Bài hát Mẹ của nhạc sĩ Phú Quang, thơ của nhà thơ Hồng Thanh Quang có những lời hay nhức nhối: Mẹ là người đầu tiên, là người đàn bà mãi mãi, không bao giờ phản bội.” Nghe thì có vẻ chân lý lắm nhưng trong thực tế thì lại chẳng đơn giản như vậy.
Chị em bỉm sữa khắp nơi tỏ ra hoan hỉ khi phim truyền hình đang “nói hộ lòng mình”. Dù rằng, cái sự nói hộ đó cũng giống như bà bán hàng đanh đá ở chợ cóc gần nhà khi sự khắt khe của mẹ chồng, cái sự không nhường nhịn tế nhị của con dâu, cả cái mất chính kiến của người đàn ông kẹt giữa cuộc đại chiến đều bị làm quá đi.
Nhưng không sao, điện ảnh thì phải cường điệu hóa với đời thực thì mới đã chứ. Chỉ có điều, phim ảnh đã nói hộ nỗi lòng của chị em, nhưng đến nay, có vẻ như chưa có một bộ phim đình đám nào để nói hộ nỗi lòng của chúng tôi, những người đàn ông, người đứng giữa những lần đại chiến của hai người đàn bà. Một là vợ, hai chính là mẹ mình.
Bài hát Mẹ của nhạc sĩ Phú Quang, thơ của nhà thơ Hồng Thanh Quang có những lời hay nhức nhối: Mẹ là người đầu tiên, là người đàn bà mãi mãi, không bao giờ phản bội.” Nghe thì có vẻ chân lý lắm nhưng trong thực tế thì lại chẳng đơn giản như vậy.
Mẹ là đầu tiên, mẹ là duy nhất nhưng mẹ chẳng thể ở bên con cả đời. Và đàn ông mà, cái “máu lửa” muốn được đứng lên để che chở người phụ nữ bé nhỏ của mình luôn thường trực trong lòng. Và tất nhiên, cô vợ đáng thương bị chồng lôi khỏi thế giới ấm êm trong vòng tay cha mẹ chính là chú chim nhỏ cần đến sự chở che của người đàn ông.
Đại chiến mẹ chồng nàng dâu thì có đủ mọi thứ lý do. Nào là vì khác quan điểm, khác cách sống mà 2 người đàn bà thì làm thành cái chợ rồi, không ồn ào dường như họ không thể chịu được. Nào là sự ghen tị khi con trai yêu vợ, khi chồng coi trọng lời mẹ hơn điều mình nói…
Nhưng nói chung, dù lý do gì đi nữa thì khi đại chiến xảy ra, đàn ông chúng tôi đều khổ. Người nào mạnh mẽ thì sẽ tìm cách thể hiện vị trí đàn ông của mình giữa cuộc chiến ấy, dẹp loạn đôi bên. Người nhu nhược như anh Thanh trong phim thì chỉ khiến bão tố bùng lên mỗi lúc một dữ dội. Làm thế nào để bảo được “2 sếp” này nhường chỗ cho đàn ông lên nắm quyền, đó là cả một nghệ thuật, là cả một cuộc chiến không khoan nhượng và mệt mỏi vô cùng.
Tôi là một người đàn ông ít nhiều đã thành công trong công cuộc kháng chiến trường kỳ này. Lúc vợ tôi mới xuất hiện, như mọi bà mẹ khác, mẹ cũng dồn tôi vào chân tường với câu hỏi bất hủ: Nếu cả mẹ và vợ con cùng chết đuối con sẽ cứu ai trước?
Tôi phản ứng: Nhưng cả mẹ và vợ con đều biết bơi mà, trong khi con thì không?
Mẹ tôi vẫn không từ bỏ đính chính: “Thì cứ giả dụ là mẹ và vợ con không biết bơi còn con lại biết. Lưu ý, là con một lần chỉ cứu được một người, mày đừng chơi trò con kẹp nách mỗi bên một đứa nhé”, mẹ tôi tinh ý điều chỉnh.
Tôi cũng chẳng suy nghĩ lâu nói luôn: Con sẽ cứu vợ con trước rồi chết xừ cho xong.
Ngay lúc đó, mẹ tôi nhìn tôi đầy căm phẫn, căm phẫn đến nỗi tôi nghĩ nếu tôi là một quả trứng gà mẹ sẽ bóp gọn trong lòng bàn tay. Đoạn bà cất tiếng: Mày bất hiếu với mẹ mày thế hả.
Đến đây tôi vẫn bình thản đáp: Con phải cứu vợ con trước vì vợ con đang mang thai cháu đích tôn của ông bà. Nhưng nếu vì thế mà mẹ phải chết thì con còn thiết sống trên đời này làm gì nữa nên con sẽ tự tử theo.
Nghe đến đây mẹ tôi quên luôn nội dung trước mà chỉ trọng tâm chú ý đến câu sau, bà hỏi tiếp: Vợ con có thai rồi à?
Tôi cười: Không, là con giả dụ thế, cũng như mẹ giả dụ con biết bơi vậy ấy mà.
Ấy thế mà câu nói ứng nghiệm thật, vợ tôi có thai và sóng gió câu hỏi cũng qua đi nhanh chóng. Chắc hẳn mẹ tôi cũng ngầm hiểu rằng, vợ đối với tôi quan trọng thế nào còn mẹ, người sinh ra tôi, nếu cần, tôi sẵn sàng trao trả lại mạng sống mà mẹ đã cho tôi.
Đến phiên cô vợ phiền phức của mình, người luôn thích đàn ông thông minh nhưng lại muốn biến chồng trở thành con rối trong tay mình. Khi căng thẳng với mẹ chồng leo thang, vợ tôi như cô con dâu thiếu tinh tế trong phim, cũng vào phòng khóc lóc, mè nheo với tôi. Tất nhiên, nước mắt đàn bà có sức mạnh, tôi chỉ biết lật đật dỗ dành vợ mình, chờ đến khi cô ấy nín, tôi lại chỉ vào cái bụng của nàng mà rằng: anh chỉ mong con mình sinh ra là con trai.
Vợ tôi hậm hực: Sao anh trọng nam khinh nữ thế.
Tôi cười: Không, anh muốn có con trai để sau này muốn nhìn xem em sẽ làm mẹ chồng thế nào.
Vợ tôi chưng hửng trước câu nói của chồng. Lời lại ứng nghiệm, vợ tôi bầu con trai thật. Từ đấy, mỗi lần cô ấy ca thán về mẹ chồng, tôi đều ôm con trai mà rằng: Sau này chắc mẹ con sẽ không lẩm cẩm như bà nội, không nói nhiều như bà nội đâu. Hay sau này bố cho mày ra ở riêng luôn nhé!
Vợ tôi chưng hửng rồi thở dài, lại mong đứa thứ 2 là con gái để tôi cũng sẽ phải chịu đựng cảm giác của một ông bố vợ thế nào.
Có lẽ vợ tôi cũng hiểu rằng, ai rồi cũng sẽ già đi và một người trẻ cứ chấp nhặt người già sẽ tự biến mình thành kẻ xấu. Rồi ai cũng sẽ thành bố, thành mẹ rồi thành ông, thành bà. Việc đặt mình vào vị trí của người khác chính là cái chìa khóa để giúp mọi cuộc chiến trở nên yên bình hơn.
Suy cho cùng, cái quan trọng của người đàn ông trong cuộc chiến này, chính là các anh đừng chỉ là người “đứng sừng sững” để mặc hai người đàn bà vì yêu mình mà tuyên chiến với nhau. Hãy sử dụng chính tình yêu đó của họ mà hóa giải những khúc mắc trong lòng.
Mà tôi vẫn mong, đến một ngày các nhà làm phim sẽ nhớ đến đàn ông chúng tôi, nói hộ những điều mà chúng tôi phải trải qua mỗi ngày. Biết đâu tôi cũng sẽ được như vợ, như mẹ tôi, vỗ đùi đen đét trước mỗi cảnh phim “nói hộ lòng mình” như bây giờ.