Khi đang làm đồng, trời đổ mưa và kém theo sấm chớp, chưa kịp trú ẩn thì thai phụ đã bị sét đánh trúng vào vùng ngực trái, ngay lập tức bệnh nhân được đưa đi cấp cứu.
Nhập viện vì bị sét đánh khi đang làm đồng
Đó là thai phụ Nguyễn Thị H, nữ, 21 tuổi (sống ở Hiền Lương, Sóc Sơn, Hà Nội). Đang mang thai lần 1, tuổi thai 22 tuần. Theo Ths.BS Lương Quốc Chính – Khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai), vào khoảng 15 giờ 30 phút chiều 23/06/2015 bệnh nhân đang làm đồng thì xuất hiện cơn giông mưa có kèm sấm chớp, khi chưa kịp trú ẩn thì bệnh nhân bị sét đánh vào vùng ngực trái.
Sau khi bị sét đánh, bệnh nhân ngã xuống ruộng, những người xung quanh nhanh chóng đưa bệnh nhân vào bệnh viện đa khoa Phúc Yên trong tình trạng hôn mê, ứ đọng hầu họng (do trào ngược và nôn mửa), thở nhanh 30 lần/phút, hạ oxy máu (SpO2 88%), mạch nhanh 110 lần/phút, huyết áp 100/60 mmHg. Siêu âm thai cấp cứu tại giường, thai 22 tuần, và tim thai còn (160 lần/phút).
Ngay lập tức bệnh nhân được đặt ống nội khí quản để bảo vệ đường thở, hô hấp nhân tạo (thở máy). Bệnh nhân ổn định hơn và được chuyển lên khoa cấp cứu A9, bệnh viện Bạch Mai.
Tại khoa cấp cứu A9, bệnh nhân được thở máy qua ống nội khí quản, dùng thuốc an thần và truyền dịch. Tình trạng chung ổn định, tuy nhiên tại chỗ sét đánh vùng cổ, ngực và bụng trái xuất hiện các tổn thương phỏng rộp đã tróc da đã được sơ cứu. CT sọ não có hình ảnh xuất huyết và nghi ngờ có tổn thương sợi trục thần kinh. Siêu âm kiểm tra lại tim thai còn tốt.
Vết thương do bị sét đánh của bệnh nhân H.
Theo BS Chính, trong trường hợp thai phụ bị nặng và nằm viện lâu chắc chắn thai nhi sẽ ảnh hưởng. Đó là chưa tính tới việc liệu thai có bị ảnh hưởng do cú sét đánh mẹ hay không. Được biết, ngoài những tổn thương nói trên, vùng cổ, ngực và bụng trái của bệnh nhân xuất hiện các tổn thương phỏng rộp đã tróc da do bị sét đánh.
Sơ cứu khi bị sét đánh
BS Chính cho biết, người bị sét đánh có thể ngừng tim ngay lập tức. Một số trường hợp có thể không thấy các dấu hiệu tổn thương bên ngoài. Một số người có thể mất ý thức trong thời gian khác nhau. Họ có thể biểu hiện lú lẫn hoặc không nhớ chuyện gì xảy ra. Tia sét có thể văng ra khỏi một người, xả vào quần áo của họ, và để lại một vài dấu hiệu rõ của tổn thương.
Theo đó, người bị sét đánh có thể bị tổn thương tim hoặc ngừng tim. Ngoài ra, nạn nhân có thể bị bỏng bề mặt, phổi có thể bị tổn thương gây khó thở hoặc tổn thương mắt gây ra các vấn đề về thị lực ngay lập tức hoặc biểu hiện đục thủy tinh thể muộn…
Những nạn nhân bị sét đánh khi xuất hiện các triệu chứng như: Bất tỉnh (bất cứ giai đoạn bất tỉnh nào), liệt, đau ngực, khó thở, đau lưng hoặc cổ, biến dạng tứ chi rõ rệt, ví dụ như tay hoặc chân (xương có thể bị gẫy)… thì cần phải gọi cấp cứu 115 ngay để vận chuyển bệnh nhân an toàn đến cơ sở y tế gần nhất.
Ngoài ra, ở nơi nận nhân bị sét đánh, những người xung quanh nên tiến hành hồi sinh tim phổi (CPR) ngay lập tức cho bất cứ nạn nhân nào ngừng thở hoặc không có mạch. Bất cứ nạn nhân nào nghi ngờ bị tổn thương do sét đánh cần được đánh giá tại khoa cấp cứu của bệnh viện, ngay cả khi tổn thương đó không rõ ràng.
Khi đến các cơ sở y tế, các bác sĩ sẽ điều trị các tổn thương do sét đánh nếu phát hiện thấy bệnh nhân: Tổn thương đầu biểu hiện bằng mất ý thức hoặc lú lẫn, biển hiện này thường được điều trị bằng việc theo dõi tại bệnh viện.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể tổn thương tim biểu hiện trên điện tâm đồ bất thường hoặc nồng độ men tim trong máu. Với biểu hiện này thường được điều trị tại bệnh viện bằng việc theo dõi và dùng thuốc nếu cần.
Đối với các tổn thương như tai và mắt cần được điều trị với lời tư vấn của bác sĩ chuyên khoa phù hợp. Trong trường hợp tổn thương cột sống cần phải nhập viện để theo dõi và phẫu thuật. Cuối cùng, với các triệu chứng của tổn thương thần kinh (tê, ngứa) cần được khám và theo dõi bởi các bác sĩ chuyên khoa thần kinh.