Đa số các bệnh nhân khi phát hiện ra bệnh ung thư phổi là đã ở giai đoạn muộn, chỉ có 5% bệnh nhân tình cờ phát hiện ở giai đoạn sớm.
Trong những ngày vừa qua, căn bệnh ung thư phổi đang được rất nhiều người tìm kiếm. Điều đó là hoàn toàn phù hợp với tâm lý của người dân khi hàng loạt các phương tiện truyền thông đưa tin về việc nghệ sĩ ưu tú Hán Văn Tình vừa qua đời vì căn bệnh này, tiếp đến là ca sĩ Minh Thuận cũng bị ung thư phổi và đang nguy kịch.
Điều đáng nói, tất cả những nhân vật của công chúng nói trên khi phát hiện ra bệnh đều đã ở giai đoạn muộn và khả năng chữa khỏi dường như là không thể. Theo TS.BS Hoàng Đình Chân - nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật lồng ngực (Bệnh viện K Trung ương), ung thư phổi hoàn toàn có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm và được điều trị kịp thời.
Tuy nhiên, TS Chân cũng phải thừa nhận rằng, ung thư phổi là căn bệnh có những biểu hiện lâm sàng khác nhau, những triệu chứng thường nghèo nàn, hay lẫn với những triệu chứng khác và có nhiều biểu hiện đa dạng, vì thế rất khó để mọi người phát hiện.
Nhiều bệnh nhân ung thư phổi chỉ được phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn cuối.
“Hiện chỉ có 5% số bệnh nhân phát hiện ra bệnh ung thư phổi ở giai đoạn sớm, đa số những bệnh nhân phát hiện ra bệnh ở giai đoạn sớm là do tình cờ và sự tình cờ đó đã mang lại may mắn cho chính họ khi được chữa khỏi”, TS Chân cho hay.
Ví dụ về sự tình cờ phát hiện ra bệnh ung thư phổi, TS Chân cho biết, đó là những bệnh nhân khi có triệu chứng ho lâu ngày không khỏi đi đến khám, lúc đầu họ cũng chỉ nghĩ là bị viêm họng, nhưng khi khám các bác sĩ chỉ định làm các xét nghiệm để chẩn đoán sâu hơn và như vậy tình cờ đi khám viêm họng phát hiện ra bệnh ung thư.
“Đối với những trường hợp phát hiện sớm như vậy, tùy từng giai đoạn và thể trạng bệnh nhân các bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp điều trị sao cho phù hợp. Tôi từng điều trị cho nhiều bệnh nhân ung thư phổi khi ở giai đoạn sớm, sau khi phẫu thuật họ sống được12 năm, thậm chí là 20 năm”, BS Chân chia sẻ.
Nói về sự chủ quan với những triệu chứng ban đầu của ung thư phổi, vị bác sĩ này cho rằng, với các triệu chứng ban đầu như ho, tức ngực thậm chí có người đi chụp chiếu nhưng lại không nghĩ tới ung thư phổi mà cho rằng đó là viêm phổi, áp xe phổi hoặc lao phổi… Chỉ đến khi ung thư di căn, nhiều người mới nhận ra và khi đó là quá muộn.
Cần khám sức khỏe và tầm soát ung thư định kỳ để phát hiện sớm ra bệnh.
“Có bệnh nhân mặt tròn, phị xuống hai bên cằm nhưng họ không nghĩ là di chứng của ung thư phổi mà họ cho rằng đó là do chức năng thận kém, hoặc do vấn đề khác. Thậm chí có những nam bệnh nhân vú to bất thường, nhưng điều đầu tiên họ nghĩ đến là ung thư vú hoặc do sự tăng cân chứ không bao giờ họ nghĩ do ung thư phổi di căn. Chính vì thế, có những bệnh nhân bị ung thư phổi di căn từ khi phát hiện đến khi tử vong chỉ tính bằng ngày và tháng”, BS Chân cảnh báo.
Theo BS Chân, để phòng căn bệnh này thì phải phòng từ nguyên nhân gây bệnh đó là: không hút thuốc lá, không uống rượu bia, hạn chế tối đa sống trong môi trường ô nhiễm, độc hại, chăm chỉ luyện tập thể dục và sinh hoạt, ăn uống khoa học…
“Còn để phát hiện ung thư phổi sớm thì chỉ có cách duy nhất đó là đi khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư định kỳ và chuyên sâu. Nếu để khi đã có triệu chứng bệnh thì thường đã ở giai đoạn muộn và đương nhiên là đã bỏ lỡ thời gian vàng để điều trị căn bệnh này”, BS Chân khuyến cáo.