Rao bán trống đồng, tượng phật giá trăm ngàn "đô"

Ngày 24/05/2014 15:44 PM (GMT+7)

Ngoài những món đồ cổ có giá dao động từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, không ít cổ vật quý hiếm như pho tượng Chăm được rao bán với giá 325.000 USD (6,9 tỉ đồng), pho tượng Phật bà Quan âm 176.000 USD (3,7 tỉ đồng)...

Có thể nói chưa khi nào nạn trộm cắp, buôn bán cổ vật trái phép lại bùng phát mạnh mẽ như thời điểm hiện nay. Những vụ đột nhập vào các đình chùa, miếu mạo để trộm cổ vật liên tiếp diễn ra trong thời gian vừa qua khiến dư luận vô cùng bức xúc. Trong khi đó, vô số cổ vật có nguồn gốc tại Việt Nam vẫn được rao bán tràn lan trên các diễn đàn, website bán đấu giá cổ vật trong và ngoài nước. Vấn nạn "chảy máu" cổ vật quốc gia đang ở mức báo động.

Những báu vật bị đạo chích tẩu tán

Trong tháng Tư vừa qua, tại xã Phù Lưu (ứng Hòa, Hà Nội) liên tiếp xảy ra hai vụ trộm cổ vật ở chùa Phù Lưu và đình làng thôn Phù Lưu Hạ. Sau khi đột nhập, kẻ trộm đã "khoắng" sạch tất cả những cổ vật có giá trị bên trong bao gồm rất nhiều đồ thờ cúng, đặc biệt là quả chuông đồng nặng 103kg được coi là báu vật của chùa Phù Lưu. Không chỉ ở Phù Lưu, tình trạng các đình, chùa bị trộm "ghé thăm" còn xảy ra ở rất nhiều các địa phương khác. Mới đây, ngày 24/4, Công an huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương đã bắt giữ hai đối tượng về hành vi trộm cắp cổ vật ở miếu Lai Cầu, xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc. Theo đó, hai tên này đã đột nhập vào miếu, lấy đi một pho tượng nữ tướng Nguyễn Thị Dực cùng hai bài vị, đem lên quận Long Biên (Hà Nội) tiêu thụ. Đây chỉ là một trong số rất ít những trường hợp trộm cổ vật bị phát hiện và bắt giữ. Điều này khiến dư luận vô cùng bức xúc bởi những cổ vật bị kẻ trộm lấy đi, ngoài giá trị vật chất còn chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh, nguồn cội của cả một vùng đất mà một khi đã mất đi có thể sẽ không bao giờ tìm lại được.

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Cường (Phó Tổng thư ký hội Khảo cổ học Việt Nam) thì thực tế cho thấy, hầu hết những cổ vật sau khi bị đánh cắp đều khó lòng tìm lại. Chúng được bán từ người này sang người khác, từ tỉnh này sang tỉnh khác, thậm chí được bán cho người nước ngoài rồi di chuyển đến tận những đất nước xa xôi và không bao giờ quay trở lại. Trong khi đó, những khoảng trống mà chúng để lại là vô cùng lớn. Mỗi cổ vật đều có gốc tích và ý nghĩa lịch sử, văn hóa riêng gắn liền với một địa danh, một vùng đất nào đó. Đối với những cổ vật đang được cất giữ, thờ cúng tại các đình chùa, miếu mạo, di tích văn hóa - lịch sử thì chúng chính là bảo vật, là hơi thở, là linh hồn của  những nơi đó. Bởi vậy, một khi những cổ vật này bị mất đi, không những giá trị của chúng bị thay đổi, mà những đình chùa, miếu mạo, di tích kia dường như bị bắt mất “linh hồn”.

Nói về nguyên nhân khiến nạn trộm cắp đồ cổ gia tăng, một số chuyên gia cho rằng, ở nhiều nước trên thế giới, buôn bán đồ cổ từ lâu vốn đã trở thành một ngành kinh doanh đem lại lợi nhuận khổng lồ, trở thành một thứ sức hút đầy ma lực khiến nhiều người lao vào nó như con thiêu thân với mong muốn đổi đời nhờ may mắn. ở Việt Nam, số người sưu tầm hoặc buôn bán cổ vật cũng ngày một nhiều lên. Do đó, nạn trộm cắp, buôn bán cổ vật trái phép cũng ngày càng phát triển và khó kiểm soát hơn. Để dễ bề hành động, kẻ trộm thường nhắm đến các đình chùa, miếu mạo, là những nơi ít được đề phòng và cũng không được canh gác cẩn mật như ở các bảo tàng, lăng tẩm có tầm cỡ lớn hơn. Tuy nhiên, hậu quả mà chúng để lại là không hề nhỏ.

Rao bán trống đồng, tượng phật giá trăm ngàn quot;đôquot; - 1

Một pho tượng cổ Việt Nam được rao bán trên ebay.com với hình ảnh chụp ở chùa Vĩnh Nghiêm (TP.Hồ Chí Minh).

Thâm nhập "chợ cổ vật trực tuyến"

Không khó để tìm kiếm thông tin về các món cổ vật có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam được rao bán tràn lan trên các chợ cổ vật online (trực tuyến) trong và ngoài nước. Trong đó, các loại cổ vật từ "thượng vàng" đến "hạ cám", từ những chiếc trống đồng được coi là biểu tượng cho linh hồn của dân tộc đến các loại sắc phong, lư hương, đỉnh đồng, từ pho tượng Phật vài trăm tỉ đồng đến những món đồ thờ cúng vài trăm nghìn đồng.

Chỉ cần có một tài khoản online, ai cũng có thể đăng nhập vào các diễn đàn, hoặc các website mua bán, đấu giá cổ vật trực tuyến và thực hiện các giao dịch mua bán một cách dễ dàng mà không gặp bất cứ trở ngại gì. Trên trang web ebay.com, một trong những website đấu giá trực tuyến lớn nhất thế giới, chỉ cần gõ lệnh tìm kiếm cụm từ "Vietnam antiques" (cổ vật Việt Nam), người tìm sẽ có ngay hàng trăm trang kết quả. Trong số rất nhiều những cổ vật được giới thiệu kèm theo các thông tin, hình ảnh hấp dẫn có cả những món đồ được rao bán cùng ảnh chụp khi các hiện vật này vẫn đang được thờ cúng tại các đình chùa, miếu mạo, từ đường, bàn thờ gia tiên... để tăng thêm giá trị.

Ngoài những món đồ cổ có giá dao động từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, không ít cổ vật quý hiếm của Việt Nam được rao bán với giá rất cao như pho tượng Chăm có giá lên tới 325.000 USD (6,9 tỉ đồng), pho tượng Phật bà Quan âm 176.000 USD (3,7 tỉ đồng)... Ngoài các website đấu giá trực tuyến tầm cỡ quốc tế, trên các diễn đàn, chợ cổ vật online, website đấu giá trực tuyến trong nước, cổ vật cũng được rao bán nhan nhản, tấp nập người bán kẻ mua, trả giá, bình luận.

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Cường, ngoài việc tăng cường bảo vệ hiện vật, chúng ta cũng nên lập bảng thống kê với số liệu, thông tin đầy đủ về các hiện vật đang được cất giữ ở tất cả các địa phương trong cả nước. Về vấn đề này, các địa phương nên học theo mô hình quản lý hiện vật theo hình thức số hóa của tỉnh Bắc Ninh. Với hình thức này, chỉ cần một thao tác trên máy tính, chúng ta có thể tìm thấy tất cả các thông tin, hình ảnh về hiện vật mà bản thân đang cần tìm kiếm. Điều này không chỉ tiện lợi cho công tác nghiên cứu của các nhà khoa học mà khi hiện vật chẳng may bị mất đi vì một lý do nào đó thì chúng ta vẫn còn những dữ liệu quan trọng đã được mã hóa trong hệ thống. Việc này nhất thiết phải thực hiện càng sớm càng tốt trước khi có thêm nhiều hiện vật khác bỗng dưng không cánh mà bay.       

Muốn bảo vệ cổ vật, phải có bảo vệ chuyên nghiệp

Nói về giải pháp ngăn chặn vấn nạn "chảy máu cổ vật", PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho rằng: "Hiện nay, những đối tượng trộm cắp thường nhắm vào các đình chùa, miếu mạo vốn là những nơi ít được canh giữ cẩn mật lấy cổ vật đem đi bán. Do đó, mỗi địa phương nên cắt cử hẳn một lực lượng canh giữ, bảo vệ những nơi này và trả lương cho họ để làm những việc đó. Như vậy họ sẽ có trách nhiệm hơn trong việc thực hiện trọng trách của mình để bảo vệ các hiện vật".

Nguy cơ "trắng tay" cổ vật

Trao đổi với PV báo Đời sống pháp luật về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Lân Cường bức xúc: "Nếu tình trạng chảy máu cổ vật không sớm được ngăn chặn thì cổ vật Việt Nam dù có phong phú đến mấy, đa dạng đến mấy, rồi cũng bị mất dần đi hết. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến các vấn đề nghiên cứu khoa học cũng như văn hóa, lịch sử của nước ta. Bởi vì, những hiện vật bị trộm cắp đang trôi nổi trên thị trường hoặc thuộc sở hữu của một cá nhân nào đó phần lớn đều chưa được nghiên cứu, giám định. Ngay cả với những hiện vật đã được nghiên cứu, giám định vẫn cần được cất giữ để phục vụ quá trình nghiên cứu lâu dài của các thế hệ con cháu sau này, cũng như các nhà nghiên cứu nước ngoài đến Việt Nam. Một khi các hiện vật bị mất đi, quá trình nghiên cứu coi như phải dừng lại.

 

Theo Dương Dung (Đời sống pháp luật)
Nguồn:

Tin liên quan