Sau một thời gian dài tăng giá kỷ lục, hiện giá cau tươi ở Quảng Ngãi đang trên đà lao dốc. Nguyên nhân chính là các đối tác phía Trung Quốc “quay xe” hạn chế nhập cau.
Quảng Ngãi có diện tích trồng cau rộng lớn, tập trung chủ yếu ở huyện miền núi Sơn Tây và huyện Nghĩa Hành. Chưa có năm nào giá cau ở mức cao và kéo dài trong thời gian kỷ lục như năm nay. Tình trạng trên đã tạo nên “cơn sốt”. Từ cây cau, nhiều hộ dân đã có thu nhập “khủng”, cá biệt có hộ ước tính thu về gần tỷ đồng.
Nếu như các năm trước, giá cau đầu vụ dao động từ 4.000 - 7.000 đồng/kg thì năm 2024, ngay từ đầu vụ, giá cau đã trên 45.000 đồng/kg (cả cuống lẫn quả) và tiếp tục tăng. Tháng 6, giá cau tươi luôn ở mức cao, dao động từ 45.000-57.000 đồng/kg, sau đó tăng lên hơn 60.000 đồng/kg. Đến tháng 10, giá cau chạm mốc 80.000 đồng/kg, có thời điểm cao nhất lên tới hơn 85.000 đồng/kg.
Tuy nhiên sau một thời gian dài tăng giá kỷ lục, hiện giá cau tươi ở Quảng Ngãi đang hạ nhiệt và giảm nhanh. Hiện cau tươi đang có giá khoảng 54.000 - 56.000 đồng/kg (tại vườn). Ngoài ra, các chủ vựa, lò sấy thu mua cũng dè chừng, thậm chí có lò tạm dừng thu mua. Nguyên nhân chính là do phía các đối tác Trung Quốc bất ngờ “quay xe” hạn chế nhập cau khiến các thương lái cũng giảm sức mua để dò giá thị trường.
Các chủ vựa cũng đang hạn chế thu mua cau, sợ giá tiếp tục lao dốc.
Anh Trương Văn Phượng - một người chuyên đi thu mua cau - chia sẻ, cau chỉ bán được cho các đầu nậu để xuất khẩu qua Trung Quốc. Mấy tháng qua thu mua rầm rập, giá lên từng giờ, có thời điểm 1 tạ cau ngang giá một chỉ vàng. Thế nhưng, mấy ngày nay giá giảm dần.
Một số thương lái làm việc trực tiếp với đối tác Trung Quốc cho hay, nguyên nhân Trung Quốc dừng nhập cau từ Việt Nam bởi nhiều công ty của phía họ đã đủ nguyên liệu sản xuất, vài công ty chưa đủ vẫn nhập nhưng số lượng rất ít.
“Phía Trung Quốc hiện đang ngừng nhập cau từ Việt Nam, họ chỉ còn nhập những lô cuối cùng mà họ đã cọc tiền cho các lò sấy cau ở Việt Nam trước đây. Những ngày tới khả năng cao là giá tiếp tục giảm hoặc Trung Quốc sẽ ngừng nhập cau”, một chủ lò sấy cau ở huyện Nghĩa Hành nói.
Giá cau giảm, các chủ lò cũng dè chừng việc thu mua để sấy khô.
Ông Đàm Bàng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành - cho rằng, cây cau không phải là cây trồng chủ lực. Nhiều năm qua địa phương cũng không khuyến khích người dân trồng cau. Toàn huyện Nghĩa Hành có khoảng 800 - 900 ha cau.
“Cây cau ở huyện Nghĩa Hành đầu ra không ổn định. Người ta mua chỉ qua thương lái bên Trung Quốc. Nếu họ không mua thì dân lại chặt phá. Do vậy huyện không khuyến khích trồng và trong quá trình cơ cấu ngành nông nghiệp cũng không đưa cây cau vào quy hoạch để trồng”, ông Bàng nói thêm.
Tại huyện Sơn Tây, rất nhiều lần cau rớt giá thê thảm, nhưng so với nhiều loại cây trồng khác, cây cau vẫn đem lại hiệu quả kinh tế hơn. Tuy nhiên, do giá cả bấp bênh, năm được năm mất nên huyện Sơn Tây cũng không khuyến khích trồng cau ồ ạt, thay vào đó nên trồng thêm các giống cây dưới tán cây cau để cân đối cây trồng và có nguồn thu trong những thời điểm cau rớt giá.