Sau những ngày con khóc không ngừng, con mệt mẹ cũng mệt, chị Thanh đã quyết tâm tìm ra cách xử lí dứt điểm và thành công.
Với những gia đình có con nhỏ, chứng khóc đêm ở trẻ sơ sinh (hay như dân gian vẫn gọi là 'khóc dạ đề') là một nỗi ám ảnh dường như... không có lối thoát. Trẻ có thể khóc dai dẳng không ngừng, khóc đến lả cả người đi, khóc khiến cho không những trẻ mà người thân xung quanh cũng vừa xót ruột vừa vật vã mà không biết phải xử trí thế nào. Chị Nguyễn Thị Thanh (sn 1987), hiện đang sống và kinh doanh đồ mẹ và bé tại Bình Dương, mẹ của một em bé 8 tháng tuổi cũng từng lâm vào tình trạng bế tắc như vậy.
Khi bé Miu, con chị Thanh được 4 tuần tuổi, bé bắt đầu có biểu hiện khóc như trên. Chị Thanh đã được nhiều người khuyên làm theo dân gian như đốt vía, đặt dao kéo đầu giường, thậm chí là nửa đêm còn bế con lên gác thắp nhang xin phù hộ... nhưng không hiệu quả. Quyết tâm xử lí tận gốc vấn đề này, chị đã tìm hiểu các phương pháp khoa học và rút ra được nhiều kinh nghiệm hữu ích và đến tuần thứ 6, bé Miu đã trở lại tươi tắn, ngủ ngoan và sâu giấc tới tận sáng.
Kinh nghiệm trị con khóc đêm của chị Thanh đã nhận được sự ủng hộ đông đảo của các bà mẹ, rất nhiều người đã áp dụng theo và thành công. (Ảnh NVCC)
Chia sẻ về những kinh nghiệm của mình, chị Thanh cho biết:
"Mong các mẹ cố gắng tìm hiểu khoa học về cách nuôi con, đừng quá tin vào kinh nghiệm của các bà các mẹ, sau đó chậc lưỡi rằng “Ôi giời 3 tháng 10 ngày sẽ hết ấy mà, đứa nào chả thế”. Đối với mình, giấc ngủ của con rất quan trọng, vừa giúp bé phát triển đầy đủ về thể chất lẫn trí tuệ, mà con ngủ ngon thì mình cũng được nhờ, nên mình không thể đợi đến 3 tháng 10 ngày được."
Kinh nghiệm của chị Thanh đã nhận được sự ủng hộ đông đảo của các bà mẹ, rất nhiều người đã áp dụng theo và thành công. Xin chia sẻ bài viết của chị Thanh dưới đây:
TRỊ KHÓC ĐÊM Ở TRẺ SƠ SINH Chả là, bé mình hồi trong tháng chả khóc mấy, tự nhiên ra tháng thì khóc cả ngày cả đêm. Khóc không ngừng, lả cả người mẹ lẫn con. Túm lại là mệt. Mình tìm hiểu thì thấy nhiều mẹ nói đó là khóc dạ đề, bị sài, rồi mấy bà mấy mẹ thì bảo bị bắt vía... Túm lại là toàn nghe kinh nghiệm dân gian nên mình cũng chả biết thế nào, ai chỉ gì làm nấy. Nào đốt vía, nào đặt dao kéo đầu giường, thậm chí là nửa đêm còn bế con lên gác thắp nhang xin phù hộ... Mình quyết tâm xử vụ này và sau đó thì rút ra cho mình vài bài học: 1 - Có thể do con thiếu canxi (do canxi có vai trò rất lớn tới hệ xương). Thiếu canxi, bé có thể có những biểu hiện như ngủ hay giật mình, hay quặn bụng. Điều này mình có nghe bs tư vấn rằng nếu thiếu Canxi, bé sẽ bị nhức xương, nhất là vào ban đêm, vì thế hay khóc đêm. (thiếu Canxi không loại trừ một ai, ngay cả bé bụ cỡ nào đi chăng nữa) 2 - Có thể con thiếu vitamin D Theo mình hiểu thì Vitamin D và Canxi như bộ đôi trong quá trình hình thành hệ xương của trẻ. Thiếu Vitamin D cũng có thể gây còi xương. Điều này giống như thiếu Canxi mình nêu ở trên. 3 - Có thể do nhu động ruột của trẻ chưa hoàn thiện Và điều này thì hoàn toàn xảy ra với trẻ sơ sinh. Do nhu động ruột chưa hoàn thiện, các bé dễ khóc đêm, biểu hiện rõ nhất là quặn mình. 4 - Do bé đói Tất nhiên bé sẽ khóc khi đói, mặc dù nhiều mẹ đã cho bé bú no trước khi ngủ. Thực ra ở trẻ sơ sinh, các bé có thể bú chưa đúng cách, bé vẫn mút bình thường nhưng sữa không thực sự vào miệng, thay vào đó là hơi. Bé bị đầy hơi nên sẽ nhanh no, dẫn đến nhanh đói nên nhiều mẹ tưởng con mình khó chịu đâu đó, trong khi bé đói thực sự. Từ những điều trên, mình cũng tìm cách trị cho con như sau: 1. Mẹ ăn nhiều chất dinh dưỡng nhằm bổ sung canxi cho trẻ Không cần cho trẻ uống thuốc canxi vì trong sữa mẹ đã có đủ canxi, bổ sung thêm không có tác dụng, thậm chí thừa canxi cũng không tốt. 2. Tranh thủ tắm nắng cho con Vào buổi sáng trước 7h30 và buổi chiều sau 4h30. Con đang ngủ mình cũng lôi ra tắm luôn. 3. Tìm mua cho con thuốc trị khóc dạ đề Cái này mình đã chỉ cho nhiều mẹ và họ nói có hiệu quả, các mẹ có thể tìm thấy ở nhà thuốc. 4. Các mẹ cho bé bú nên lưu ý xem bé đã no thực sự chưa Điều này với những mẹ nuôi con sữa mẹ hoàn toàn có lẽ sẽ hơi khó kiểm tra, vì “cái bình” sữa này hơi đặc biệt. Mình chỉ làm theo kinh nghiệm là kiểm tra ngực mẹ trước và sau khi cho bé bú xem có thay đổi nhiều không. Các mẹ cũng nên tập cho bé bú đúng tư thế nhé, cái này google có nhiều, chỉ cần search là ra cả mớ hướng dẫn có hình hoặc video. Còn với các mẹ cho bé bú bình, nên chọn loại bình có chức năng chống đầy hơi, hơi bé mút sẽ được đẩy ra ngoài nên bé chỉ mút sữa không chứ không có không khí. Trên thị trường có rất nhiều loại bình có chức năng này, các mẹ cứ tìm hiểu nhé. 5. Mình chủ trương tách bé từ nhỏ nên cho bé ngủ riêng, bé không quen hơi mẹ. Mình cho bé nằm cũi, mình nằm giường. Mình căn giờ từ lúc bé ngủ khoảng 2-3 tiếng thì lại dậy cho bé bú 1 lần, bé càng lớn thì khoảng thời gian này càng giãn ra, tăng lượng sữa lên. Bé no thì ắt sẽ ngủ ngon hơn. 6. Massage cho bé thường xuyên trước khi ngủ và sau khi tắm Massage cũng giúp bé ngủ ngon, tiêu hóa tốt đó nha mọi người. Lại gặp anh google nhé! Trộm vía bé mình từ khi mình tìm hiểu và thực hiện những điều trên. Bé nhà mình ngủ ngoan hẳn, không còn vặn mình, không khóc đêm, ngủ 1 mạch tới sáng! Hết ạ! Mình dừng bút ở đây, chúc mọi người ngủ ngon và sức khỏe, chúc các bé mau ăn chóng lớn, ngoan ngoãn nhé! Nguyễn Thị Thanh |