Ngoài sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản và bệnh chân tay miệng hiện đang ở ngưỡng báo động, số ca nhập viện điều trị không ngừng tăng khiến các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải.
Lo sợ con mắc nhiều bệnh dịch
Theo ghi nhận tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2, TP.HCM, ngày 9/8 tại khu vực hành lang khoa Nhiễm có đông các bậc cha mẹ ngồi chờ đến giờ đưa con vào khám bệnh.
Với gương mặt mệt mỏi, chị L.T.T (25 tuổi, Bạc Liêu) cho biết, trước đó con trai chị đã nằm điều trị bệnh chân tay miệng tại bệnh viện tuyến tỉnh hơn một tuần mà không đỡ. Do đó, vợ chồng chị phải bắt xe đò từ đêm lên Sài Gòn để kịp giờ khám bệnh cho con.
Khu vực hành lang khoa Nhiễm (BV Nhi đồng 2, TP.HCM) có đông các bậc cha mẹ ngồi chờ đến giờ đưa con vào khám bệnh
“Mấy bữa nay, nghe báo đài nhắc đến dịch sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản và chân tay miệng nên khá lo lắng cho tình trạng bệnh của thằng bé. Tôi sợ con đang bị chân tay miệng sẽ lây nhiễm thêm nhiều bệnh khác. Do đó, vợ chồng em cố gắng thu xếp công việc đưa con lên BV Nhi đồng 2 thăm khám và điều trị kịp thời", chị T. nói.
Chị N.T.L (32 tuổi, Tiền Giang) chia sẻ, đến nay, con trai chị đã nằm viện được 1 tháng và chưa biết ngày nào mới được xuất viện. Cách đây một tháng, con trai chị bắt đầu lên cơn sốt và được đưa đến BV Nhi đồng 2 cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bé mắc bệnh sốt xuất huyết.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, đến ngày đầu tháng 8, TP có hơn 11.195 ca sốt xuất huyết nhập viện. Số ca mắc bệnh này trong tháng 7 đã tăng 46% so với số ca nhập viện trong tháng 6. Riêng bệnh chân tay miệng có khoảng 160 bệnh nhi mắc bệnh viện mỗi tuần và đang có chiều hướng gia tăng. |
“Khi nhập viện, thằng bé rơi vào tình trạng nhức đầu, xuất hiện chấm xuất huyết dưới da nên phải nằm theo dõi khá lâu. Tuần trước, bác sĩ thông báo bệnh của nó tiến triển tốt, có thể sắp được xuất viện. Ngờ đâu, con tôi lại dính thêm bệnh chân tay miệng, không biết đến khi nào mới khỏi”, chị L. buồn rầu.
Sốt xuất huyết và viêm não Nhật Bản chưa có dấu hiệu dừng lại, bệnh chân tay miệng vào mùa
Qua khảo sát, tại BV Nhi đồng 1 và Nhi Đồng 2, TP.HCM số bệnh nhân mắc các bệnh sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản và chân tay miệng vẫn đang tăng chóng mặt, thậm chí tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1, mỗi ngày có hơn 90 trẻ mắc sốt xuất huyết nằm điều trị. Trong tháng 7 và đầu tháng 8, số ca bệnh nhập viện tăng 126% so với tháng 6. Còn ở BV Nhi đồng 2, có hơn 60 trẻ mắc sốt xuất huyết phải nằm viện, thậm chí những ngày cao điểm số bệnh nhi lên tới 80.
Riêng viêm não Nhật Bản, dù đã vào mùa trước đó nhưng chưa có dấu hiệu dừng lại. Hiện tại, số bệnh nhi nằm tại BV Nhi đồng 1 đều là những ca rất nặng, thậm chí có trường hợp nằm viện gần năm trời.
Điển hình là bệnh nhi T.V.Q ( ngụ tỉnh Bến Tre) đã nằm điều trị bệnh hơn 8 tháng trời. Trước đó, bé bị sốt và uống thuốc 3 ngày ròng không khỏi. Thấy vậy, gia đình đã đưa bé đến khám tại BV địa phương và được chuyển thẳng lên BV Nhi đồng 1. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bé mắc bệnh viêm não Nhật Bản.
Từ đó đến nay, bé vẫn chưa khỏi bệnh, phải sống phụ thuộc vào máy thở.
Số bệnh nhi nằm tại BV Nhi đồng 1 đều là những ca rất nặng
Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2017, khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 1 đã tiếp nhận điều trị 24 ca viêm não Nhật Bản, chiếm 50% tổng số ca mắc các bệnh viêm não, viêm màng não. Số ca bệnh mắc viêm não Nhật Bản điều trị tại đây sẽ tăng nhanh chóng và kéo dài đến tận tháng 10.
Ngoài sốt xuất huyết và viêm não Nhật Bản, bệnh chân tay miệng hiện đang ở ngưỡng báo động, số ca nhập viện điều trị không ngừng tăng. Bs.Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi Đồng 1 thông tin, mỗi ngày BV tiếp nhận điều trị cho khoảng 50-60 bé mắc bệnh chân tay miệng (cùng kỳ năm ngoái chỉ có 20-30 bé).
“Thời gian tới, dịch bệnh chân tay miệng sẽ vào mùa cao điểm. Hiện tại, khoa Nhiễm bắt đầu rải rác các ca bệnh nặng, một số bé phải thở bằng máy”, Bs. Khanh cho hay.
Bs.Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi Đồng 1, TP.HCM
Phụ huynh cần thận trọng với dịch bệnh chân tay miệng
Theo Bs. Khanh, cha mẹ cần phát hiện trẻ phát bệnh sớm để được đưa vào viện thăm khám kịp thời. Thông thường, bệnh chân tay miệng có những biểu hiện sau: trẻ có thể sốt nhẹ, bóng nước có kích thước 2-10mm, bỏ ăn,…
Hầu hết, bóng nước sẽ tự xẹp và khỏi sau 5-7 ngày. Còn bệnh do tác nhân enterovirus 71 sẽ gây ra một số biến chứng nguy hiểm cho tim mạch hô hấp, thần kinh như viêm não, viêm cơ tim, viêm màng não,…
Bác sĩ đang khám bệnh cho một bé gái mắc bệnh chân tay miệng
Trường hợp trẻ bị biến chứng não thường có dấu hiệu khó ngủ, quấy khóc, nói nhẩm, co giật,…Thậm chí, những biến chứng do chân tay miệng nếu không điều trị kịp thời, đúng có thể khiến trẻ tử vong trong vài giờ.
Phụ huynh có con mắc bệnh chân tay miệng cần cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu và dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định. Ngoài ra, trẻ cần được giữ vệ sinh sạch sẽ, tắm ở phòng kín.
Để phòng bệnh chân tay miệng, Bs. Khanh khuyến cáo cha mẹ phải rửa sạch bàn tay của trẻ và cơ thể bằng nước, xà phòng. Nếu nghi ngờ trẻ mắc bệnh, cha mẹ không nên cho đến trường; trẻ mắc bệnh phải nghỉ học 7-10 ngày để thực hiện khử khuẩn