Lần đầu tiên tắm cho bé khiến cả gia đình lo lắng vì sợ làm đau hài nhi bé bỏng.
Trước khi cô con gái đầu lòng ra đời, Thúy Hạnh đã nghĩ rằng mình đã được biết tất cả những việc cần làm để chăm sóc bé con trong tuần đầu tiên bé chào đời. Lúc đó Hạnh chỉ tưởng tượng đến chiếc nôi nhỏ xinh của con, tiếng âm thanh phát ra từ những đồ chơi treo cũi và khuôn mặt đáng yêu của con mình. Nhưng thực tế mọi chuyện có đơn thuần như vậy không?
Chắc chắn rằng, bà mẹ nào cũng muốn thực hiện tất cả các công việc cần thiết cho ngày chào đời của con. Các chị thường được nghe kể kinh nghiệm từ bà, mẹ hoặc tự mình mày mò thông qua các kênh tin tức khác nhau về việc chăm sóc trẻ sơ sinh.
Qúa trình thực hành chỉ thật sự có khi em bé sinh ra và lúc này bạn đã trở thành người mẹ. Những công việc như nuôi con bằng sữa mẹ, dỗ dành khi bé hờn khóc, tỉnh táo sau một đêm thức trắng trông con…khiến nhiều bà mẹ bối rối, thậm chí là rơi vào tình trạng stress sau sinh.
Hãy cùng Eva tìm hiểu một số cách giải quyết các vấn đề trên nhé!
1. Tôi không được ngủ
Nhiều bà mẹ sau khi sinh đã thổ lộ về ước muốn nhỏ bé mà không hề nhỏ chút nào. Họ muốn có một giấc ngủ ngon, chỉ cần 1 đêm thôi cũng được.
Việc trông nom trẻ sơ sinh không hề đơn giản, đã có bà mẹ nghĩ rằng: “ Không sao, chỉ là một bé con thôi mà” nhưng thực ra một bé con có thể khiến 4,5 người lớn cùng quay cuồng chứ chẳng chơi.
Trong một vài tháng đầu, trẻ sơ sinh ngủ 20 tiếng/ngày nhưng không phải lúc nào mẹ thấy con ngủ là cũng được ngủ luôn. Có những bà mẹ do đẻ mổ, đẻ thường nhưng bị rạch thì những đau nhức cũng khiến chị em khó ngủ hơn.
Bên cạnh đó nếu nhà không có người thân trông nom, đỡ đần sản phụ sau sinh thì để có thời gian ngủ đúng là việc “xa xỉ”
Lời khuyên: Đừng tạo ra quá nhiều lý do và công việc cho bản thân. Hãy tranh thủ ngủ bất kỳ lúc nào bạn thấy phù hợp.
Nên nhờ ông xã hoặc người trong gia đình sắp xếp công việc trông em bé dù chỉ là chốc lát để mẹ có thể yên tâm ngủ.
2. Trẻ sơ sinh vô cùng nhạy cảm
Sau khi rời khỏi túi ối và tử cung ấm ấp của mẹ, em bé sẽ trở thành một cá thể độc lập. Việc phải làm quen với môi trường mới khiến nhiều em bé mất nhiều thời gian hơn bố mẹ nghĩ.
Ôm ấp, massage hàng ngày cho bé sơ sinh là giúp bé và mẹ kết nối sợi dây yêu thương. (Ảnh minh họa)
Đó là lý do khiến nhiều trẻ thường quấy khóc liên tục, mà dân gian vẫn thường gọi trường hợp này là “khóc dạ đề”. Khi trẻ khóc quá nhiều, mẹ nên dỗ dành, lắc lư, quấn lại tã hoặc cho trẻ mút nhẹ ngón tay mẹ.
Đừng lo lắng sợ những hành động này làm trẻ hư, nó chỉ là làm dịu những cảm giác bất an của bé mà thôi.
3. Nuôi con bằng sữa mẹ
Chị Kim Tuyến, mẹ của bé Xíu 4 tuổi và Bin 20 tháng chia sẻ rằng: “Trong lần sinh đầu tiên, mọi thứ đều rất chật vật với tôi, tôi không biết bế con như thế nào cho bú mới là đúng. Tôi bị khâu tầng sinh môn nhiều nên rất đau. Đã thế chỉ vài ngày sau khi ra viện tôi còn bị tắc tia sữa đến khổ sở”.
Quả thật, vẫn nhiều bà mẹ còn thắc mắc về việc nuôi con bằng sữa mẹ. Có người lại coi đó là điều hiển nhiên vì đó là thiên chức của bà mẹ, có gì mà phải học. Thực tế thì không phải mọi chuyện đều đơn giản như thế.
Chị em nên tham gia lớp học tiền sản hoặc học hỏi kinh nghiệm cho con bú thì các bà mẹ đang nuôi con bú.
Việc cho trẻ bú cũng cần có kỹ thuật để tránh trẻ bị sặc sữa, trẻ bú no và bảo vệ bầu vú mẹ không bị chảy xệ trong thời gian dài.
Những bà mẹ trẻ lần đầu sinh nở thường chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi con bằng sữa mẹ.
4. Vòng quay ăn và ăn
Sau khi sinh, sản phụ cần có một chế độ dinh dưỡng phù hợp để mau hồi phục sức khỏe và cung cấp lượng sữa dồi dào cho con bú. Trong một vào ngày đầu, trẻ sơ sinh chưa có nhu cầu bú mẹ nhiều vì dạ dày của bé vẫn còn rất nhỏ.
Lượng thức ăn bé cần lúc này chưa lớn vì vậy mẹ chưa cần bổ sung quá nhiều thực phẩm. Việc ăn thừa chất, thừa bữa khiến sản phụ rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng đến cơ thể, đồng thời có khả năng bị tắc tia sữa do lượng sữa về quá nhiều trong khi trẻ nhỏ chưa ăn được nhiều. Chị em cần vắt bỏ sữa và thường xuyên massage bầu ngực trong thời điểm này.
Canh rau ngót rất lành dạ cho mẹ sau khi sinh. (Ảnh minh họa)
Nói như vậy không có nghĩa là bà mẹ sẽ ăn kiêng hoặc ăn ít để giữ dáng. Đây đều là những phương pháp phản khoa học. Cách tốt nhất là ăn theo nhu cầu của cơ thể, ăn làm nhiều bữa trong ngày. Ăn đủ dinh dưỡng và đảm bảo vệ sinh.
Nhiều sản phụ do sức khỏe yếu sau khi sinh nên vấn đề ăn uống cũng khó khăn, thậm chí là không muốn ăn hoặc ăn quá ít đều có thể ảnh hưởng đến chất lượng sữa cho con bú. Dù bạn có mệt mỏi như thế nào cũng nên ăn đúng bữa và ăn ít một.
Lời khuyên: Ăn bất kể lúc nào bạn muốn và kiểm soát chế độ ăn uống. Nếu gặp khó khăn về chuyện ăn uống, bà mẹ có thể áp dụng bất kỳ cách nào cảm thấy thoái mái để bữa ăn ngon miệng. Ví dụ: ăn tại giường, vừa ăn vừa xem tivi…
5. Khuyến khích chồng tham gia
Không phải người đàn ông nào cũng biết cách chăm vợ đẻ hay biết cách bế con ngay từ lần đầu tiên. Chị Hạnh nói: “ Chồng mình rất long ngóng mỗi lần bế con, anh ấy luôn nói con quá bé so với cánh tay anh ấy, anh ấy sợ bé sẽ bị đau hoặc làm rơi con”.
Sự tham gia của người chồng trong quá trình chăm sóc vợ đẻ và con mới sinh có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, sức khỏe của mẹ và bé. (Ảnh minh họa)
Sản phụ sau khi sinh cơ thể thường nhạy cảm và nhanh mệt mỏi. Nếu công việc nhà và chăm sóc con mới sinh không có sự chia sẻ của chồng có thể khiến các chị thấy…tủi thân, thậm chí ức chế, cáu gắt với chồng.
Trước khi sinh, bạn nên trò chuyện và phân chia công việc cụ thể cho anh ấy. Muốn vậy thì người vợ cũng cần tâm lý khi chia sẻ cùng chồng về những lo lắng và khó khăn mình sẽ gặp phải. Bên cạnh đó nên hướng dẫn anh ấy một cách tỉ mỉ những việc cần làm.
Lời khuyên: Khuyến khích chồng dành nhiều thời gian cho con. Hướng dẫn cho anh ấy cách thay tã, pha sữa đúng cách, cách tắm cho bé. Bạn không nên ôm đồm tất cả mọi công việc sau đó trách chồng không biết làm gì.
6. Lần tắm đầu tiên
Vì em bé quá nhỏ, sợ sẽ trơn trượt khi bế bé, nhiệt độ nước thế nào là hợp lý… là những lo lắng rất bình thường trong lần đầu tiên bạn tắm cho bé.
Trước khi tắm cho bé, bạn có thể học hỏi kinh nghiệm hoặc xem các video/clip dạy tắm cho trẻ có rất nhiều trên mạng internet hiện nay.
Hãy để giờ tắm là giờ vui cho cả mẹ và bé. (Ảnh minh họa)
Hãy chuẩn bị quần áo, khăn, phấn rôm, băng rốn, bao tay chân một cách đầy đủ trước khi tắm cho bé. Không cần tắm quá lâu nhưng các động tác nhẹ nhàng, dứt khoát. Chú ý giữ vệ sinh vùng rốn nếu rốn chưa rụng.
Mẹ đừng sợ hãi hay lo lắng vì thực chất bé cũng thích được làm sạch cơ thể đấy! Giờ tắm cho bé sẽ là giờ vui của hai mẹ con.
Nếu sản phụ có điều kiện và nhu cầu có thể thuê dịch vụ tắm cho trẻ sơ sinh tại nhà. Hoặc nhờ người có kinh nghiệm tắm hộ trong những buổi đầu.
7. Phục hồi cơ thể sau sinh
Bạn Thu Anh, 28 tuổi nhớ lại về ngày đầu sinh con: “Tôi đã không tưởng tượng nổi là sinh con lại đau như vậy. Lúc ra khỏi phòng sinh tôi đã nói với mẹ và chồng tôi rằng: Chỉ đẻ một lần thôi, không bao giờ sinh con nữa đâu, đau quá! Mẹ tôi đã cười và bảo: Rồi sẽ quên mau thôi mà. Khi cậu nhóc nhà mình được 6 tháng tuổi thì mình cũng chẳng nhớ về những đau đớn ngày ấy nữa rồi”.
Những đau đớn, mệt mỏi, khó chịu bạn đang trải qua là điều hết sức bình thường vì mang nặng, đẻ đau là thế.
Theo thời gian, cơ thể của bạn sẽ hồi phục trở lại khi có sự kết hợp của việc nghỉ ngơi và chế độ dinh dưỡng hợp lý. Trong những tháng nằm ổ, kiêng cữ sản phụ cần có người hỗ trợ ở bên chăm sóc, trông nom cho cả mẹ và con.
8. Trầm cảm sau sinh
Đây là hiện tượng đang ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội hiện đại. Trầm cảm sau sinh còn có tên gọi khác là hiện tượng baby-blue. Nó thường xảy ra với các sản phụ có trình độ học thức cao, đặc thù thần kinh yếu, nhạy cảm.
Nó thường xảy ra trong những tuần đầu sau sinh với các triệu chứng như chán ăn, hay suy nghĩ tiêu cực, hay khóc vô cớ, cảm xúc buồn bã, chán nản, sợ tiếp xúc với mọi người…
Hãy giao tiếp và cùng chia sẻ với các bà mẹ khác về những ngày đầu chăm con. (Ảnh minh họa)
Nguyên nhân là do sự thay đổi nội tiết trong cơ thể của người phụ nữ có ảnh hưởng đến trung khu thần kinh. Đồng thời kết hợp với các yếu tố ngoại cảnh như sự thiếu quan tâm của chồng, người thân trong gia đình. Các biến cố xảy ra trong gia đình trước và sau sinh khiến tâm lý của sản phụ trở nên tiêu cực, bi quan.
Hiện tượng này có thể diễn ra trong 1 vài tuần đầu sau sinh hoặc kéo dài hơn. Gia đình và người chồng cần có sự hiểu biết đúng đắn về căn bệnh này để có những chia sẻ và giúp đỡ sản phụ vượt qua giai đoạn khó khăn, khủng hoảng về tâm lý này.
Trong một số trường hợp đặc biệt, cần có sự can thiệp về chuyên gia tâm lý, kết hợp trị liệu tâm lý, sử dụng thuốc cho sản phụ.
9. Tã bẩn
Đối với trẻ sơ sinh một vòng quay đều đặn sẽ là: ăn/ngủ/ị/tè. Có thể mẹ sẽ ngạc nhiên sao tốn tiền mua tã giấy như vậy nhưng thực chất trong tháng đầu tiên bé sẽ liên tục đi vệ sinh.
Trẻ sơ sinh đi phân su trong 1, 2 ngày đầu sau sinh. Khi bé ăn được nhiều hơn,phân của bé sẽ chuyển từ màu màu nâu sang màu xanh rồi màu vàng hoa cà hoa cải.
Việc theo dõi màu sắc phân và số lần thay tã cho trẻ cũng là một cách đánh giá sức khỏe của trẻ. Phân không rắn, màu sắc bình thường, bé thường đi nặng 3-6 lần/ngày, đi tè 4-8 lần/ngày và bắt đầu tăng cân.
Nếu phân có màu đỏ hoặc bé rất ít tè cũng là những lưu ý cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên nhi để có những xử trí kịp thời.
10. Chăm sóc cơ thể cho sản phụ
Tắm gội: Nhiều bà mẹ băn khoăn không biết có nên kiêng cữ không nên tắm sớm hay cứ tắm rửa bình thường. Thực tế dù điều kiện sống được nâng cao và việc vệ sinh đã hơn trước nhiều nhưng cơ thể sau khi sinh của mỗi sản pụ đều khác nhau.
Tùy thuộc sức khỏe,thời tiết mỗi vùng miền, điều kiện mỗi gia đình mà sản phụ cân nhắc thời điểm tắm gội sau sinh cho mình. Không nên tắm quá sớm nhưng cũng không nên kiêng cữ mà mất vệ sinh.
Vệ sinh vùng kín hoặc vết mổ: Sản phụ cần vệ sinh tầng sinh môn hàng ngày,mỗi ngày nên rửa sạch từ 1-2 lần. Thay băng vệ sinh từ 3-4 tiếng/lần vì máu trong tử cung vẫn ra trong tuần đầu sau sinh.
Chăm sóc vết mổ cẩn thận đề phòng nhiễm trùng.
Nên đi khám phụ khoa 3 tháng sau khi sinh.
Núm vú và bầu ngực:
+ Vệ sinh sạch sẽ bầu ngực và núm vú mỗi lần cho bé bú.
+ Nếu đầu ty nứt, đau: bôi thuốc đặc trị
+ Căng cứng bầu ngực: Do viêm tuyến sữa, tắc tia sữa nên đến cơ sở y tế để xử lý kịp thời. Có thể xử lý tại nhà bằng một số bài thuốc dân gian kết hợp chườm ấm và massage bầu ngực liên tục.
Phòng ở của mẹ và bé nên tránh gió lùa nhưng vẫn có sự thông thoáng nhất định. (Ảnh minh họa)
- Giữ ấm cơ thể, đầu, tai, tay chân mỗi khi ra ngoài trời.
- Sử dụng gối chuyên dụng: Những chiếc gối bạn đã từng sử dụng khi mang bầu vẫn rất cần thiết trong tuần đầu sau sinh. Chúng giúp bạn ngồi, nàm ngủ thoái mái hơn khi toàn thân vẫn còn đau nhức. Đặc biệt nó giúp chị em giảm bớt áp lực trên vùng xương cụt.
- Mặc dù mỏi mệt nhưng chị em nên chịu khó đi lại trong phòng hoặc ra ngoài hít thở không khí tự nhiên thay vì kiêng cữ nằm lỳ trên giường và ở trong phòng kín lâu ngày.