Bức hình đám cưới giản dị của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã thu hút sự chú ý cộng đồng mạng. Ai cũng thích thú và ngưỡng mộ tình yêu đẹp của cố Thủ tướng, đồng thời khen ngợi nhan sắc của những người tham dự đám cưới.
Sáng 22/9, mạng xã hội lan truyền bức hình cưới của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và bà Phạm Thị Cúc gây xôn xao. Theo đó, bà Cúc vận áo dài đứng cạnh cố Thủ tướng cùng những người bạn bè thân thiết của cả hai.
Kèm theo đó là dòng chia sẻ: “"Đi đâu cho Cúc theo cùng/Đói no Cúc chịu, lạnh lùng Cúc cam".
Cô dâu Phạm Thị Cúc, 20 tuổi, viết như thế, và đám cưới diễn ra. Chú rể là cụ Phạm Văn Đồng, 40 tuổi.
Dự đám cưới có (từ trái qua phải): Cụ Trường Chinh (39 tuổi). Anh trai cô dâu, cụ Phạm Quang Chúc. Cụ Trần Duy Hưng (34 tuổi). Cô dâu, chú rể và cụ Võ Nguyên Giáp (35 tuổi)”.
Sáng 22/9, mạng xã hội lan truyền bức hình cưới của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và bà Phạm Thị Cúc gây xôn xao (Ảnh chụp màn hình).
Bức hình đám cưới giản dị của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã thu hút sự chú ý cộng đồng mạng. Ai cũng thích thú và ngưỡng mộ tình yêu đẹp của cố Thủ tướng, đồng thời khen ngợi nhan sắc của những người tham dự đám cưới.
“Đám cưới thời chiến nhìn giản dị nhưng không kém phần sang trọng. Chỉ cần những khách mời trong hình cũng đủ thấy hoành tráng như thế nào”, nickname Mã Nhi bày tỏ.
“Bà Cúc nhìn e thẹn, dịu dàng và đằm thắm đúng chất người con gái Việt xưa. Mình từng nghe bà nội kể về chuyện tình của cụ Đồng và bà Cúc. Thực sự mình ngưỡng mộ tình yêu của hai người vô cùng. Họ đã cùng nhau vượt mọi khó khăn, kể cả khi cụ Cúc bệnh, cụ Đồng vẫn dành trọn tình yêu, sự quan tâm chăm sóc dù rất bận rộn”, Ngọc Khánh chia sẻ.
“Toàn các chính khách nổi tiếng. Tình yêu của các cụ xưa khiến người ta ghen tị và ngưỡng mộ quá”, bạn Vi Trần nói.
Một số người đã nhận ra điểm sai trong bài chia sẻ và khẳng định câu thơ “Đi đâu cho Cúc theo cùng/ Đói no Cúc chịu, lạnh lùng Cúc cam” do bà Cúc viết sau khi đã cưới cụ Đồng, chứ không phải “viết như thế, và đám cưới diễn ra”.
Đám cưới của bà Phạm Thị Cúc và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng được tổ chức vào ngày 16/10/1946 tại nhà 86 phố Hàng Bạc - Hà Nội theo nếp "đời sống mới". Chủ hôn lễ là bác sĩ Trần Duy Hưng – khi ấy là Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội. Dự lễ cưới có anh trai bà Cúc – ông Phạm Quang Chúc, Tổng bí thư Trường Chinh, Bộ trưởng Võ Nguyễn Giáp…
Đám cưới của ông bà Phạm Văn Đồng - Phạm Thị Cúc (16-10-1946) - Tư liệu KMS
"Đi đâu cho Cúc theo cùng - Ấm no Cúc chịu, lạnh lùng Cúc cam"
Sau khi xây dựng gia đình, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi ấy làm Bộ trưởng được cử làm Đặc phái viên của Trung ương Đảng tại Nam Trung Bộ và Liên khu V. Nhiều người trong gia đình cũng như những người thân quen đều khuyên ông nên đưa vợ cùng đi. Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông quyết định để vợ ở lại Hà Nội, vì e ngại không tiện.
Trước đấy, ông từng hứa với vợ, dù có đi làm cách mạng ở đâu, ông cũng nhất định đưa bà đi cùng. Mỗi khi nhớ lại, Thủ tướng Phạm Văn Đồng vẫn luyến tiếc là lúc đấy bà Cúc hiền quá. Có lẽ trong lòng người vợ trẻ không vui nhưng chấp thuận cảnh vầng trăng xẻ nửa, ở lại Thủ đô trong cảnh cô đơn chiếc bóng.
Hai tháng sau, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Cả nhà phải sơ tán lên chiến khu. Ba người phụ nữ trong gia đình là mẹ già, bà Cúc và người em gái út Phạm Thị Thu phải chật vật với những khó khăn của cuộc sống trong cảnh loạn lạc. Tử biệt sao bằng sinh ly trong lúc này. Người vợ trẻ Phạm Thị Cúc vô cùng đau khổ. Bà gửi gắm tâm sự bằng những câu thơ thắt lòng: "Đi đâu cho Cúc theo cùng/ Ấm no Cúc chịu, lạnh lùng Cúc cam".
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và bà Phạm Thị Cúc tại Quảng Ngãi (1948) - Tư liệu KMS.
Trước đòi hỏi thống thiết của bà Phạm Thị Cúc, Trung ương Đảng đưa bà vào đoàn tụ với chồng. Trong 5 tháng ròng rã, bà đã đi bộ vượt Trường Sơn với bộn bề thiếu thốn mà như Thủ tướng Phạm Văn Đồng tự đánh giá là "không thể nào kể ra được". Giữa năm 1948, bà vào Quảng Ngãi, quê chồng, trong nỗi vui mừng, sung sướng đến đột ngột của ông.
Vợ chồng đoàn tụ chưa ấm chỗ, đầu tháng 2-1949, ông được lệnh ra Bắc. Lại thêm hành trình 4 tháng bà đi bộ vượt Trường Sơn. Những hành trình dài vất vả như thế, khiến tinh thần của bà suy sụp. Sinh con trai đầu lòng Phạm Sơn Dương (1951), bệnh tình của bà Cúc diễn biến phức tạp, phải chạy chữa lâu dài, kể cả đưa ra nước ngoài (Trung Quốc và Liên Xô).
Bà Phạm Thị Cúc phát bệnh khi rất trẻ như vậy đã khiến những năm tháng sau này, cố Thủ tướng rất vất vả để chăm sóc gia đình riêng của mình. Con trai chủ yếu nhờ cơ quan và gia đình bên ngoại (bà ngoại Nguyễn Thị Nhung và dì Phạm Thị Thu) nuôi dạy.
Nỗi nhớ chồng thương con gửi gắm vào câu thơ "Cổng thì thấy cổng người không thấy người!"
Từ khi về Thủ đô Hà Nội (1954), do bệnh nặng nên bà Cúc được bố trí ở căn biệt thự trên phố Khúc Hạo. Còn cố Thủ tướng và con trai Phạm Sơn Dương sống trong Phủ Chủ tịch.
Tuy bệnh tật như thế, nhưng bà Cúc vẫn là một người phụ nữ rất dịu dàng. Sống một mình trong căn biệt thự trên phố Khúc Hạo như một chiếc bóng vào ra. Ít ai ngờ được, từ sâu thẳm tâm hồn, bà luôn nhớ chồng thương con.
Để gửi gắm mọi nỗi nhớ thương, bà đã làm mấy câu thơ: "Chiều chiều ra cổng đứng trông/ Cổng thì thấy cổng người không thấy người!". Những câu thơ ấy, người cháu gọi bà bằng dì ruột, nay ở tuổi U80, đọc lên lại nghẹn ngào.
Gặp hoàn cảnh riêng như vậy nhưng cố Thủ tướng luôn quan tâm chăm sóc vợ. Theo lời kể của ông Phạm Sơn Dương, chiều chủ nhật hàng tuần, hai cha con lại từ Phủ Chủ tịch ra thăm mẹ.
Kể cả sau này, khi tuổi cao, sức yếu, đôi mắt lòa dần, cố Thủ tướng thường ngồi rất lâu cầm tay và hôn lên mái tóc của người vợ hiền hậu.
Hiện bức hình cưới của cố Thủ tướng và bà Phạm Thị Cúc đang thu hút sự quan tâm từ cộng đồng mạng.