truyền thì chúng nó mới về hết, đứa hứa hẹn sẽ chuẩn bị quà cho tôi, đứa thì bảo năm nay gia đình phải đón Tết thật to vì tôi như được sinh ra lần thứ hai. Tôi bảo chúng nó, người miền Tây mình chẳng có gì ngoài mấy món đồ truyền thống không thể thiết trong ngày Tết như mứt dừa, bánh bông lan… đặc biệt là bánh tét. Chỉ mong sao con cháu sum vầy vào đêm 30, cùng trông nồi bánh tét đón giao thừa là đủ ấm áp rồi”, bà cho biết.