Anh cương quyết đòi ly hôn, chị tìm mọi cách níu kéo dù phải chứng kiến chồng ngoại tình và những trận đòn vô cớ.
Cầm lá đơn kêu cứu với nội dung không muốn ly hôn chồng trên tay, nước mắt chị H. ngấn lệ. Ngày 19-11 tới chị sẽ phải ra tòa với tư cách là bị đơn để dự phiên xử ly hôn theo giấy mời của TAND huyện Bình Chánh (TP.HCM) do anh là người đứng đơn.
Đánh chết cũng cam lòng vì đã xin hiến xác
Chị H. nói: “Tôi viết đơn xin hiến xác được bệnh viện xác nhận rồi. Anh ấy có đánh chết tôi cũng cam chịu. Tôi không muốn ly hôn. Ngàn lần xin anh đừng ly hôn…”.
Chị kể, anh chị kết hôn đến nay đã hơn 20 năm, có hai con trai đã trưởng thành. Cuộc hôn nhân của anh chị trước đây hạnh phúc, anh luôn thương yêu, quan tâm, chăm sóc và tôn trọng vợ. Chị rất yêu chồng, tự hào khi được làm vợ anh. Thế mà hai năm nay, cuộc sống gia đình chị như đảo lộn vì anh ngoại tình và đánh vợ. Đã nhiều lần chị phải nhận những trận đòn vô cớ từ anh chỉ vì ra sức níu kéo, xin anh hãy vì gia đình mà đừng ly hôn, quay về với gia đình. Sự việc đã được phía công an nhắc nhở, anh cam kết không đánh chị nữa.
Trao đổi với chúng tôi, anh khẳng định sẽ ly hôn chị đến cùng. Hai năm nay anh xem nhà mình như quán trọ, chỉ tắm rửa, ăn uống, đêm đến anh tìm nơi để đi. “Khi tình cảm vợ chồng không còn nữa, níu kéo để làm gì, có hạnh phúc không?!. Là vợ chồng mà không nói chuyện, không gần gũi, không có sự chia sẻ thì có hạnh phúc không?!” - anh nói. Dù sắp tới tòa xử theo hướng không cho ly hôn anh cũng chờ một năm sau làm đơn ly hôn lại. Trong một năm đó, dù anh phải ăn bờ ngủ bụi cũng nhất quyết không hàn gắn với chị.
Chị nói buồn: “Trong hai năm qua, ban ngày anh vẫn về nhà ăn cơm, sinh hoạt gia đình, chị cần đi đâu là anh chở đi. Nhưng đêm đến là anh đi, để chị phải vò võ, cô đơn…”. Đã nhiều lần chị cố gắng để vợ chồng hòa hợp nhưng không thể được. Thế nhưng dù cô đơn, tủi hờn đến mấy chị cũng không muốn ly hôn. “Với tôi bây giờ anh ấy vẫn là người chồng tốt, một người hết lòng vì gia đình, chỉ vì anh ấy đang hạnh phúc trong niềm vui mới nên sao nhãng gia đình mà thôi. Tôi chờ ngày anh ấy trở về…”.
Dù bị chồng nắm tóc ở tòa nhưng chị vẫn nhẫn nhịn, cương quyết không ly hôn. Ảnh: NGỌC THÂN
Bị chồng đánh ở tòa án
Chị C. cùng chồng từ quê vào Sài Gòn lập nghiệp rồi gặp nhau. Năm 1994, hai người nên nghĩa vợ chồng, đến nay đã có bốn mặt con (một trai, ba gái) đều trưởng thành. Theo anh, năm 2010, anh chị bắt đầu phát sinh mâu thuẫn, do chị không tôn trọng chồng. Mỗi lần mâu thuẫn là anh đập phá đồ đạc rồi đánh chị. Sự việc đã được hai bên gia đình chứng kiến, chính quyền địa phương can thiệp nhưng vẫn tiếp tục tái diễn nên anh làm đơn ly hôn. Chị ra sức níu kéo. TAND quận Bình Tân (TP.HCM)tuyên cho anh được ly hôn, chị kháng cáo.
Hôm TAND TP.HCM đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, anh dứt khoát: “Tôi không còn tình yêu với cô ấy nữa. Cuộc hôn nhân của tôi bây giờ như địa ngục. Nếu tòa không cho ly hôn tôi sẽ tự tử”. Chị khẳng định gia đình mình vẫn hạnh phúc, không có chuyện hai người mâu thuẫn. Việc anh đòi ly hôn là để kết hôn với người phụ nữ khác. Chị không muốn ly hôn là bởi hiện đang bị bệnh tim mạch, viêm xoang, huyết áp và các con đang tuổi ăn học.
Khi luật sư đưa ra những ý kiến tranh luận để bảo vệ cho chị theo hướng không ly hôn, anh dùng tay nắm tóc chị, miệt thị chị và đấm ngực mình. Sự việc ngay lập tức được chủ tọa ngăn lại, gọi cho bảo vệ tòa án vào lập biên bản, ghi nhận sự việc. Dù thế, chị vẫn cương quyết một hai không ly hôn. Tòa đã chấp thuận kháng cáo của chị. Anh nói sẽ tiếp tục nộp đơn ly hôn. Chị ra về trong nơm nớp lo sợ sẽ bị anh đánh…
Quỳ xuống năn nỉ chồng quay về Thẩm phán X. của TAND quận Bình Tân nhớ lại vụ án ly hôn mà trước đây chị làm thư ký, cho đến nay đã gần 10 năm người chồng vẫn chưa thể ly hôn được. Tính đến nay đã năm lần tòa thụ lý vụ án, mỗi lần là một thẩm phán đều do anh là người đứng đơn. Thẩm phán nào thụ lý vụ án cũng phải đau đầu khi đưa ra quyết định. Anh chồng là người thành đạt, đẹp trai, nói chuyện nhẹ nhàng, lịch sự. Chị xinh đẹp, quý phái, có kiến thức sâu rộng cả về xã hội và tâm lý. Hai anh chị có nhiều phòng trọ cho thuê, trong đó có một người phụ nữ đến thuê tầng trệt nhà chị để mở tiệm may. Một lần đang nằm ngủ, quay qua quay lại chẳng thấy chồng đâu, chị đi tìm anh giữa đêm. Xuống tầng trệt chị bàng hoàng thấy anh đang ngủ cùng cô thợ may. Anh đã nhận lỗi sai và bị công an xử lý hành chính vì ngoại tình nhưng vẫn quan hệ bất chính với cô thợ may. Chị dùng cả pháp luật, tâm lý để giữ chồng nhưng cách của chị làm anh thấy ngột ngạt, mất sĩ diện nên làm đơn ly hôn. Thẩm phán X. là người thụ lý vụ án lần thứ năm. Ở tòa chị quỳ xuống xin lỗi, năn nỉ anh quay về. Theo chị Phạm Thị Thúy, chuyên viên tham vấn tâm lý Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM, trong trường hợp có bạo lực gia đình, chồng đòi ly hôn thì mối quan hệ vợ chồng đã trầm trọng. Thường đi kèm ngoại tình hoặc sự nhàm chán trong tình cảm vợ chồng đã chạm đến mức không thể chịu đựng được với người đàn ông khiến họ trở thành người cạn tình cạn nghĩa. Phụ nữ cần chấp nhận sự thật này để thuận tình ly hôn. Ly hôn là giải phóng bản thân và con cái khỏi địa ngục bạo lực. Vì bạo lực ngày càng leo thang, níu giữ chỉ làm cho tình trạng mối quan hệ tệ hơn, bạo lực tăng lên và hậu quả là người phụ nữ phải chịu đau đớn, con cái bị ảnh hưởng xấu, tổn thương. |