NTK Xuân Thu: "Duyên" là cuộc chơi cá nhân sang trọng

Ngày 20/11/2015 13:33 PM (GMT+7)

NTK người Hà Nội Xuân Thu cho biết điều chị muốn nhất là tôn vinh bản sắc thời trang của đất nước mình.

Gặp và trò chuyện cùng NTK Xuân Thu vào một buổi chiều cuối Thu đầy nắng, người ta không khỏi bất ngờ trước hình dáng nhỏ bé đứng sau một nhãn hiệu thời trang thuần Việt mà giá thành của nó đôi khi nghe tới sẽ phải... giật mình.

Chân dung cũng như tính cách NTK Xuân Thu được phác họa và thể hiện khá rõ qua nét mặt nghiêm túc khi nói về công việc, ngọn lửa nung nấu dùng thời trang tôn vinh các giá trị truyền thống, nhưng cũng không thiếu những câu đùa dí dỏm để bầu không khí trở nên nhẹ nhàng hơn. Đây là NTK đứng sau show diễn thời trang Duyên sắp diễn ra tại Hà Nội, mà theo chị chia sẻ là mình đã tự bỏ tiền túi ra làm, không kêu gọi các nhà tài trợ. 

NTK Xuân Thu: quot;Duyênquot; là cuộc chơi cá nhân sang trọng - 1

NTK Xuân Thu (giữa) tại buổi họp báo diễn ra tại Hà Nội ngày 18/11 vừa qua.

Có thể cảm nhận ở NTK Xuân Thu mong muốn đẩy cao văn hóa, tôn vinh người phụ nữ và nét đẹp của các trang phục truyền thống Việt Nam. Điều này phần nào thể hiện khá rõ nét qua BST áo tứ thân với họa tiết gốm hoa nâu, sẽ được trình diễn trong đêm thời trang Duyên diễn ra tối nay (20/11). Sau đây là cuộc trò chuyện với NTK Xuân Thu trước thềm show diễn:

Cảm hứng thiết kế thuần chất Việt

Xin chào NTK Xuân Thu, mong chị chia sẻ chút ít về phong cách thiết kế của mình trước thềm show "Duyên"?

Chị nghĩ rằng nếu có kiến thức nền tảng về thiết kế thì không có gì là chị không làm được. Đó có thể là áo dài, áo bông, áo tứ thân hay trang phục hiện đại mang tính ứng dụng cao. Chỉ có điều nó sẽ mang cái gout của chị, phong cách của chị, đầy đủ hình hài của một chiếc áo chứ không chạy theo bất cứ xu hướng nào. Thực ra chị được biết đến nhiều qua thiết kế áo dài, nhưng với tư cách một NTK chị có thể làm được mọi thứ, kể cả nội thất như ở cửa hàng hiện tại.

Đối tượng khách hàng của chị thường nằm ở tầm nào?

Chị định vị thương hiệu của mình ở tầm trung, dành cho những người thứ nhất là phải yêu thích thời trang, thích mặc các sản phẩm độc đáo, lạ và đẹp. Thứ hai, họ phải hiểu một chút về thẩm mỹ, màu sắc, biết thế nào là cách một chiếc áo mang sắc thái trầm, sắc thái nhã hay sặc sỡ... Đó chắc chắn phải là những người có trải nghiệm cuộc sống và học vấn nhất định, thường có thời gian sống và làm việc tại nước ngoài.

Đa số họ là những doanh nhân hay chính trị gia. Chị không tham gia giới nghệ sĩ vì quần áo của chị có phong cách khá lịch sự và kín đáo. Nghệ sĩ họ thích mặc những kiểu bay bay, sexy hơn.

NTK Xuân Thu: quot;Duyênquot; là cuộc chơi cá nhân sang trọng - 2

Theo NTK Xuân Thu, khách hàng của chị đa số là doanh nhân hay các chính trị gia có niềm đam mê với thời trang.

Nhiều NTK trẻ bây giờ hay lấy lý do giao lưu văn hóa để cho ra mắt các mẫu thiết kế có vẻ tương đồng với các mẫu thiết kế nước ngoài, nhưng lại gọi đó là sự trùng hợp, ảnh hưởng. Ý kiến của chị về lằn ranh này như thế nào?

Mỗi NTK có một cái nhìn khác nhau, đôi khi trong quá trình tìm tòi để thực hiện BST của riêng mình họ cũng phải học hỏi các nhà thiết kế trên thế giới. Không phủ nhận việc có một số người sẽ đánh mất một chút bản thân hay để bị ảnh hưởng khá nhiều.

Bản thân chị hàng ngày cũng đọc tạp chí nước ngoài, theo dõi xem xu hướng nó đi đâu về đâu để tìm ra ảnh hưởng chung của thế giới. Bản chất của thời trang là sự lặp lại, nhưng mỗi khi lặp lại nó phải mang trong mình hơi thở mới với tính chất đương đại.

Vậy các sản phẩm của chị chịu ảnh hưởng từ NTK nào? Trong các sản phẩm sắp ra mắt tới đây có mẫu nào ảnh hưởng không?

Nếu nói về lòng ngưỡng mộ thời trang thì chị thích Chanel, vì sự đơn giản, ngôn ngữ thời trang chỉ có đen và trắng, những chiếc túi thiết kế tưởng chừng như đơn giản nhưng lại làm khuynh đảo cả thế giới. Chị cũng muốn xây dựng cho mình một cái riêng như vậy. 

Chị không ảnh hưởng của ai cả, mà đó là sự học hỏi. Nếu theo dõi thì từ BST áo dài đầu tiên là áo dài Tứ Bình tới nay, các sản phẩm của chị luôn man mác một điều gì đó như tranh. Em có thể nhìn thấy sắc độ, bố cục của một bức tranh trong sản phẩm của chị.

Những BST của chị đã bao giờ có chi tiết nào bị cho là ảnh hưởng, "đạo nhái" tới mức khiến dư luận phản ứng dữ dội như họa tiết nơ hoa hồng của Đỗ Mạnh Cường chưa?

Chị tôn trọng con đường sự nghiệp của mình và không quá chạy theo thương mại. Bởi nếu chạy theo thương mại thì chắc chắc chị không có Duyên, vì Duyên là thứ khiến chị vất vả và trăn trở khá nhiều. Chị không đứng trong giới showbiz để nghe những điều ấy, nên chị cũng chưa biết có ai nói sản phẩm của chị giống của thương hiệu nào đó hay không.

NTK Xuân Thu: quot;Duyênquot; là cuộc chơi cá nhân sang trọng - 3

Đồ do chị thiết kế có giá thành khá cao so với mặt bằng thời trang Việt, chị định hướng như thế nào để đảm bảo được tính chất kinh doanh của thương hiệu?

Thực ra ai đã từng là NTK đều hiểu sống được bằng nghề thiết kế thời trang mà không chạy theo thị trường là rất khó. Tuy nhiên, không phải cả xã hội đều chạy theo thị trường, con đường chị đang đi phải qua những cánh cửa rất hẹp. Mà cửa đã hẹp thì phải giỏi mới tồn tại được. Bởi thế, sản phẩm của chị đắt hay rẻ không phụ thuộc vào xu hướng thời trang mà phải đủ tiêu chuẩn để được như thế. 

Sản phẩm thời trang của chị có khía cạnh riêng, đạt tới tiêu chí mỹ thuật nhất định. Khi khách mặc lên, khách thấy đẹp, và slogan của chị là "Vẻ đẹp cùng thời đại", nghĩa là nó đi cùng năm tháng. Chị bán cho khách mua từ 10, 15 năm về trước nhiều hơn người mới đến. Mà những người mới đến chị cũng đều khuyên rằng: "Chỉ nên lấy 1, 2 bộ thôi, hài lòng đã rồi sau này đến tiếp". Chị thành công bởi khi khách hàng mặc sản phẩm của chị, họ thấy sự khác biệt giữa đám đông.

Hiện nay đang có nhiều dòng thời trang cao cấp gặp khó khăn về kinh doanh dù khâu quảng cáo, truyền thông rất tốt. Chị liên hệ như thế nào với thương hiệu của mình?

Thực ra nói về dòng thời trang cao cấp ở Hà Nội hay Sài Gòn, thương hiệu thiết kế như của chị không nhiều và cũng không "chết". "Chết" ở đây là những người kinh doanh hàng hiệu. Dần dà người ta thích mặc những thứ được thiết kế riêng cho họ hơn và không muốn bị trùng. 

Các NTK hiện nay hay chọn các ngôi sao tên tuổi làm đại diện để khuếch trương thương hiệu. Vậy thương hiệu của chị có gắn với cái tên nào không?

Chị không trăn trở việc dùng ngôi sao nào làm thương hiệu, mà là làm sao đặt vào sản phẩm những gì tốt nhất. Bởi những người sử dụng sản phẩm của chị không phải các đối tượng phô trương, nên chị không công khai mình làm cho ai mà chỉ muốn nói sản phẩm của tôi thế này, cá nhân tôi chọn những người này, và họ đúng với đồ của tôi.

Còn giới showbiz là thế giới "nóng", "nóng" ngay cả với thời trang. Mà con đường chị chọn nó lại... kiên định, thế nên khó có thể kiếm được ai đấy trong showbiz để cùng đi với mình.

Nếu không thích dính dáng tới showbiz, tại sao chị lại chọn Trúc Diễm làm đại diện cho bộ ảnh giới thiệu show "Duyên" của mình? Dù gương mặt Trúc Diễm không "thuần Việt" chút nào?

Chị thấy Trúc Diễm là đại diện cho rất nhiều gương mặt phụ nữ Việt hiện đại, nhỏ nhắn, xinh xắn. Có rất nhiều Hoa hậu, nhưng như Mai Phương Thúy thì quá cao, không đại diện cho phụ nữ Việt Nam bình thường.  Chị muốn nói về văn hóa, đương nhiên phải có hình ảnh đại diện cho văn hóa của nước Việt. Trúc Diễm là một Hoa hậu thì sẽ dễ dàng dẫn mọi người đến với văn hóa hơn. Cách đây 1 năm chị cũng có bộ ảnh chụp cùng Hoa hậu Thùy Lâm.  

Còn về nhận xét mặt Trúc Diễm quá "Tây" thì chị nghĩ, 10 năm nữa tiêu chí chọn Hoa hậu Việt Nam sẽ là miệng rộng, mũi cao, khác với trước đây.

NTK Xuân Thu: quot;Duyênquot; là cuộc chơi cá nhân sang trọng - 4

Trúc Diễm là gương mặt đại diện cho BST gốm hoa nâu lần này của NTK Xuân Thu.

"Duyên" là cuộc chơi cá nhân sang trọng

Chị có thể chia sẻ chi tiết hơn một chút về các màn trình diễn của mình trong "Duyên"?

Cái "Duyên" nó đến khi chị làm đề thi về gốm hoa nâu thế kỷ 15 và đạt 8.5 điểm. Khi đó chị nghĩ mình có đủ kiến thức để làm hẳn một BST thời trang. Nhưng nếu đặt gốm hoa nâu lên các bộ trang phục quá hiện đại, thì nó sẽ làm giảm đi sự hiện đại đó.

Với mong muốn hướng tới người phụ nữ Việt, giúp khẳng định vị trí cũng như hình ảnh của họ với thế giới, mà chị đã đưa gốm lên những chiếc áo tứ thân, áo dài Kinh Bắc. Phụ nữ Việt Nam đẹp mặn mà, hấp dẫn nhất trong các sản phẩm thời trang Việt.

Điểm nhấn trong show thời trang sắp tới của chị là gốm hoa nâu. Chị có thể nói kỹ hơn về cảm hứng ấy được không?

Khi bắt đầu nghiên cứu gốm hoa nâu, chị nhận thấy họa tiết gốm rất gần gũi. Gốm hoa nâu từng làm nên thương hiệu gốm Lý Trần, thực sự hội tụ đủ yếu tố văn hóa Việt, không hề bị "lai căng" của Trung Quốc như gốm men ngọc. Gốm hoa nâu rất thuần Việt, màu nâu mộc mạc cộng với sắc hoa được vẽ ra tạo nên một thương hiệu lớn thời đó.

Tại sao chị không làm họa tiết gốm hoa lan, men ngọc mà lại chọn gốm hoa nâu? Bởi chị vẫn muốn đẩy cao văn hóa Việt, khắc sâu trong tâm tưởng mọi người rằng văn hóa Việt còn nhiều điều có thể khai thác. Chị nghiên cứu gốm hoa nâu từ cách vẽ gốm, liên tưởng mình sẽ giúp những người thợ thêu phát triển ngành nghề như thế nào. Thêu nghệ thuật khác với thêu hàng loạt để mưu sinh. Chị muốn thêu trở thành một thương hiệu, bản sắc Việt. 

Chị lại nghiên cứu tiếp làm thế nào để đưa gốm hoa nâu vào quần áo, sao cho mọi người chấp nhận nó như một tác phẩm nghệ thuật, cảm nhận được vẻ đẹp của nó. Gốm hoa nâu phải đặt vào loại hình của nó. Không thể là các mẫu trang phục quá hiện đại, bởi như thế sẽ không đẹp chút nào. Phải đặt nó ở đâu để nó hòa quyện và trở thành phần không thể thiếu của trang phục ấy? Sự giao hòa giữa họa tiết trang trí với bố cục sản phẩm sẽ tạo thành một ngôn ngữ, một hình ảnh. Và đó là điều chị làm trong Duyên.

NTK Xuân Thu: quot;Duyênquot; là cuộc chơi cá nhân sang trọng - 5

Một vài mẫu thiết kế trong BST gốm hoa nâu được giới thiệu tại họp báo.

Từ lúc nảy ra ý tưởng gốm hoa nâu tới lúc hoàn thành BST chị có mất nhiều thời gian không?

Đầu tiên phải có ý tưởng, sau đó phải có trình độ, cuối cùng là phải có tài chính. Với chị Duyên như một điểm nhấn, một cú huých trong quá trình phát triển thương hiệu. Nhiều năm rồi chị làm ý tưởng thêu thảm, tranh Tứ Bình, làm về Góc xưa, làm về Xuân, v.v... nhưng tất cả những cái ấy rồi sẽ lu mờ, nhanh bị lãng quên. 

Chị khẳng định chưa có NTK nào làm về gốm hoa nâu như chị. Gốm và áo tứ thân là đề tài khó. Để xâu chuỗi 2 điểm về văn hóa Việt và đẩy nó thành câu chuyện của mình, chị đã rất vất vả. Chưa một BST nào chị thở dài vì nhiều thứ không vừa ý đến thế. BST này cũng khá tốn kém nữa. 

Gốm hoa nâu và trang phục Kinh Bắc được đặt trên những chất liệu truyền thống gồm: tơ lụa, nhung, đoan..., nên chị gặp khó khăn trong việc khai thác chất liệu. Nếu làm 1 bộ thì không sao, nhưng làm cả BST thì cực kỳ vất vả. Mỗi lần chị đi mua vải không dưới 10 triệu, có lần lên tới 25 triệu và không phải 1 lần đi mua vải cho BST này. Chị khai thác chất liệu truyền thống nhưng dùng vải của Hàn Quốc, vì chỉ công nghệ dệt của nước ngoài mới cho ra sản phẩm ưng ý, đủ độ dày, độ sắc của mặt vải. 

Ngày 16/8/2015, chị bắt đầu vẽ nét đầu tiên cho BST. Sau khi phác thảo và lên chất liệu thì lại phải chuyển qua nghiên cứu cái nào thì phù hợp với Duyên. Sau đó chuyển dần sang may thử, mix thử, tìm sự hòa quyện, họa tiết tách ra rồi bố trí sao cho sang trọng lên. Con đường của Duyên từ ý tưởng tới sân khấu rất dài. Nó như một bước nhảy vọt từ sự trưởng thành của thời trang cao cấp nhưng lại hướng đến nét văn hóa thuần Việt. 

NTK Xuân Thu: quot;Duyênquot; là cuộc chơi cá nhân sang trọng - 6

NTK Xuân Thu bên cạnh một số mẫu thiết kế của mình.

Trong show "Duyên" sắp tới, chị định trình diễn bao nhiêu bộ trang phục?

Chị dự định trình diễn 50 bộ trang phuc, trong đó BST gốm hoa nâu có thể lên tới 25 bộ, còn lại sẽ là một vài bộ hiện đại và cuối cùng là BST áo bông.

Chi phí tổ chức là chị tìm nguồn tài trợ hay tự chi trả?

Chi phí do chị và chồng chị cùng gia đình bỏ ra. Có thể nói đây là cuộc chơi cá nhân sang trọng của chị. Nếu em hỏi "Tại sao chị lại tổ chức ở khách sạn Hilton?", thì chị sẽ nói đấy chính là cái tầm của chị. Sau đó sẽ là Pháp, Italy, v.v... Tuy nhiên, chị nghĩ mình cũng phải khá bản lĩnh mới làm được điều đó. 

Đã có thâm niên 15 năm trong nghề, tại sao chị không tìm tài trợ? Có bên nào đề nghị tài trợ không?

Có chứ, nhưng chị lại thích làm cái riêng của chị. Từ lúc bắt đầu làm thời trang đến giờ chị đã tham gia một vài sân chơi chung, thấy tuy vui nhưng còn hạn chế. Đặc biệt có show sản phẩm của mình đã hoàn thiện mà lại lên sân khấu không được chỉn chu, người mẫu thì vội vã tới không kịp cài khuy... chị thấy tiếc. Để có 1 phút vinh quang cho NTK ngắm nhìn tác phẩm của mình trên sàn diễn, là rất nhiều mồ hôi và nước mắt.

Tự bỏ kinh phí ra tổ chức, điều chị muốn hướng đến sau show "Duyên" là gì?

Chị muốn gửi tới mọi người thông điệp rằng, thời trang hàng hiệu chưa chắc đã phù hợp với người Việt Nam. Thời trang hàng hiệu không cho họ tiếng nói riêng khi đi ra thế giới. Nếu ai đã từng sống và đi nước ngoài, họ sẽ thấy hàng hiệu đơn thuần là công nghiệp. Người Việt cần có bản sắc riêng. Chị muốn tất cả những người phụ nữ Việt Nam khi đi ra thế giới, chỉ cần mang sản phẩm đậm nét văn hóa Việt là đã được nhận ra rồi. 

Chị muốn giới truyền thông dành thêm chút tâm huyết cho sự phát triển của các NTK Việt, khuyến khích họ không nên "đạo" mẫu, không nên chạy theo những xu hướng của thế giới. Làm vậy là chúng ta đang bắt chước, và cái bắt chước ấy sẽ bị người nước ngoài nhìn bằng con mắt khác. Chị không muốn thế.

NTK Xuân Thu: quot;Duyênquot; là cuộc chơi cá nhân sang trọng - 7

Nếu nói về bản sắc văn hóa trong trang phục người Việt thường người ta chỉ biết đến áo dài. Còn áo tứ thân khá hạn chế, khá kén người. Trình diễn thì được nhưng nếu ứng dụng vào đời sống thì liệu có khó không?

Nếu như quan sát sẽ thấy áo dài chỉ có 2 tà bay phấp phới. Còn áo tứ thân nó đẹp hơn nhiều, ban đầu là yếm này, trang trí rất đẹp, màu sắc sặc sỡ, sau đó thêm áo bà ba ở bên ngoài, sau đó lại cái áo the ở bên ngoài nữa, để khoe cái áo màu bên trong. Lớp lang thì màu nọ phối với màu kia. Đấy chính là cái gốc văn hóa mặc của người Việt. 

Áo dài bây giờ theo sự chuyển hóa của lịch sử là chiếc áo hiện đại, không phải trang phục cổ của người Việt. Trang phục cổ thời xưa chỉ là cái yếm, cái khố. Thế nhưng thời Hưng Lê, Lê Sơ, thế kỷ 15, 17, 18, thì trang phục người Việt cổ rất đẹp. Nếu vào bảo tàng hay các đình làng Việt Nam sẽ thấy những bức tượng khắc họa không phải áo dài mà là áo tứ thân. 

Nhưng chị có ý định biến áo tứ thân thành trang phục ứng dụng trong đời thường không?

Thật ra những ai yêu thời trang đều hiểu rằng quần áo mặc đơn sắc 1 chiếc sẽ không bao giờ cho ra hiệu quả. Khi mặc lớp trong, lớp ngoài, lớp nọ, lớp kia, phối hợp màu sắc, trông em mới đặc biệt. Chính nó thể hiện văn hóa mặc, cách mặc và nghĩ của từng người. Chị cho rằng muốn mặc áo tứ thân phải đủ sự cầu kỳ, sao cho khi cởi dần thì người mặc vẫn đẹp và thời trang.

Trang phục nam trong BST của chị có thiết kế như thế nào?

Chị thiết kế complet có tà, có mở, hơi giống trang phục Kinh Bắc, Quan họ. 

Vậy là 30 năm trong nghề, kiếm được bao nhiêu chị đổ hết vào "Duyên"?

Ồ, chị không đổ hết. Chị coi nó như con mình, phải đầu tư cho nó. Duyên với chị là điểm nhấn trong hành trình thiết kế thời trang, chứ không phải bàn đạp để tiến thân vào showbiz. Cho đến hôm nay chị vẫn là một NTK, điều đó chứng tỏ phải vẫn có những khách hàng tin tưởng chị. Chị luôn muốn hướng tới các thiết kế mang đậm tính truyền thống Việt Nam. 

Xin cảm ơn những chia sẻ của NTK Xuân Thu và chúc show thời trang "Duyên" của chị sẽ diễn ra tốt đẹp!

Mèo Mèo
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan