Tử vong do dại đứng đầu các bệnh truyền nhiễm

Ngày 18/12/2013 17:06 PM (GMT+7)

Năm 2013, Việt Nam ghi nhận có 90 trường hợp tử vong vì bệnh dại. Tử vong do bệnh dại ở nước ta đang đứng hàng đầu số ca tử vong do các bệnh truyền nhiễm trong những năm gần đây.

Ngày 18/12, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, bệnh dại vẫn đang có dấu hiệu bùng phát mạnh ở Việt Nam. Năm 2013, cả nước ghi nhận 90 ca tử vong vì bệnh dại. Phần lớn các ca tử vong là ở các tỉnh miền núi phía Bắc: 72 trường hợp (86%). 98% số trường hợp tử vong đều không tiêm vắc xin dại sau khi bị chó cắn. Việc hạ thấp tỷ lệ mắc bệnh dại còn gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh dại trên đàn chó chưa được kiểm soát ở các vùng nông thôn, đặc biệt ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nhận thức của người dân cùng với kinh tế khó khăn, khoảng cách tiếp cận dịch vụ y tế cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh dại.

Tử vong do dại đứng đầu các bệnh truyền nhiễm - 1

Người dân cần phải được tiêm vắc xin phòng bệnh dại sau khi bị chó, mèo cắn

Năm 2013, Cục Y tế Dự phòng cũng nhận định là năm mà một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vẫn đang diễn biến phức tạp và có khả năng bùng phát mạnh vào năm 2014.

Dịch bệnh tay chân miệng, tại Việt Nam số mắc cả nước năm 2013 giảm 49,3%, tử vong giảm 55,6% so với cùng kỳ năm 2012, song vẫn lưu hành ở mức cao và rộng khắp cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Môi trường ô nhiễm và các thói quen hành vi không hợp vệ sinh là điều kiện thuận lợi cho tác nhân gây bệnh lưu hành và gây bệnh. Riêng khu vực phía Nam, số mắc giảm 42,8% so với cùng kỳ 2012 (83.372 trường hợp), tổng số tử vong giảm 53,66% với cùng kỳ 2012 (41 trường hợp); ngày 12/12/2013 bổ sung thêm 01 trường hợp tử vong tại Cần Thơ (tích lũy số tử vong năm 2013: 20 trường hợp).

Về sốt xuất huyết, số mắc năm 2013 giảm 24,3%, số tử vong giảm 43,7% so với cùng kỳ năm 2012. Đây là năm có số mắc thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Tuy nhiên trong năm 2014 nguy cơ gia tăng số mắc là rất lớn vì theo chu kỳ dịch bệnh, khối cảm nhiễm gia tăng (những trẻ chưa mắc bệnh).

Việc kiểm soát gia tăng số mắc sốt xuất huyết là rất khó khăn vì: chưa có vắc xin phòng bệnh; chưa có thuốc điều trị đặc hiệu; thói quen trữ nước sinh hoạt của đại bộ phận dân cư sinh sống tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các vùng thường xuyên bị mưa bão, lũ lụt, khu vực công nghiệp hóa mạnh là nơi có rất nhiều ổ đọng nước – môi trường thuận lợi cho muỗi đẻ trứng, phát triển và truyền bệnh sốt xuất huyết.

Đặc biệt, Cục Y tế Dự phòng cảnh báo, Việt Nam là một trong 4 quốc gia khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông đã ghi nhận sốt rét kháng thuốc Artemisinin đầu tiên tại tỉnh Bình Phước năm 2009 và đến nay đã lan ra 4 tỉnh: Bình Phước, Gia Lai, Đắc Nông và Quảng Nam. Nguy cơ gia tăng kháng thuốc và sốt rét quay trở lại ở một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên vẫn còn cao.

Mai Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan