Theo thống kê, hiện nay ở Việt Nam có khoảng 1,5 triệu người bị mù lòa, nguyên nhân mắc căn bệnh này có thể là do: đục thủy tinh thể, đái tháo đường, sinh non, thậm chí là việc mất an toàn lao động …
Theo các bác sĩ chuyên ngành về mắt, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến mù lòa như: trẻ bị sinh non, đục thủy tinh thể, mất an toàn lao động …Tuy mù lòa là căn bệnh nguy hiểm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân, nhưng theo nhận định của GS Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế tại cuộc Hội thảo về “Đánh giá nhanh các bệnh có thể gây mù để phòng chống mù lòa”, thì hiện nay, nước ta mới chỉ có 18 bác sĩ chuyên ngành mắt/1 triệu dân.
Ngay bản thân các trung tâm mắt không phải nơi nào cũng có thể mổ được và nếu có mổ được thì vì chưa đúng chức năng nên bệnh nhân không được hưởng chế độ khám chữa bệnh theo BHYT. Do vậy, các địa phương cần có những bước chuyển đổi các trung tâm này thành các bệnh viện để tăng cường mạng lưới phòng chống mù loà trên toàn quốc.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra thị lực người dân trồng hành bị mù mắt ở Sóc Trăng.
Lấy ví dụ điển hình về việc cần thiết phải tăng cường phòng chống mù lòa, Thứ trưởng Tiến đã đề cập đến hội chứng mù lòa do hành tím ở Sóc Trăng trong thời gian qua. Từ đó, để đưa ra những bài học nhằm phòng chống mù lòa cho người dân.
Cũng liên quan đến vấn đề này, TS Vương Ánh Dương - Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay có tới 85% người mắc bệnh mù lòa có độ tuổi từ 50 trở lên và đa số có biểu hiện đục thuỷ tinh thể (lên đến 74%), sau đến bệnh bán phần sau (6,3%).
Từ kết quả trên, TS Dương nhận định, tốc độ giải quyết tồn đọng đục thuỷ tinh thể chưa gia tăng nếu như không nói có phần chững lại. Kết quả điều tra cũng cho thấy hiện nay đục thuỷ tinh thể là nguyên nhân chính gây mù loà, chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh được và chúng ta cần quan tâm đặc biệt hơn ngay lập tức.
Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, cần khởi động các chiến dịch truyền thông giáo dục sức khoẻ tại các địa phương hoặc trên toàn quốc để cộng đồng hiểu được thực trạng cũng như tham gia phẫu thuật đục thủy tinh thể. Các can thiệp khác cho bệnh glucom và bệnh võng mạc tiểu đường cần được tiến hành tích cực ở những nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất.