Chăm sóc vết khâu khi sinh thường

Ngày 13/01/2013 10:08 AM (GMT+7)

Nếu vết may tầng sinh môn cần vệ sinh sạch sẽ để tránh viêm nhiễm.

Hỏi:

Tôi sinh em bé được 3 tháng rồi mà vết vay tầng sinh môn vẫn chưa lành và bị nhức ở cửa mình. Tôi đã đi khám thì bác sĩ nói bị viêm âm đạo. Giờ tôi phải làm gì để vết may nhanh lành. Tôi xin cảm ơn! (T. An)

Trả lời:

Bạn T. An thân mến,

Tầng sinh môn là phần mô giữa âm đạo và hậu môn, có chiều dài khoảng 3-5cm. Ngày nay, thủ thuật rạch tầng sinh môn được sử dụng phổ biến để tạo điều kiện cho việc sinh nở nhanh và dễ dàng hơn, đặc biệt là khi xuất hiện các dấu hiệu khó sinh vì xương chậu hẹp, thai quá lớn, sản phụ có nguy cơ bị rách cơ vòng hậu môn, hoặc có dấu hiệu suy thai hay thai ngôi mông, có đầu quá lớn.

Chăm sóc vết khâu khi sinh thường - 1

Sau khi sinh, vết may tầng sinh môn cũng giống như những vết khâu khác trên cơ thể khi bị thương. Tùy cơ địa mỗi người mà vết may này có thể nhanh lành hoặc lâu lành. Thông thường, nếu vết may không được giữ vệ sinh sạch sẽ và gặp phải nhiều dị vật thì càng lâu lành, thậm chí dẫn đến viêm nhiễm như trường hợp của bạn. Trong nhiều trường hợp không chăm sóc cẩn thận vết may này còn có thể dẫn tới đứt chỉ (bục vết may), nhiễm trùng, không lành sẹo, co cơ...

Để vết may tầng sinh môn nhanh lành lại và vùng da đó được tái tạo khỏe mạnh, không để lại sẹo hay gây khó khăn cho việc sinh hoạt vợ chồng sau này thì các chị em cần lưu ý những điều sau đây:

- Vệ sinh: Nên dùng nước ấm để vệ sinh, cần rửa nhẹ nhàng, dội từ từ và vệ sinh ít nhất 3 lần/ngày. Sau khi vệ sinh nên lau khô bằng khăn mềm và không để băng vệ sinh chà xát lên vết khâu, thay băng vệ sinh thường xuyên.

- Khi đi tiểu: Sau khi may tầng sinh môn, chị em có thể bị buốt và xót khi đi tiểu. Để giảm tình trạng này, bạn có thể vừa đi tiểu vừa dội nước ấm một cách từ từ, sau đó lau khô bằng khăn mềm.

- Quần chip: Nên mặc đồ thoáng mát và sạch, bạn có thể dùng loại quần mặc một lần hoặc quần lót bông, cotton...

- Đi lại: Đừng vì đau mà ngại đi lại. hãy cố gắng đi lại nhẹ nhàng để làm tăng lưu thông máu, giảm sưng và để vết thương mau lành.

- Ăn uống: Nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, thực phẩm giúp nhuận trạng và giữ cho cơ thể đủ nước để giảm nguy cơ táo bón làm cho tình trạng vết khâu nặng thêm.

- Quan hệ vợ chồng: Tốt nhất nên kiêng quan hệ vợ chồng cho tới khi vết may lành hẳn, không còn đau để tránh nguy cơ nhiễm trùng, rò âm đạo - hậu môn, mất tự chủ trong tiểu tiện...
 
Trong trường hợp của bạn, tốt nhất bạn nên tuân thủ theo hướng điều trị của bác sĩ, đồng thời nghiêm túc thực hiện theo những lưu ý trên để tránh những biến chứng khác có thể xảy ra.
 
Chúc bạn mau khỏi bệnh!

Theo BS Hoa Hồng (Tri thức trẻ)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chăm sóc cơ thể sau sinh