Khi áp sát bờ biển các tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh, bão số 10 có thể mạnh cấp 13, giật cấp 16. Sóng biển vùng tâm bão đi qua cao tới 10m.
Bão số 10 có thể giật cấp 16, sóng tâm bão cao 10m
Hồi 04 giờ ngày 14/09, vị trí tâm bão số 10 ở vào khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 113,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 140km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90 đến 100 km/giờ), giật cấp 13.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và mạnh lên. Đến 04 giờ ngày 15/09, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 108,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Nghệ An-Quảng Trị khoảng 190km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 15.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-13, giật cấp 15. Biển động dữ dội.
Bão số 10 là cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm qua
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 16 giờ ngày 15/09, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,9 độ Vĩ Bắc; 106,6 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển các tỉnh Nghệ An đến Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 15.
Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào đất liền các tỉnh Nghệ An đến Quảng Trị, sau đó đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Thượng Lào. Đến 04 giờ ngày 16/09, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,6 độ Vĩ Bắc; 104,5 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.
Trong 48 đến 60 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào.
Cảnh báo gió mạnh: Từ trưa và chiều nay (14/09) vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) gió mạnh dần lên cấp 6-7, đêm gió mạnh cấp 8-9, gần sáng và ngày mai (15/09) tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần bão đi qua cấp 12-13, giật cấp 15; biển động dữ dội. Vùng biển từ Thanh Hóa đến Quảng Bình (bao gồm đảo Hòn Ngư), khu vực phía Nam vịnh Bắc Bộ từ đêm nay có gió mạnh dần lên cấp 6-7, gần sáng và ngày mai tăng lên cấp 10-11, giật cấp 14; biển động rất mạnh. Khu vực phía Bắc Vịnh Bắc Bộ từ gần sáng và ngày mai có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh.
Sóng vùng tâm bão lên tới 10m, vùng ven bờ 5-6m. Ven biển từ Hải Phòng tới Quảng Bình nước dâng do bão có khả năng cao 1,0m, riêng khu vực ven biển Thanh Hóa đến Hà Tĩnh khoảng 2,0m.
Cấp độ rủi ro thiên tai bão vùng biển ven bờ khu vực Nghệ An đến Quảng Trị: cấp 4.
Cấp độ rủi ro thiên tai bão vùng biển ven bờ các khu vực khác: cấp 3.
Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Từ trưa và chiều ngày 15/09, trên đất liền ven biển các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có gió mạnh dần lên cấp 10-12, giật cấp 15, các khu vực sâu hơn trong đất liền có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 12, cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4. Khu vực ven biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; ven biển các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11, cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Bão số 10 trên hình ảnh mây vệ tinh
Cảnh báo mưa lớn: Từ hôm nay (14/09) đến hết ngày 16/09 ở các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Thanh Hóa có mưa to đến rất to (100-300mm/đợt), riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có nơi trên 400mm; các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình và Sơn La (50-150mm/đợt, có nơi trên 200mm).
Thủ tướng ra công điện khẩn
Trước những diễn biến phức tạp của cơn bão số 10, tối qua 13/9, Thủ tướng vừa có công điện về việc triển khai các biện pháp khẩn cấp gửi UBND các tỉnh ven biển từ Nam Định đến Phú Yên, đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc cùng các bộ ngành liên quan.
Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do bão và mưa lũ do bão, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, các địa phương có liên quan hoãn các cuộc họp chưa thật sự cần thiết để tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó với bão theo phương châm "bốn tại chỗ".
Trong đó, UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa phối hợp với lực lượng biên phòng tuyến biển và các lực lượng có liên quan và gia đình các chủ tàu khẩn trương rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển.
Sử dụng mọi phương tiện, bằng mọi biện pháp thông báo cho thuyền trưởng và chủ các phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển biết thông tin, diễn biến của bão; hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn, không đi vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Đối với khu vực dự báo bão đổ bộ trực tiếp: Tổ chức, hướng dẫn việc sắp xếp, neo đậu tàu thuyền an toàn tại nơi tránh trú, kéo tàu thuyền lên bờ hoặc di chuyển sâu vào đất liền, nhất là tại những khu vực vùng tâm bão có khả năng đổ bộ...
Các địa phương có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão, đặc biệt là các tỉnh từ Thanh Hóa đến đến Quảng Trị huy động các lực lượng hỗ trợ nhân dân tập trung thu hoạch lúa chín; chủ động tiêu nước, phòng chống ngập úng các đô thị và bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
==>> XEM THÊM: Bão số 10: Lần đầu tiên Việt Nam đưa ra mức cảnh báo đỏ