Nhiều người nghèo ở TP Cần Thơ đã hợp thức hóa việc bán thận bằng cách giả hiến thận cho người thân để lấy từ 100-150 triệu đồng mỗi quả thận.
Theo xác nhận của chính quyền xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, trong 2 năm qua đã có hàng chục người làm đơn xin hiến thận. Đa phần họ là những người nghèo, nợ nần chồng chất và không có khả năng trả nợ.
Hiến thận dù thiếu đơn xác nhận của địa phương
Ngày 8-4, trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Bí thư Chi bộ ấp 6, xã Thạnh Phú - xác nhận có tình trạng người dân ở xã viết đơn trình bày việc rời khỏi địa bàn xã để đi hiến thận nhưng thực chất là đi bán. Đa số các trường hợp hiến thận thì chính quyền chỉ biết khi việc đã rồi.
Cụ thể, sau Tết Nguyên đán, anh Lê Văn Giòn (ngụ ấp 6) nộp đơn cho biết anh đi Hà Nội để hiến thận cho người thân. “Chúng tôi không xác nhận cho lá đơn này cũng như những lá đơn đi hiến thận tương tự. Sau đó, anh Giòn đã rời địa phương và đến nay chưa thấy trở về” - ông Hòa nói.
Ông Hồ Văn Tranh( bên phải) đã được phẫu thuật lấy thận để có được 120 triệu đồng trả nợ
Còn theo người nhà của anh Giòn, họ cũng không biết anh Giòn hiện đang ở đâu và làm gì vì anh không liên lạc. Trước đây, anh Giòn thường đi làm xa. “Nguyên nhân nó đi đợt này một phần cũng vì trong Tết có xích mích với một số đối tượng trong xã. Họ đòi đâm, đòi chém nên nó đi lánh mặt” - ông Lê Văn Hai, cha của anh Giòn, lý giải.
Tại ấp 6, ông Hồ Văn Tranh (43 tuổi) đã hiến 1 quả thận để lấy 120 triệu đồng. Ông Tranh phân trần do nợ nần nên đã hiến 1 quả thận cách đây 3 tháng để kiếm tiền trả nợ.
“Người tôi hiến thận tên Nguyễn Quốc Lợi, ngụ huyện Nhà Bè, TP HCM nhưng tôi không biết nhà. Anh Lợi có ơn với tôi vì giúp tôi tìm việc làm khi tôi trốn nợ ở TP HCM. Nghe anh nói cả 2 quả thận đều bị hư và đang tìm người cho thận, bù lại sẽ đền đáp một số tiền tương ứng nên tôi đồng ý đi thử máu. Kết quả máu của tôi và anh Lợi hợp nhau nên tôi cho anh ấy quả thận” - ông Tranh kể.
Ông Hồ Văn Tranh với vết mổ lấy thận
Cũng theo ông Tranh, sau ca ghép thận, ông không giữ liên lạc với ông Lợi nên không biết sức khỏe của ông Lợi giờ ra sao. Tuy nhiên, ông nhớ lúc còn nằm ở bệnh viện sau ca mổ, có vài người lạ đến thăm và rỉ tai ông về quê tìm ai có nhu cầu bán thận thì liên hệ với họ sẽ được hoa hồng.
Công an vào cuộc điều tra
Ngày ông Tranh mang tiền hiến thận từ TP HCM về trả nợ, bà Nguyễn Thị Chỉ (mẹ ông Tranh) khóc mãi. “Nếu biết, tôi đã cản nó rồi. Bây giờ nó yếu lắm, làm cái gì nặng cũng không nổi, tay chân cứ run” - bà Chỉ xót xa.
Nói về hậu quả của việc hiến thận lấy tiền, ông Tranh buồn bã: “Giờ được chọn, tôi thà đi làm trả nợ còn hơn. Thế nên tôi cũng không dám xúi ai đi bán thận cả”. Cuộc sống của ông Tranh bây giờ phụ thuộc chủ yếu vào người vợ đi làm thuê kiếm sống qua ngày.
Cách đây 2 năm, anh Danh Lang cũng ngụ ấp 6 vì nhà nghèo, đông con nên đã bán thận thông qua “cò” với giá 150 triệu đồng. “Tôi trả cho “cò” 5 triệu đồng. Mọi giấy tờ họ lo hết, tôi chỉ đi theo và làm theo những gì họ chỉ” - anh Danh Lang cho hay.
Hiện nay, sức khỏe của anh Danh Lang ngày càng sa sút. Anh đã tiêu xài hết tiền, gia đình đang có nguy cơ mắc nợ vì phải chạy tiền lo chữa các bệnh phát sinh từ việc anh mất 1 quả thận.
Không chỉ riêng ở ấp 6 mà các ấp khác của xã Thạnh Phú cũng có nhiều người hiến thận lấy tiền nhưng giấu không cho chính quyền biết. Trước tình trạng này, ngày 8-4, Công an huyện Cờ Đỏ đã vào cuộc điều tra có hay không đường dây dụ dỗ người dân ở huyện đi bán thận.
Ông Lê Tấn Thủ, Bí thư Huyện ủy Cờ Đỏ, khẳng định huyện sẽ xử lý nghiêm các đối tượng buôn bán thận. Tuy nhiên, ông Thủ cho rằng rất khó bắt các đối tượng này vì những người bán thận đều được vận động viết giấy hiến tặng.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế: Nhiều rắc rối sau khi bán thận Pháp luật Việt Nam quy định cấm mua bán thận. Việc hiến thận chỉ nhằm phục vụ cho mục đích cứu người, giảng dạy cũng như nghiên cứu. Mỗi con người sinh ra đều có 2 quả thận, nếu mất đi 1 quả chắc chắn sức khỏe sẽ ảnh hưởng. Hơn nữa, cũng không loại trừ nếu người đã hiến 1 quả thận rồi nhưng quả kia sau này bị hỏng thì người hiến bị thiệt hại. Trong tình huống này, người hiến thận sẽ đòi lại quả thận hoặc “xin” thêm tiền… Những vấn đề hậu “hiến thận” như thế này sẽ rất khó giải quyết. Vì những lý do trên mà thế giới chưa có quốc gia nào công khai cho phép việc mua bán thận mặc dù nhu cầu ghép tạng là rất lớn và ghép tạng hiện được xem là biện pháp duy nhất để cứu sống bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo giai đoạn cuối. Xưa nay việc hiến thận thường là người thân trong gia đình, họ hàng; còn khi đã vượt khỏi những đối tượng này thì không loại trừ đó là một cuộc mua bán. Chính vì thế, với những người cho, hiến, tặng, ngoài những thủ tục pháp lý cần thiết thì ngay tại bệnh viện - nơi thực hiện lấy ghép tạng - cũng có một hội đồng tư vấn trên cơ thể người sống để đánh giá việc hiến ghép này có thật hay không. N.Dung |