Tránh ung thư cổ tử cung, nên phòng bệnh từ khi 9 tuổi

Ngày 25/03/2016 08:18 AM (GMT+7)

Tại buổi giao lưu trực tuyến diễn ra vào chiều nay, các chuyên gia cho biết biện pháp phòng bệnh ung thư cổ tử cung hiệu quả nhất là tiêm vắc xin trong độ tuổi từ 9-26 tuổi.

- Độc giả Bùi Thị Thủy (Buithithuy91@gmail.com):Tôi xét nghiệm phát hiện có virus HPV và bác sĩ cho biết nhiều khả năng bị tiền ung thư CTC, vậy bác sĩ có thể cho tôi biết điều trị UTCTC ở mỗi giai đoạn là như thế nào? Giai đoạn nào cần phải hóa trị, xạ trị và có phải kiêng gì khi bị bệnh này không?

Tiến sĩ Lê Văn Quảng: Thứ nhất: Điều trị ung thư nói chung và ung thư cổ tử cung nói riêng phụ thuộc vào giai đoạn. Và có 3 phuong pháp chính: phẫu thuật, xạ trị, hóa chất

Đối với ung thư cổ tử cung ở gd sớm chỉ có phẫu thuật. Sau phẫu thuật có thể xạ trị phụ trợ hoặc xạ trị trước rồi phẫu thuật sau.

Nếu ở gd IIa đến gd IV thì thường điều trị hóa xạ đồng thời. 

Chế độ ăn không phải kiêng gì nhiều. Ăn uống bình thường tuy nhiên vẫn phải phòng tránh những yếu tố nguy cơ gây ung thư cổ tử cung như đã trả lời trong clip.

- Độc giả Phạm Thị Thúy (hoanvanphong@gmail.com):Cháu 29 tuổi, đã lập gia đình có 2 con. Cháu rất lo lắng vì tình trạng ung thư ngày càng phát triển. Năm 2014 cháu siêu âm có nhân xơ tử cung, năm 2015 cháu cắt nhân xơ tuyến vú tại viện K. Cháu có nhân xơ thì dùng biện pháp tránh thai nào tốt nhất ạ? Cháu 1 lần đặt vòng bị đau bụng và rong kinh, dùng thuốc thì lại thúc đẩy nhân xơ phát triển.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức: Nếu bạn có nhân xơ thì không uống thuốc tránh thai mà nên dùng phương pháp tránh thai khác. Nếu bạn đặt vòng mà ra máu thì bạn đang bị viêm nhiễm niêm mạc tử cung nên gây ra máu. Nên phải điều trị viêm nhiễm niêm mạc tử cung khỏi sau đó mới đặt vòng. Tốt nhất là bạn nên nói chồng dùng bao cao su để đạt hiệu quả tốt nhất. 

Tránh ung thư cổ tử cung, nên phòng bệnh từ khi 9 tuổi - 1

- Độc giả Nguyễn Hoài Phương Nhu (mayphuonganh@yahoo.com):Cháu bị xơ tử cung, bác sỹ nói nhỏ nhưng không điều trị có dễ dẫn qua ung thư tử cung không ạ? Con gái cháu được 12 tuổi đã thích hợp cho việc chích ngừa ung thư tử cung chưa ạ? Cháu cảm ơn bác sĩ rất nhiều. Chúc Bác nhiều sức khỏe

Tiến sĩ Lê Văn Quảng: U xơ tử cung bản chất là u cơ trơn lành tính, hiện nay chưa có bằng chứng là phát triển thành ung thư.

Con gái bạn 12 tuổi là tuổi thích hợp cho việc tiêm vắc-xin phòng nhiễm HPV rồi, bạn nên cho con đi tiêm được rồi nhé.

- Độc giả Nguyễn Dung (dung220687@gmail.com.com):Năm nay cháu 29 tuổi, đã kết hôn được 5 năm, có một con được 4 tuổi. Cháu muốn tiêm phòng HPV liệu có còn tác dụng không và nếu tiêm được thì trước khi tiêm cháu có phải làm xét nghiệm hay thăm khám gì không ạ? Tôi xin cảm ơn bác sĩ.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức: Thời điểm này bạn tiêm sẽ không có giá trị. Vì tiêm phòng HPV ở phụ nữ 18-26. Cũng nên đi khám để biết được bạn có bị viêm nhiễm không và nên sàng lọc tế bào ung thư.

- Độc giả Lê Ngọc Hà (ngoclt08@gmail.com):Năm nay em 27 tuổi, đang mang thai tháng thứ 2, đây là con đầu lòng. Em đi siêu âm phát hiện có nhân xơ tử cung. Bác sỹ tư vấn giúp em là tình trạng này có nguy hiểm lắm không vì em đang mang bầu. Xin bác sỹ em lời khuyên về phương pháp điều trị?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức: Điều này còn phụ thuộc vào nhân xơ to hay nhỏ, ở trong hay ở ngoài. Nếu càng ở trong thì càng ảnh hưởng tới thai nhi và có thể dễ dẫn đến sảy thai mà thai cũng kém phát triển vì nhau thai bị nhân xơ ăn. Bạn phải đi khám để xem bác sĩ có giữ được thai hay không. Vì có nhân xơ thai nhi sẽ rất khó phát triển, gây trở ngại rất lớn.

- Độc giả Đào Lê Mai (maile118@gmail.com):Tôi tìm hiểu và được biết hợp chất tương quan hexose hoạt tính (AHCC) được chiết xuất từ một loài nấm ở Nhật Bản có tác dụng trong việc điều trị ung thư cổ tử cung. Tại Việt Nam đã có đơn vị nào nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng với chất này này chưa? Cảm ơn bác sĩ.

Tiến sĩ Lê Văn Quảng: AHCC là 1 hoạt chất được chiết xuất từ 1 loại nấm thuộc họ Basidiomyces, bao gồm nấm Shiitake ở Nhật Bản. AHCC được các nhà khoa học cho rằng có tác dụng sinh học tăng cường hoạt động của các tế bào miễn dịch trong cơ thể (tế bào Lympho-T) qua đó tác động lên các tế bào ung thư hay tình trạng nhiễm HPV. Tuy nhiên, với kết quả chưa thuyết phục và mới chỉ thử nghiệm lâm sàng trên những mẫu nhỏ. Do vậy, hiện nay chưa khuyến cáo hay báo cáo chính thức đây là chất có thể điều trị UTCTC. Do vậy, tại Việt Nam hiên chưa có đơn vị nào nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng với chất này.

Tránh ung thư cổ tử cung, nên phòng bệnh từ khi 9 tuổi - 2

- Độc giả Lương Trần (luongtran3249@gmail.com):Tôi đang bị viêm lộ tuyến dạng nhẹ, đã dùng phương pháp áp lạnh để chữa và sau đó khám lại theo hẹn thì không còn bị viêm nữa. Nhưng thời gian gần đây, tôi có cảm giác hình như lại bị viêm trở lại. Qua tìm hiểu tôi được biết đã bị viêm lộ tuyến tử cung thì rất hay tái đi tái lại đối với phụ nữ đã có gia đình. Nếu cứ bị tái đi tái lại không hết được thì nguy cơ bị ung thư tử cung có cao hay không?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức: Nếu cứ để tái đi tái lại thì rất dễ bị ung thư cổ tử cung. Bạn nên chữa triệt để cho đến khi khỏi hoàn toàn, không còn vấn đề về khí hư nữa. Vì đó là vùng nhạy cảm, giao hợp của phụ nữ nên rất dễ nhiễm khuẩn. 

- Độc giả Tố Tố (tonga231@gmail.com): Nếu mắc ung thư cổ tử cung thì thời gian sống kéo dài được bao lâu ạ?

Tiến sĩ Lê Văn Quảng: Sống 5 năm: giai đoạn 0 - trên 90%; giai đoạn 1 - 80 - 90%; giai đoạn 2 - 50 - 60%; giai đoạn 3 - 25 - 35%;  giai đoạn 4 - dưới 16%.

- Độc giả Hạnh (hanhme@yahoo.com):Thưa bác sĩ, có cách nào phòng tránh bệnh ung thư cổ tử cung mà không cần tới tiêm vắc xin phòng không ạ?

Tiến sĩ Lê Văn Quảng: Bạn nên tránh các yếu nguy cơ như đã trả lời ở các câu hỏi trước đó. 

Phòng ngừa dựa vào nguyên nhân

- Phòng nhiễm HPV 

- Tránh QHTD sớm

- Tránh có nhiều bạn tình

- Vệ sinh thân thể và vệ sinh sinh dục 

- Hạn chế hút thuốc lá

- Hạn chế sử dụng thuốc tránh thai

- Độc giả Diêm Thị Lanh (diemlanh2804@gmail.com):Tôi năm nay 29 tuổi, đã sinh 1 bé năm 2011, bây giờ tôi muốn tiêm vacxin ung thư cổ tử cung có được không? Tỷ lệ thuốc đáp ứng còn bao nhiêu phần trăm nữa ạ? Nếu tiêm thì tôi phải tiêm bao nhiêu mũi, và sau khi tiêm bao lâu thì tôi mang bầu được ạ?

Tiến sĩ Lê Văn Quảng: Phụ nữ được khuyến cáo tiêm phòng từ 9 - 26 và có hiệu quả nhất trước khi quan hệ tình dục. 

Với trường hợp của bạn không được hưởng lợi nhiều từ việc tiêm này. 

Nếu bạn vẫn tiêm phòng thì bắt đầu tiêm mũi tiếp theo sau 2 tháng và mũi 6 tháng (vắc-xin tứ giá). Còn vắc-xin nhị giá thì là thời điểm bắt đầu, nhắc lại sau 1 tháng và sau 6 tháng.

Việc tiêm phòng không ảnh hưởng đến việc có thai.

- Độc giả Đào Thị Mỹ Phước (tocktptht@gmail.com):Em đi khám bác sĩ kết luận bị viêm cổ tử cung và đã làm xét nghiệm Pap nhưng kết quả bình thường. Bác sĩ cho em hỏi trường hợp của em như vậy có nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung cao hay không và cách điều trị bệnh viêm cổ tử cung như thế nào vì e đã dùng thuốc đặt và uống liên tục hơn 1 năm mà không giảm. Em xin cảm ơn!

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức: Nếu bạn đi xét nghiệm Pap bình thường thì chỉ nên chữa viêm và sang năm lại làm lại lần nữa để có kết quả chính xác. Bạn nên xác định rõ là loại viêm gì để có thuốc điều trị đúng bệnh. Lúc đó mới có thể có xét nghiệm chính xác cho bạn.

- Độc giả Bích Hà (bichha9990@yahoo.com):Bác sĩ cho em hỏi, mấy tháng nay cách khoảg 10 ngày trước khi có kinh, âm đạo em ra dịch màu cà phê sữa, rất nhiều, có khi là ra máu màu sẫm. Đến ngày có kinh thì mọi thứ bình thường, nhưng cứ cách khoảng 10 ngày thì lại bị như vậy. Em đi khám bác sỹ bảo không có bệnh gì, chỉ ghi là ra máu không không rõ nguyên nhân, rồi cho thuốc về uống, nhưng vẫn không hết. Nhờ bác sỹ tư vấn giúp em ạ!

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức: Đó là bệnh viêm niêm mạc tử cung. Bạn nên đi khám và điều trị vì chắc chắn là tử cung của bạn có vấn đề về viêm nhiễm. 

- Độc giả Thuận (thuanthaibinh@123gmail.com):Cháu chào bác sĩ. Năm nay cháu 30 tuổi, chưa tiêm phòng ung thư cổ tử cung. Cháu hiện đang bị viêm lộ tuyến, mức độ viêm toàn bộ. Vậy cho cháu hỏi, cháu có nguy cơ ung thư cổ tử cung cao không? Cách phòng như thế nào ạ?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức: Bạn nên đến bác sĩ làm sàng lọc xem có tế bào ung thư không. Nếu không thì điều trị viêm nhiễm âm đạo thông thường. 

- Độc giả Nguyễn Thị Thúy (thuyphungbd@gmail.com):Hằng năm tôi đều làm xét nghiệm tế bào và đều được kết luận là viêm cổ tử cung. Thỉnh thoảng trong năm cũng có bị viêm âm đạo 2-3 lần. Mỗi lần đều đi khám và đặt thuốc theo chỉ định của bác sỹ Trung tâm CSSKSS tỉnh. Những lý do trên có tiềm ẩn nguy cơ ung thư cổ tử cung không thưa bác sỹ? Cách phát hiện các dấu hiệu và phòng ngừa bệnh ung thư cổ tử cung thế nào ạ?

Tiến sĩ Lê Văn Quảng: Để phòng ngừa UTCTC thì phải phòng tránh lây nhiễm HPV và khám phụ khoa định kì, thực hiện các xét nghiệm sàng lọc ung thư. Trong các yếu tố nguy cơ gây ung thư thì viêm nhiễm mãn tính là 1 trong những yếu tố đó. Do vậy, bạn cần điều trị tất cả những viêm nhiễm này để tránh gây ung thư.

Cách phát hiện:

- Đi khám định kì

- Ra máu bất thường

Phòng ngừa dựa vào nguyên nhân

- Phòng nhiễm HPV 

- Tránh QHTD sớm

- Tránh có nhiều bạn tình

- Vệ sinh thân thể và vệ sinh sinh dục 

- Hạn chế hút thuốc lá

- Hạn chế sử dụng thuốc tránh thai

- Độc giả Nguyễn thị thanh Trúc (thanhtrucvtv@yahoo.com.vn):Em vừa đi khám phụ khoa, các bác sĩ nói là niêm mạc tử cung dày 10mm. Em xin hỏi là niêm mạc dày như vậy có phải ung thư không?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức: Niêm mạc tử cung dày hay mỏng không thể phát hiện được khi khám phụ khoa. Nếu muốn biết phải nạo niêm mạc và xét nghiệm thì mới phán đoán được có dày lên thật không. Và nếu niêm mạc dày lên thì không phải là ung thư cổ tử cung, mà có thể gây ung thư niêm mạc tử cung. Cũng có trường hợp dày lên do nội tiết. 

- Độc giả Vũ Lê Ngọc (ngocvl@scb.com.vn):Tôi năm nay 29 tuổi, đã tiêm vắc xin phòng ung thư cổ tử cung cách đây 5 năm. Nhưng mới tiêm được 2 mũi thì có bầu bé lớn. Tôi muốn hỏi có tiêm nốt được mũi thứ 3 không, hiện tôi vẫn đang trong giai đoạn nuôi con nhỏ (9 tháng tuổi), lúc nào tiêm tốt nhất?

Tiến sĩ Lê Văn Quảng: Tiêm mũi bắt đầu, tháng thứ 2 và tháng thứ 6. Trường hợp của bạn thì đã tiêm không đủ thì không nên tiêm nữa. Độ tuổi của bạn bây giờ cũng không còn hiệu quả khi tiêm phòng vắc xin.

- Độc giả Nguyễn Đoàn hồng thắm (thamnguyennyny@gmail.com):Cháu năm nay 22 tuổi, cháu thường bị huyết trắng có màu đục, có khi đóng cục. Lúc trước đi khám bác sỹ bảo con bị viêm và cho đặt thuốc nhưng được một thời gian lại bị lại. Bác sỹ cho cháu hỏi làm cách nào để hết bệnh và nếu bị đi bị lại có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung không ạ?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức: Đây là bệnh viêm nhiễm đường sinh dục. Phải tìm nguyên nhân do nấm hay vi khuẩn thông thường, hay do lậu... Việc này phải có xác định của bác sĩ là nhiễm gì để có thuốc điều trị phù hợp. Phải xác định khí hư là khí hư thuộc loại nào. Và viêm nhiễm thì không thể chữa một lần mà khỏi, phải chữa nhiều cho đến khỏi mới thôi. Nếu điều trị chưa khỏi hẳn mà vẫn quan hệ tình dục sẽ bị viêm nhiễm tái phát. 

- Độc giả Phan Thi My Ngoc (ngoc276@gmail.com):Nếu mẹ mắc bệnh ung thư cổ tử cung thì con gái có khả năng bị di truyền không thưa bác sĩ ?

Tiến sĩ Lê Văn Quảng: Bênh ung thư tỉ lệ di truyền rất là ít. Nguyên nhân chủ yếu là do HPV, do quan hệ tình dục, vệ sinh, tránh thai, hút thuốc lá. Do vậy, ung thư CTC không liên quan gì đến vấn đề di truyền.

- Độc giả Phan thị thu hiền (phanam0911@gmail.com):Tôi 34 tuổi, đã có 2 con. Mẹ ruột tôi mất do ung thư cổ tử cung lúc 51 tuổi. Hiện nay tôi bị viêm lộ tuyến cổ tử cung và dịch âm đạo ra nhiều, kinh nguyệt đều nhưng ít và dài ngày (5-6 ngày). Mỗi năm tôi có đi khám 2 lần cổ tử cung âm đạo, làm 1 lần xét nghiệm PAP 3 năm nay, kết quả không bất thường. Bác sỹ cho tôi hỏi nên đi thăm khác và sinh hoạt, chế độ ăn uống thế nào thì phù hợp ạ?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức: Bạn đã đi khám mà có viêm nhiễm thì phải điều trị và sang năm sau cũng phải làm lại xét nghiệm sàng lọc. Việc di truyền cũng chưa có cơ sở để nói về việc di truyền. Tuy nhiên bộ phận sinh dục của bạn cũng sẽ bị yếu hơn và cũng có thể có nhiễm virus. Virus này đối với tùy người, có người trở thành ung thư có người biến mất. Hàng năm phải khám và sàng lọc lại. Nếu vẫn là âm tính thì sang năm nữa vẫn phải làm. Và điều trị khỏi tổn thương cổ tử cung nếu có. Nguyên nhân là gì để điều trị cho đúng. 

Mời độc giả theo dõi các bài viết trong chủ đề ung thư cổ tử cung TẠI ĐÂY

Nhóm PV
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự