Làm sao để giúp trẻ phòng bệnh giao mùa tốt nhất, khi trẻ mắc bệnh có nên cho uống sữa để tăng đề kháng không?

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 20/02/2025 13:00 PM (GMT+7)

Khi thời tiết giao mùa, để trẻ không mắc bệnh thì việc tăng đề kháng cho trẻ là vô cùng quan trọng, nhưng cần phải thực hiện đồng bộ bằng nhiều biện pháp khác nhau.

Hiện đang là thời điểm giao mùa, việc tăng cường các bệnh pháp phòng bệnh, nhất là với trẻ nhỏ là vô cùng quan trọng. Theo đó, trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ nhiễm bệnh trong thời điểm giao mùa, đặc biệt là các bệnh lý hô hấp, ngoài ra còn các bệnh dị ứng và tiêu hóa.

Nguyên nhân là do khí hậu và nhiệt độ thay đổi, chênh lệch lớn giữa ngày và đêm khiến cơ thể trẻ khó thích ứng kịp. Sức đề kháng của trẻ nhỏ lại khá yếu, đang trong thời gian phát triển và hoàn thiện nên các tác nhân gây bệnh từ môi trường như vi khuẩn, virus dễ xâm nhập hơn.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, một trong những biện pháp giúp phòng bệnh tốt nhất cho trẻ đó là tăng sức đề kháng, muốn làm được điều đó thì cần phải triển khai nhiều biện pháp đồng bộ. Dưới đây là một số biện pháp tăng đề kháng, giúp trẻ phòng bệnh khi thời tiết giao mùa theo khuyến cáo của ngành y tế.

Bổ sung dinh dưỡng là chìa khóa giúp trẻ tăng đề kháng tốt nhất

Dinh dưỡng là yếu tố nền tảng không chỉ giúp tăng đề kháng, mà còn để trẻ phát triển toàn diện nhất. Theo đó, với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, Bộ Y tế khuyến cáo cần phải được ăn bằng sữa mẹ hoàn toàn. Đặc biệt trẻ độ tuổi từ 6 tháng đến 3 tuổi ở trong giai đoạn “khoảng trống miễn dịch”, khi cho trẻ ăn cần đảm bảo cân bằng 4 nhóm dinh dưỡng chính gồm: chất béo, tinh bột, chất đạm, vitamin và khoáng chất.

Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, cân đối và đa dạng giúp bảo vệ trẻ từ bên trong. Ảnh minh họa.

Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, cân đối và đa dạng giúp bảo vệ trẻ từ bên trong. Ảnh minh họa. 

Với trẻ trên 3 tuổi, ngoài việc vẫn bổ sung những nhóm chất trên, cần phải cho trẻ vận động, có các biện pháp bảo vệ khác vì đây là độ tuổi trẻ bắt đầu học mầm non, tiếp xúc với nhiều nguồn lây bệnh khác nhau, nên nguy cơ mắc bệnh sẽ lớn hơn. Đồng thời với đó, nên bổ sung thêm vitamin cho trẻ, trong đó vitamin A và vitamin C bổ sung trước khi giao mùa có tác dụng tăng cường sức đề kháng, bảo vệ đường hô hấp ngăn ngừa các tác nhân gây bệnh.

Các loại vitamin và khoáng chất tốt cho hệ miễn dịch của trẻ có nhiều trong các loại rau củ quả như: cà rốt, cà chua, đu đủ, khoai lang,… chứa nhiều vitamin A hay cam, quýt, táo, lê chứa nhiều vitamin C.

Bổ sung đa dạng các loại sữa và chế phẩm từ sữa

Ở thời điểm giao mùa, nhất là khi trẻ bị ốm cần cho trẻ sử dụng thêm các thực phẩm bổ sung, cho uống sữa phù hợp với từng lứa tuổi để tăng sức đề kháng cho trẻ. Sữa là thực phẩm có thể bổ sung đa dạng các chất, giúp trẻ vừa có đủ chất, lại tăng miễn dịch phòng chống các loại virus, vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh.

Nên bổ sung đa dạng các loại sữa và chế phẩm từ sữa để trẻ tăng đề kháng được tốt hơn. Ảnh minh họa.

Nên bổ sung đa dạng các loại sữa và chế phẩm từ sữa để trẻ tăng đề kháng được tốt hơn. Ảnh minh họa. 

PGS.TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, việc bổ sung sữa với trẻ, nhất là trẻ có hệ miễn dịch yếu là rất quan trọng, nhất là khi thời tiết giao mùa nhằm giúp trẻ tăng sức đề kháng. Theo tư vấn của bác sĩ Hưng, đối với trẻ dưới 6 tháng nên dùng sữa mẹ hoàn toàn và nên cho trẻ bú đến 18- 24 tháng tuổi. Bởi sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất giúp tăng miễn dịch và đề kháng cho trẻ.

Trẻ trên 1 tuổi và những trẻ lớn hơn có thể bổ sung thêm các loại sữa phù hợp, bởi trong sữa có những chất mà thực phẩm không có hoặc rất có rất ít. Tuy nhiên, việc sử dụng sữa bổ sung cho trẻ cần phải lưu ý đối với từng trẻ, bởi có thể trẻ hợp sữa này nhưng lại không hợp sữa khác. Hoặc đối với trẻ suy dinh dưỡng thấp còi thì cần phải bổ sung lại sữa dành cho trẻ suy dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng… Hay với những trẻ có vấn đề về hệ tiêu hóa (được bác sĩ khám và kết luận) thì cần bổ sung những thực phẩm lợi khuẩn đường ruột như lợi khuẩn probiotic. Vi khuẩn lành mạnh này là một phần của hệ thống miễn dịch và giúp ngăn ngừa nhiễm trùng. 

Trong ruột, lợi khuẩn probiotic giúp phá vỡ các thực phẩm con người ăn vào để cung cấp một nguồn năng lượng cho các tế bào trong ruột. Probiotic được tìm thấy trong thực phẩm và cả các chất bổ sung (probiotic có thể là tự nhiên hoặc đã được thêm vào trong giai đoạn chế biến).

Bác sĩ Hưng khuyến cáo, việc dùng sữa cũng giống như thực phẩm, tốt nhất nên cho trẻ ăn và uống đa dạng các loại sữa và các chế phẩm từ sữa như sữa tươi, sữa đóng hộp, váng sữa, sữa chua… Bởi mỗi loại sữa sẽ có những tác dụng riêng, tác động đến cơ thể giúp trẻ phát triển về thể chất và nâng cao sức đề kháng tốt hơn.

Vệ sinh cá nhân là “hàng rào” bảo vệ sức khỏe của trẻ

Với trẻ nhỏ khi hệ miễn dịch còn non yếu vì thế rất dễ bị ốm do bị virus, vi khuẩn tấn công, đặc biệt là trẻ đang ở độ tuổi đến trường. Do vậy, để phòng bệnh phụ huynh, kết hợp với nhà trường cần giáo dục, hướng dẫn trẻ giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Đây cũng là cách giúp tăng đề kháng từ bên ngoài cho trẻ.

Theo đó, trẻ cần phải vệ sinh cơ thể sạch sẽ, thường xuyên tắm rửa, thay quần áo mới khi đi ở ngoài về. Đặc biệt, luôn tạo thói quen rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng sát khuẩn trước, sau bữa ăn và sau khi đi vệ sinh. Khi thời tiết lạnh, phụ huynh cần lưu ý giữ ấm đúng cách cho trẻ để tránh bị cảm lạnh.

Vệ sinh cá nhân hàng ngày giúp phòng bệnh rất tốt từ bên ngoài. Ảnh minh họa.

Vệ sinh cá nhân hàng ngày giúp phòng bệnh rất tốt từ bên ngoài. Ảnh minh họa. 

Một vấn đề phụ huynh cũng đặc biệt lưu ý, đó là bố mẹ cũng cần vệ sinh sạch sẽ trước khi có hành động âu yếm, gần gũi con, nhất là khi đi ở bên ngoài về. Tại gia đình, thường xuyên vệ sinh đồ chơi, dụng cụ ăn uống sạch sẽ hàng ngày, đây chính là nơi vi khuẩn trú ngụ, dễ tấn công trẻ khi tiếp xúc.

Trong thời điểm giao mùa, phụ huynh hướng dẫn và thực hiện vệ sinh răng miệng hàng ngày cho trẻ. Mũi cũng cần được vệ sinh bằng dung dịch muối sinh lý hàng ngày để loại bỏ bụi bẩn, tạp chất, có thể bảo vệ chống lại tác nhân gây bệnh tốt hơn.

Ngủ đúng giờ, đủ giấc cũng giúp trẻ tăng cường miễn dịch rất tốt

Với trẻ nhỏ, giấc ngủ có vai trò đặc biệt quan trọng với sức khỏe và sự phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ. Hệ miễn dịch của trẻ cũng sẽ hoạt động hiệu quả hơn nếu trẻ ngủ đủ giấc, đúng giờ hàng ngày.

Theo đó, khi trẻ ngủ đúng giờ, đủ giấc cơ thể sẽ sản sinh ra miễn dịch bảo vệ khỏi các tác nhân gây bệnh, đồng thời còn giúp trẻ phát triển về chiều cao. Với trẻ ham chơi, ngủ nhiều vào ban ngày, tối thức muộn sẽ có hệ miễn dịch yếu kém hơn. Muốn làm được như vậy, chính phụ huynh cần phải thực hiện trước, vì trẻ thường hoạt động theo thói quen sinh hoạt của bố mẹ. Trẻ nhỏ tốt nhất nên ngủ trước 9 giờ tối, tạo điều kiện không khí thoáng mát, dễ chịu để trẻ ngủ sâu giấc qua đêm.

Việc trẻ ngủ đúng giờ và đủ giấc giúp tăng miễn dịch rất tốt để phòng chống dịch bệnh. Ảnh minh họa.

Việc trẻ ngủ đúng giờ và đủ giấc giúp tăng miễn dịch rất tốt để phòng chống dịch bệnh. Ảnh minh họa. 

Vắc xin là “tấm khiên” bảo vệ trẻ khỏi dịch bệnh

Dù bổ sung dinh dưỡng tốt, có thói quen sinh hoạt khoa học nhưng từng đó là chưa đủ để tăng miễn dịch cho trẻ. Muốn đảm bảo trẻ có miễn dịch tốt chống lại các tác nhân gây bệnh, cần tiêm phòng vắc xin cho trẻ đúng lịch, đủ mũi với các loại vắc xin được Bộ Y tế khuyến cáo.

Để phòng bệnh khi thời tiết giao mùa, trẻ nên được tiêm vắc xin phòng cúm hàng năm để giảm nguy cơ mắc bệnh. Đồng thời với đó cũng nên tiêm đủ và tiêm nhắc lại vắc xin phòng sởi và một số loại vắc xin theo chương trình tiêm chủng mở rộng khác.

Thống kê từ Bộ Y tế cho thấy, trẻ được tiêm phòng đầy đủ có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn nhiều so với trẻ không tiêm phòng, ngoài ra còn giảm nguy cơ biến chứng nặng khi đã mắc bệnh.

Nhóm tuổi nào ở trẻ mắc cúm nguy hiểm nhất? Hoá ra không phải cứ con cao lớn thì bệnh sẽ nhẹ nhàng
Trẻ nhỏ là nhóm tuổi cần phải đặc biệt lưu ý với bệnh cúm. Trường hợp trẻ bị mắc cúm, kể cả khi khỏe mạnh cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm. Tuy...

Sức khỏe giao mùa

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]20/02/2025 11:50 AM(GMT+7)

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sức khỏe giao mùa