Những người sống sót trong vụ giẫm đạp kinh hoàng khiến hơn 700 người thiệt mạng trong lễ Hajj tại thánh địa Mecca, Ả Rập Xê-út ngày 24.9 đã kể lại khoảnh khắc "mọi người giẫm đạp lên nhau để hít thở".
Theo BBC, thảm kịch xảy ra trong lúc những người hành hương đi bộ trước một công trình 5 tầng bao quanh nhiều trụ cột được gọi là cầu Jamarat tại thành phố Mina, gần Mecca.
Tại hiện trường thảm kịch, thi thể của những người hành hương thiệt mạng trong vụ giẫm đạp nằm la liệt trên mặt đất, thậm chí, chồng chất lên nhau. Tất cả các thi thể đều mặc quần áo trắng - trang phục bắt buộc đối với người hành hương trong lễ Hajj.
Tại hiện trường vụ giẫm đạp, thi thể người thiệt mạng nằm la liệt, thậm chí, chồng chất lên nhau.
Hãng tin AP dẫn lời Abdullah Lotfy, một người hành hương đến từ Ai Cập, 44 tuổi may mắn sống sót sau thảm kịch kinh hoàng cho hay: "Tôi nhìn thấy ai đó vấp ngã lên trên một người ngồi trên xe lăn. Rồi nhiều người khác tiếp tục vấp ngã lên trên ông ấy. Mọi người đang leo lên trên những người khác, giẫm đạp lên nhau chỉ để hít thở".
Những người sống sót khác kể rằng, họ đã phải vật lộn để tìm lối ra, trở về khu vực lều trại trong biển người hành hương đông đúc đang hoảng loạn vì thảm kịch.
"Tôi nhìn thấy những người hành hương liên tục ngã xuống và bị đám đông giẫm nát. Tôi nghe thấy tiếng phụ nữ và những người già la hét, cầu cứu", một người sống sót khác tự xưng là Dr Abdulrahman cho hay.
"Tôi đã cố hết sức để thoát ra khỏi đám đông. Quần áo trên người tôi bị xé nát, nhưng tôi không bận tâm. Tôi chỉ nghĩ đến việc phải thoát khỏi đó. May mắn, tôi đã làm được", ông Dr Abdulrahman chia sẻ thêm.
Các nhân viên cứu hộ đưa một thi thể người hành hương bị thiệt mạng trong vụ giẫm đạp ra khỏi hiện trường.
Theo Dr Abdulrahman, sau khi ông tới được khu vực lều trại dành cho người hành hương, lực lượng an ninh đã chặn ông lại. Họ không cho bất cứ ai tiến vào, khiến hoảng loạn tăng gấp đôi. Sau đó, ông Abdulrahman đã lẻn vào khu vực lều trại khi một nhân viên an ninh phân tâm. Theo Abdulrahman, giới chức trách Ả Rập Xê-út đã đến quá chậm trễ để xử lý cảnh hỗn loạn.
"Tôi đã thấy lực lượng dân phòng ở đây nhưng họ đã đến quá muộn", ông Abdulrahman cho hay.
Trong khi đó, biên tập viên của BBC, Abuja, người có mặt tại thành phố Mina cho hay: "Thi thể người thiệt mạng la liệt ngút tầm mắt của tôi".
Sự đông đúc, quá tải và chen lấn được cho là nguyên nhân chính gây ra thảm kịch khiến hơn 700 người thiệt mạng và hơn 800 người khác bị thương trong lễ Hajj năm nay.
Quốc vương Ả Rập Xê-út đã ra lệnh điều tra nguyên nhân gây ra thảm kịch tính đến nay đã khiến 717 người thiệt mạng và hơn 800 người khác bị thương.
Trong khi đó, có những cáo buộc cho rằng, thảm kịch xảy ra là do những thiếu sót nghiêm trọng trong công tác chuẩn bị và đảm bảo an toàn cho người hành hương trong lễ Hajj của giới chức trách Ả Rập Xê-út. Thậm chí, công tác cứu hộ cũng bị chỉ trích là quá chậm trễ.
Hajj - lễ hành hương của người Hồi giáo tới Thánh địa Mecca - là một trong những nghi lễ tôn giáo lớn nhất thế giới, thu hút hàng triệu tín đồ Hồi giáo từ khắp nơi các châu lục. Trước đó, chính quyền Ả Rập Xê-út cho biết, họ đã triển khai 100.000 cảnh sát để đảm bảo an ninh cho lễ Hajj. Tuy nhiên, thảm kịch giẫm đạp đau lòng vẫn xảy ra.
Các tín đồ Hồi giáo lũ lượt hành hương về Mecca trước khi xảy ra vụ giẫm đạp chết người.
Bộ trưởng Y tế Ả Rập Xê-út, Khalid al-Falih nhanh chóng lên tiếng phủ nhận các cáo buộc. Ông này cho rằng, thảm kịch xảy ra là do bản thân những người hành hương vô kỷ luật, không tuân thủ đúng theo những chỉ dẫn về đi lại, di chuyển của Bộ An ninh.
"Hầu như mọi người đều biết rằng, thảm kịch xảy ra là do tình trạng quá đông đúc, và cũng do một số người hành hương không tuân thủ theo hướng dẫn đi lại, di chuyển của Bộ An ninh", ông Khalid al-Falih tuyên bố trên truyền hình địa phương.
Vụ giẫm đạp chết chóc hôm qua (24.9) gợi nhớ đến hàng loạt thảm kịch đau thương tương tự trong lễ Hajj trong thập kỷ qua.
Năm 2006: 364 người hành hương đã thiệt mạng trong vụ giẫm đạp trong lễ Hajj ở cầu Jamarat thuộc thành phố Mina. Đây cũng là địa điểm xảy ra vụ đẫm đạp hôm qua (24.9).
Năm 2004: cũng trong nghi thức trừ quỷ ở thung lũng Mina, 251 người đã thiệt mạng, 244 người khác bị thương, chủ yếu là phụ nữ, người già.
Năm 2003: lại 14 người thiệt mạng vì chen lấn xô đẩy lẫn nhau tại thung lũng Mina.Năm 2001, tiếp tục có thêm 35 người bị giẫm đạp đến chết vì chen lấn thực hiện nghi lễ ném đá ma quỷ ở thung lũng Mina.
Năm 1997: 340 người hành hương thiệt mạng trong vụ hỏa họa tại khu lều trại dành cho người hành hương ở MinaNăm 1998: Khoảng 180 người đã bị giẫm đạp đến chết trong nghi lễ ném đá cuối cùng tại Mina.
Năm 1994: 270 người hành hương chết trong vụ giẫm đạp trong nghi lễ ném đá xua đuổi quỷ dữ, một nghi lễ quan trọng vô cùng quan trọng trong chuyến đại hành hương Hajj.
Năm 1990: 1.426 người hành hương, chủ yếu từ châu Á, chết trong vụ giẫm đạp tại một đường hầm quá đông đúc hướng từ thánh địa Mecca tới Mina và đồng bằng Arafat.