Nguy kịch chỉ vì dẫm phải đinh

Ngày 18/03/2014 15:01 PM (GMT+7)

Chỉ vì vết xước nhỏ chẳng may dẫm phải đinh và bị ngã khi đi xe máy, 2 bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch vì bị uốn ván.

Vết xước nhỏ, hậu quả lớn

Bệnh nhân P.T.T, 57 tuổi ở Vũ Thư, Thái Bình nhập viện hôm 15.3. Trước đó 9 ngày, đang đi bộ bà T vô tình bị vấp chân, dẫm phải chiếc đinh. Vết xước rất nhỏ, chỉ chảy máu chút ít nên bà T cũng quên luôn. Tuy nhiên, 6 ngày sau bà bỗng xuất hiện cơn cứng hàm, co cứng toàn thân. 3 ngày tiếp theo, mức độ co cứng tăng lên đến mức co giật liên tục. Lúc này, người nhà vội vã đưa bà lên cấp cứu tại BV tỉnh Thái Bình và được chuyển tiếp lên BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

ThS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhân các cơn co cứng liên tục, không thể thở được nên bác sĩ phải mở khí quản, cho thở máy. Hiện tại, diễn biến bệnh vẫn còn nặng, bệnh nhân đang được điều trị hồi sức tích cực.

Trường hợp thứ 2 rơi vào tình trạng nguy kịch cũng chỉ vết thương rất nhỏ. Bệnh nhân là ông L.T.N, 47 tuổi ở Bắc Ninh. Trước đó, ông N chẳng may bị va quệt chân vào xe máy trong lúc đi xe. Cú va quệt này chỉ để lại vết xước ở mu bàn chân với kích thước là 2cm. Ông N không hề bị đau đớn vì, sau vài ngày, vết thương liền da nên ông càng không để ý.

Tuy nhiên, 1 tuần sau chỗ xước bỗng há miệng và 3 ngày sau toàn thân co cứng và lên cơn co giật. Ông N được gia đình đưa đi cấp cứu tại BV Bệnh Nhiệt đới hôm 14.3. Qua thăm khám bác sĩ kết luận bệnh nhân bị uốn ván, phải tiến hành thở máy.

Nguy kịch chỉ vì dẫm phải đinh - 1

Bệnh nhân T. vẫn đang nguy kịch vì uốn ván

Nên tiêm vắc xin phòng bệnh

ThS Cấp cho biết, hai trường hợp trên diễn biến bệnh khá nặng. Mỗi năm, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận khoảng 60-80 ca mắc uốn ván nặng. Phần lớn ca bệnh xảy ra ở những người đang trong độ tuổi lao động, nam giới có tỷ lệ mắc nhiều hơn.

“Có đến 1/3 số ca mắc uốn ván nặng từ những tổn thương không đáng kể, thậm chí vết xước quá nhỏ bản thân người bệnh còn không biết mình. Bệnh viện đã từng ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh nguy kịch, thậm chí tử vong chỉ từ vết hơi sưng ở ngón chân do đất nhét vào khi làm đồng, làm ruộng hoặc bị dằm đâm, giẫm phải gạch, đinh, mảnh sành …

Thậm chí, việc xỉa răng bằng tăm không cẩn thận có vết xước nhỏ cũng có khả năng gây uốn ván”, ThS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Theo ThS Cấp, uốn ván là vi khuẩn sinh nha bào, vi khuẩn thải bớt nước và đông khô như kiểu con kén, ở thế nằm ngủ. Khi xâm nhập vào vết thương, đặc biệt vết thương dập nát nhiều, cộng thêm điều kiện môi trường thiếu ôxy (yếm khí) thì nha bào thoát vỏ phát triển thành vi khuẩn uốn ván, nhân lên tiết ra các độc tố, gây bệnh uốn ván. Độc tố này gây nhiễm độc hệ thần kinh vận động khiến người bệnh bị co cứng toàn thân và co giật liên tục.

"Nha bào phổ biến trong môi trường, đất, cát, đặc biệt môi trường có nhiều phân súc vật, số lượng nha bào nhiều lên. Vì thế, bất cứ ai bị vết thương hở đều có nguy cơ bị uốn ván.

Người dân Việt Nam hầu hết đều biết về uốn ván và tác hại của căn bệnh này nhưng họ vẫn chủ quan. Với vết xước nhỏ họ quên luôn còn nếu bị tổn thương nặng hơn chút họ thường tự ý đi mua kháng sinh về điều trị mà ít chủ động đi tiêm phòng vắc xin uốn ván”, ThS Cấp nói. 

Theo bác sĩ Cấp, 10 năm trước, tỷ lệ tử vong do uốn ván ở Việt Nam rất cao, có thể lên đến 60-70%, nhưng nay có trang thiết bị hiện đại, thuốc điều trị tốt... nên tỷ lệ tử vong giảm nhiều chỉ còn trên dưới 5%.

Để phòng mắc uốn ván, bác sĩ khuyên, khi bị thương, người bệnh cần giải phóng dị vật trong vết thương, lấy hết đất, cát, dằm, gỗ..., cắt phần dập nát. Nếu vết thương có nguy cơ nhiễm trùng cần dùng kháng sinh. Ngoài ra nên tiêm ngay huyết thanh chứa kháng thể uốn ván và vắcxin phòng uốn ván.

“Với người lao động việc xây xát thường xuyên là điều khó tránh khỏi. Do đó, để chủ động phòng bệnh, tốt nhất người dân nên tiêm phòng. Mỗi lần tiêm vắc xin chỉ có mất vài chục nghìn đồng, trong khi nếu chẳng may mắc bệnh chi phí điều trị lên tới vài trăm triệu đồng. Nếu tiêm đủ liều, miễn dịch bảo vệ trong 10 năm, sau đó tiêm nhắc lại một lần”, ThS Cấp khuyến cáo. 

Mai Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan