Không hiểu nhầm kiểu gì mà hình ảnh cờ Trung Quốc xuất hiện trong sách giáo dục cho trẻ mần non Việt.
Đọc tin: Sách giáo dục tiểu học có in cờ Trung Quốc mà tôi bần thần cả người. Chả hiểu sai sót kiểu gì lại có một sự ‘nhầm lẫn’ thế này? Dù sau sự việc, bà Bùi Thị Hương - giám đốc NXB Dân Trí – cũng là người chịu trách nhiệm phát hành sách có viện lý do rằng "Ðây là sách dịch, mua bản quyền của đối tác nước ngoài” và rằng, bộ sách trên được biên soạn theo chương trình giáo dục của Trung Quốc. "Hình ảnh trong sách là hình ảnh trường của Trung Quốc thì phải treo cờ Trung Quốc chứ không thể treo cờ Việt Nam được. Tôi thấy nội dung và hình ảnh rất bình thường, không có gì nặng nề" – bà Hương nói.
Trang 16 cuốn sách Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ dành cho các em nhỏ chuẩn bị vào lớp 1 của Nhà xuất bản Dân Trí đăng cờ của Trung Quốc (Ảnh: Thuận Thắng).
Cách giải thích của vị nữ giám đốc này xem ra khá logic(?) nhưng vẫn chẳng thể nào chấp nhận nổi. Một vấn đề nóng hổi và ‘đụng chạm’ nhiều như vậy mà bà Hương bảo không có vấn đề gì? là rất bình thường? Trong khi, ngay một đứa trẻ 5 tuổi cũng biết cuốn sách đó sai thì giá trị giáo dục nằm ở đâu? Thời buổi đang cần dạy tinh thần yêu nước cho thế hệ tương lai của Việt Nam mà lại đi in cờ Trung Quốc trong sách giáo dục mầm non và tặng quà lưu niệm có in hình lưỡi bò... thì thật khó hiểu? Để đến khi sự thật được phanh phui thì người trong cuộc phủi tay hoặc viện nguyên nhân này, lý do kia… không dám đứng ra thừa nhận sai sót.
Tôi cũng tự hỏi: Tại sao giáo sư, tiến sĩ giáo dục ở nước mình nhiều như nấm mọc sau mưa mà một cuốn sách mang 'danh' sách giáo dục cho trẻ em Việt lại cần mua bản quyền của Trung Quốc và dịch lại?
Tôi có cô cháu gái 5 tuổi hay nói, lém lỉnh và khá nhạy cảm. Khi được ăn một món ngon nào đó, cháu sẽ nhắc nhớ mãi và mỗi lần được mẹ nấu cho ăn lại nhảy lên thích thú. Nếu cháu tôi mà xem cuốn sách này thì hẳn sẽ lạc quan tin rằng hình ảnh lá cờ Trung Quốc gắn trên ngôi trường kia là cờ tổ quốc Việt Nam?! Đến lúc đấy thì người cậu (mang tiếng là dân tri thức như tôi) xấu hổ biết dường nào.
Trong chương trình giáo dục tiểu học, theo quan niệm của tôi, học sinh cần được dạy về đất nước, con người Việt… vì những hình ảnh quen thuộc thời thơ ấu sẽ in sâu trong trí nhớ của bé. Cuốn sách trên phải được chỉnh sửa cho đúng để trẻ em Việt hiểu rằng: cờ Tổ quốc chỉ có một mà thôi. Những nội dung gì thuộc về đất nước, về Tổ quốc bắt buộc phải chính xác chứ không phải là chuyện cổ tích mà tưởng tượng, hư cấu...
Chỉ là lỗi nhỏ trong sách nhưng sẽ khiến rất nhiều trẻ em có định nghĩa sai khi mới bắt đầu học đọc, viết. Một lỗi nhỏ, hai lỗi nhỏ...sẽ gộp lại thành một lỗi lớn và rồi tương lai thế hệ trẻ Việt sẽ đi đâu về đâu?!