Thứ trưởng Bùi Văn Ga giải đáp 5 câu hỏi thường gặp trong xét tuyển đại học

Ngày 05/08/2016 14:23 PM (GMT+7)

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã có những chia sẻ, chỉ đạo kịp thời về công tác đăng ký của thí sinh cũng như việc tiếp nhận, xử lý dữ liệu xét tuyển của các trường ĐH, CĐ trong kỳ tuyển sinh 2016.

Năm nay là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT áp dụng hình thức đăng ký xét tuyển trực tuyến. Không thể phủ nhận những tiện ích của phương thức xét tuyển này, nhưng thực tế trong quá trình thực hiện vẫn không tránh khỏi một số vướng mắc. 

Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã có những chia sẻ với báo chí trong việc gỡ khó xét tuyển đại học.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga giải đáp 5 câu hỏi thường gặp trong xét tuyển đại học - 1

“Gỡ” khó trong xét tuyển đại học

- Thưa Thứ trưởng, trong những ngày vừa qua có một số trường hợp thí sinh chưa nắm kỹ về quy chế năm nay dẫn đến những sai sót đáng tiếc trong quá trình đăng ký. Bộ GD&ĐT đã có hướng xử lý vấn đề này như thế nào?

- Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các trường tập huấn rất kỹ. Các cán bộ tham gia tư vấn tuyển sinh phải nắm vững quy chế để giải thích cho thí sinh và người nhà. Sáng nay, các trường báo cáo đã hoàn tất việc cử cán bộ tham gia tư vấn tuyển sinh.

Hiện nay, tất cả các trường đều công khai số điện thoại đường dây nóng trên trang thông tin điện tử của các trường. Vì vậy, thí sinh có thể gọi điện đến để phản ánh cũng như có thêm thông tin về việc đăng ký xét tuyển.

- Nhiều thí sinh phản ánh việc chuyển lệ phí dự thi khá phức tạp, vậy có cách nào tạo điều kiện hơn cho thí sinh không?

- Bộ GD&ĐT đã đề nghị các trường đơn giản hóa, không gây phiền hà cho thí sinh trong việc nhận lệ phí xét tuyển. Trước mắt các trường xét học sinh đã làm thủ tục đăng ký vào trường mình theo đúng quy định, giống như các em đã nộp tiền, không có gì phân biệt. Sau khi các em đã trúng tuyển rồi, việc trục trặc nộp tiền lệ phí sẽ xử lý sau.

Các trường bảo mật dữ liệu xét tuyển

- Theo quy định, năm nay, các trường đại học không được công bố dữ liệu xét tuyển lên website hàng ngày trước 12/8 để tránh gây hoang mang cho thí sinh. Thứ trưởng có thể giải thích cụ thể hơn về vấn đề này?

- Trong các kỳ thi trước đây, nhằm bảo vệ quyền lợi của thí sinh, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường phải cập nhật thường xuyên diễn biến xét tuyển, số lượng hồ sơ đăng ký vào trường trên trang web để thí sinh có cơ sở tham khảo, cân nhắc và quyết định nên rút ra hay nộp hồ sơ vào.

Nhưng năm nay Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường không công khai tình hình diễn biến hồ sơ xét tuyển. Bởi lẽ, ở các kỳ thi trước, thí sinh chỉ được đăng ký 1 trường; năm nay, mỗi thí sinh có quyền đăng ký 2 trường với 4 nguyện vọng, do đó, các trường sẽ không biết được ngoài trường mình thì thí sinh còn đăng ký vào những trường nào khác. Việc công bố thông tin về hồ sơ hoàn toàn không có ý nghĩa tham khảo mà còn gây tác dụng tiêu cực, khiến thí sinh và người nhà hoang mang.

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT vẫn cho phép các trường có thể tải dữ liệu về đăng ký xét tuyển để tham khảo, nhưng dữ liệu này phải tuyệt đối bảo mật chứ không được công khai. Khi các trường đăng ký tải dữ liệu này, đồng thời cũng phải cam kết bảo mật thông tin đó. Nếu các trường công khai thông tin này, gây ra tâm lý hoang mang hay bất cứ hậu quả nào thì trường đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

- Vậy Thứ trưởng có lời khuyên gì cho các thí sinh bởi rất nhiều em vẫn đang hoang mang khi không biết diễn biến điểm thi của trường mình đăng ký xét tuyển?

- Thí sinh cần tham khảo kết quả tuyển sinh năm ngoái của các trường cũng như dựa vào kết quả học tập của mình để đưa ra lựa chọn phù hợp. Thay vì chờ đợi dữ liệu nói trên bởi các em sẽ không tham khảo được gì từ những số liệu này.

- Hiện nay, Bộ GD&ĐT có giải pháp gì hỗ trợ các trường giảm “ảo” trong quá trình xét tuyển, thưa Thứ trưởng?

- Quy định nêu trên đã là một trong các giải pháp để hạn chế tình trạng thí sinh "ảo" tái diễn trong kỳ tuyển sinh ĐH năm nay. Bên cạnh đó, Bộ đã đưa ra những quy định khác nhằm bảo đảm các trường có thể yên tâm tuyển sinh mà không phải lo ngại tình trạng thí sinh “ảo”. Đơn cử, Bộ không quy định điểm xét tuyển đợt sau phải cao hơn đợt trước; sau khi có kết quả xét tuyển, thí sinh phải nộp giấy báo kết quả thi cho nhà trường để khẳng định vào học trường đó, điều này giúp trường biết chắc chắn có bao nhiêu thí sinh sẽ nhập học.

- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng đã trả lời phỏng vấn!

Tào Nga (ghi)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Sáng nay (24/12), giá vàng bật tăng trở lại. Tuy nhiên, điều lạ là giá vàng miếng và vàng nhẫn có mức giá bán ra và mua vào tương đương...

Tin bài cùng chủ đề Điểm thi đại học