Tránh bị động cho nông thủy sản xuất sang TQ

Ngày 04/06/2014 21:53 PM (GMT+7)

Hôm qua 3.6, Bộ Công Thương đã chủ trì cùng Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị bàn giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu (XK) nông lâm thủy sản.

Theo Bộ Công Thương, trong 5 tháng đầu năm nay ngành nông nghiệp xuất siêu 3,56 tỷ USD, giảm so với 3,73 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 5, kim ngạch XK mặt hàng nông, thủy sản đạt 1,829 tỷ USD, đưa nhóm mặt hàng này đạt 8,916 tỷ USD trong 5 tháng qua, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2013.

Mặc dù hàng nông thủy sản của Việt Nam đã có mặt tại hơn 100 nước và khu vực song thực tế nhiều năm nay, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu hàng nông, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Trong bối cảnh bất ổn hiện nay, thì đây là "mối nguy" nếu Trung Quốc áp dụng bất kỳ các biện pháp tiêu cực nào đến các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong 5-6 mặt hàng nông sản có thế mạnh của ta thì phần lớn đều xuất cả sang Trung Quốc, như nông sản chế biến, thủy sản, điều, cao su, rau quả, gạo... Ngay thức ăn cho cá nuôi ở Việt Nam cũng lại nhập từ Trung Quốc. "Rủi ro khi phụ thuộc vào một thị trường ta đã cảnh báo lâu rồi nhưng hành động của ta chưa quyết liệt. Với sự kiện Trung Quốc đặt dàn khoan trái phép trên vùng biển của ta có lẽ sẽ thúc đẩy chúng ta làm mạnh hơn"-Thứ trưởng Hải nói.

Thời điểm này, XK nông sản sang Trung Quốc (kể cả tiểu ngạch, chính ngạch) vẫn diễn ra bình thường, ảnh hưởng chủ yếu do tâm lý. Quan hệ kinh tế Việt-Trung là cùng có lợi nên Bộ Công Thương nhận định: Giao thương hai nước tới đây sẽ vẫn được tiến hành theo đà như hiện nay. Trung Quốc vẫn có nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng nông, thủy sản từ Việt Nam và không đòi hỏi quá khắt khe, với chủng loại phong phú, số lượng lớn, vì thế tương đối thuận lợi cho XK hàng hóa của Việt Nam. Nhất là một số mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế như: Sắn, cao su, thủy sản, rau quả, gạo, hạt tiêu….

Tuy nhiên, để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và tăng được XK nông thủy sản thời gian tới, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh giao thương với những bạn hàng truyền thống như các quốc gia khu vực ASEAN, EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ… Việt Nam cần tìm các khu vực thị trường mới như châu Phi, Trung Đông…

Chẳng hạn Trung Quốc là thị trường tiềm năng nhưng không phải là thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam mà là Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản... Hay nhiều loại trái XK cây chủ lực của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tại các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Chile, New Zealand…

Cuối cùng, kể cả nếu không khó khăn về thị trường XK thì vấn đề “kích cầu” tiêu dùng trong nước càng phải đẩy mạnh, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Hàng loạt mặt hàng như: gạo, đường, rau quả, thủy sản... hoàn toàn có thể đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, phù hợp với chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...

Theo Mai Hương (Dân Việt)
Nguồn:

Tin liên quan