Chị Anh Thư rèn con ăn ngủ vào khuôn khổ khá sớm, giờ đây khi mới 8 tháng tuổi bé Bin đã “ăn cả thế giới”, con đã có thể ăn thực đơn người lớn, tự bốc thức ăn và nhai nuốt rất tốt.
Khi con trai là bé Bin tầm 2 tháng tuổi, chị Lê Thị Anh Thư (SN 1993) ở Tây Ninh đã luyện bé sinh hoạt theo giờ giấc, dần dần chị tham gia vào các hội nhóm làm mẹ để học hỏi kinh nghiệm nấu đồ ăn cho con. Từ một người mẹ trẻ chưa có kiến thức chăm con, giờ đây chị đã trở thành một mẹ bỉm sữa vô cùng khéo léo.
Bé Bin được mẹ rèn nết ăn ngủ vào khuôn khổ ngay từ khi còn khá nhỏ.
Bữa ăn “3 không”
Theo lời chị Anh Thư, ngày em bé mới 2 tháng tuổi chị tập cho con vào khuôn khổ bằng việc rèn thói quen ăn ngủ đúng giờ giấc. Chứng kiến hành động của chị, các thành viên trong gia đình đều phản đối, nhưng sau khi giải thích cho mọi người hiểu, dần dần chị cũng nhận được sự ủng hộ từ mọi người xung quanh.
Khi em bé được 3 tháng tuổi, chị tham gia vào các hội nhóm ăn dặm trên mạng xã hội và thấy nhiều phương pháp khá thú vị. Không dừng lại ở đó, chị tiếp tục mua thêm sách về nuôi dạy con để trang bị thêm kiến thức.
“Giai đoạn đầu mình cũng hoang mang lắm vì không biết cho em bé ăn như thế nào, nấu ra sao thì phù hợp vì lý thuyết và thực tế khác nhau xa lắm. Mọi người cũng phản đối việc mình cho bé ăn thô vì sợ bé bị hóc, hư dạ dày” – mẹ 9X nói.
Quan điểm của chị Anh Thư rất rõ ràng, công việc có thể sau này sẽ còn rất nhiều thời gian để cống hiến nhưng con chỉ có 3 năm đầu đời (hay còn gọi là 3 năm vàng) để phát triển tối đa, nhận thức được điều đó mà mỗi ngày trôi qua chị đều dành trọn thời gian cho bé Bin.
Những ngày đầu mới tập nấu ăn cho con, chị cặm cụi vừa làm thực đơn vừa học trên sách vở, lại kết hợp dọn dẹp bãi chiến trường do mình bày ra. Và rồi nhờ sự kiên nhẫn cuối cùng hai mẹ con cũng "hái được quả ngọt".
Hiện tại bé Bin mới 8 tháng tuổi nhưng con đã “ăn cả thế giới”, thịt, cá, rau, củ, trái cây bé không kén bất cứ đồ ăn gì, điều đặc biệt bé đã ăn cơm và thực đơn như người lớn, con sẵn sàng tự bốc thức ăn và nhai nuốt rất tốt.
Mới 8 tháng tuổi nhưng bé Bin đã thịt, cá, rau, củ, trái cây bé không kén bất cứ đồ ăn gì.
Nhìn chị bày biện nhiều đồ ăn cho con, không ít người nói rằng do chị có nhiều thời gian ở nhà, quanh quẩn bếp núc nên mới nấu nướng được đồ ngon và bắt mắt để em bé ăn. Theo chị Anh Thư, mẹ bỉm sữa chỉ cần khéo léo một chút là có thể sắp xếp công việc để có thời gian chăm em bé tốt nhất trong điều kiện của mỗi gia đình.
Chia sẻ về bí quyết nấu đồ ăn cho con vừa tiết kiệm được thời gian song lại có được thực đơn hấp dẫn, chị cho biết: “Lúc mới ăn dặm, con không ăn nhiều nên nếu ngày nào cũng chuẩn bị một chút ít thì sẽ mất thời gian. Mình thường mua rau củ về rửa sạch sau đó chế biến ngay, ví dụ như rau củ hấp hoặc luộc rồi nghiền nhuyễn cấp đông 3 - 4 ngày, khi nào dùng chỉ việc rã đông, làm như vậy rất tiện lợi và không mất nhiều thời gian”.
Vì con mỗi ngày một lớn, lượng ăn của con cũng theo đó mà tăng lên. Trong trường hợp bé ăn nhiều, mẹ làm nhiều đồ ăn nhưng vẫn không dùng hết thì mẹ có thể bỏ vào túi zip cấp đông hoặc làm thành ruốc cho con.
Với tính cách cẩn thận của mình, thay vì mua rau củ quả bán sẵn ngoài chợ thì chị Anh Thư tự tay trồng một số loại rau hữu cơ vào các thùng xốp hoặc mảnh đất nhỏ phía sau nhà, khi cần chỉ việc ra hái, vừa nhanh lại vừa tiết kiệm chi phí.
Để tránh việc mỗi ngày phải ngồi nghĩ: “Hôm nay cho con ăn gì”, chị Thư đã lên thực đơn cho con trong tuần để chủ động chuẩn bị thực phẩm sau đó dùng màng thực phẩm bọc lại để vào ngăn mát tủ lạnh sử dụng dần.
Tỏ ra khá nghiêm khắc trong việc nuôi dạy con nhỏ, chị còn áp dụng triệt để quy tắc “3 không”: Một khi đã ngồi vào bàn ăn thì không xem ti vi, điện thoại hay máy tính bảng, càng không nói chuyện, cười đùa hay làm trò mua vui cho bé, đặc biệt không bế rong. Bữa ăn của bé sẽ chỉ gói gọn trong 30 phút, sau 30 phút bé muốn ăn tiếp hay không mẹ vẫn sẽ dọn thức ăn đi và thông báo bữa ăn đã kết thúc, con hãy đợi bữa sau ăn tiếp nhé!
Từ kinh nghiệm bản thân, mẹ Tây Ninh nhắn nhủ đến các mẹ đang cho bé ăn dặm rằng hãy dùng trái tim để lắng nghe con mình muốn gì, tìm hiễu kỹ các phương pháp ăn dặm trên mạng hoặc sách trước khi cho bé theo. “Thật ra không có 1 phương pháp ăn dặm nào hoàn chỉnh cả, tức là ăn dặm kiểu nhật, ăn dặm chỉ huy thật ra chỉ là 1 tên gọi, bố mẹ chọn để làm nền tảng cho bé, nhưng việc chọn phương pháp nào và ăn ra sao là ở bé, bé là người quyết định. Mẹ phải hiểu được thông điệp bé đưa ra và linh động xoay chuyển sao cho phù hợp chứ không nên áp dụng 100% theo sách báo” - mẹ Tây Ninh nói.
Nguyên liệu và cách làm một số món ăn bắt mắt
Món 1: Súp su su cải xoăn kale rắc hạt chia
Nguyên liệu:
- Su su (1 khoanh tròn tầm 2cm)
- Cà rốt (1 khoanh dày 1cm)
- Khoai tây
- Bột cải xoăn
- Hạt chia
Cách làm:
- Đem su su, cà rốt và khoai tây luộc hoặc hấp.
- Cho 3 loại rau củ trên và chút ít bột cải xoăn vào máy xay nhuyễn.
- Đổ hỗn hợp ra cốc và rắc hạt chia lên là có thành phẩm.
Món 2: Cháo bí đỏ khoai lang tím
Nguyên liệu:
- Bí đỏ
- Khoai lang tím
- Phô mai
- Hạt chia
Cách làm:
- Cháo nấu theo tỷ lệ, sao đó rây tùy vào độ ăn thô của bé
- Bí đỏ tỉa hình tùy ý.
- Dùng muỗng lấy phần ruột của bí đỏ ra để riêng.
- Đem bí bỏ vào nồi hấp khoảng 20 phút.
- Đem khoai lang, ruột bí đỏ mang hấp chín cho vào máy xay nhuyễn.
- Bỏ cháo + hỗn hợp vừa xay vào trái bí lúc nãy hấp thêm 5 phút.
- Bỏ 1 góc phô mai vào tắt bếp.
- Rắc vài hạt chia lên là thành phẩm.
Lưu ý: Các mẹ có thể thay phô mai bằng thịt gà, tôm, thịt heo…
Món 3: Cháo phô mai hoa đậu biếc
Nguyên liệu:
- Gạo
- ½ miếng phô mai tách muối
- Bột hoa đậu biếc
Cách làm:
- Cho gạo vào nồi vo sạch, cho nước tỷ lệ 1:7.
- Thêm một chút bột hoa đậu biếc vào khuấy tan rồi nấu chín.
- Khi cháo chín cho ra chén nhỏ lúc còn nóng thì thêm phô mai lên.
Món 4: Sữa chua
Nguyên liệu:
- Sữa chua
- Sữa công thức
Cách làm:
- Dùng 120ml sữa công thức pha ấm 40°C (nhớ pha đặc gấp đôi so với bình thường: Ví dụ bình thường 120ml là 3 muỗng thì với công thức làm món này là 6 muỗng).
- Dùng 4 hũ thủy tinh tiệt trùng để ráo.
- Sữa chua không đường (2 muỗng cơm).
- Pha ấm sữa, để cho sữa bớt nóng hoặc nguội hẳn cho 2 muỗng sữa chua không đường vào.
- Khuấy nhẹ tay tránh nổi bọt, cho hỗn hợp vào 4 hũ thủy tinh rồi mang đi ủ 7 – 8 tiếng đồng hồ (ủ bằng thùng xốp hoặc nồi cơm điện).
- Mẹ nhớ ủ theo tỷ lệ 2 nóng 1 lạnh hoặc 3 nóng 2 lạnh (đổ nước ngập 2/3 hũ).
- Khi đã có thành phẩm, mẹ đem úp ngược được và không bị tách nước.
Món 5: Ruốc bò
Nguyên liệu:
Thịt bò mềm
Cách làm:
- Cắt nhỏ thịt theo thớ thịt.
- Đem rửa sạch để ráo.
- Ướp thịt với một chút gừng để khử mùi (Với những bé trên 1 tuổi mẹ có thể cho thêm ít hạn nêm).
- Cho thịt vào bát mang đi hấp, trong quá trình hấp mẹ có thể cho thêm ít sả để thịt được thơm.
- Thịt chín cho vào máy xay nhấp thả 3 lần.
- Cho ra chảo xao với lửa vừa (cho cả phần nước hấp thịt vào để thịt được ngọt).
- Mẹ dùng tay thử độ khô của thịt, thịt rút nước và bông ra thì tắt bếp cho vào máy xay thêm lần nữa tùy vào độ thô của bé.
- Cho lên chảo và xao với lửa nhỏ nhất đến khi thịt bông ra là có thành phẩm.
- Bảo quản ngăn mắt được 2 tuần, rất tiện cho bé ăn những lúc mẹ bận rộn.
Món 6: Ngô ngọt phô mai
Nguyên liệu:
- 60ml sữa công thức (nếu muốn vị đậm hơn thì pha lượng sữa bột gấp 2 bình thường).
- 1 lòng đỏ trứng gà ta (bé >1 tuổi thì cho cả quả).
- 1 miếng phô mai tách muối.
- Ngô ngọt tách hạt rửa sạch.
Cách làm:
- Cho ngô và sữa vào máy xay nhuyễn, lọc qua rây bỏ xác, hớt bọt khí.
- Trứng gà đánh tan.
- Cho hỗn hợp ngô + sữa công thức vào trứng.
- Khuấy nhẹ sữa + trứng theo 1 chiều cho tan rồi lọc hỗn hợp qua rây cho mịn và đem đổ vào hũ.
- Cho vào nồi và hấp cách thủy bình thường (Lưu ý hấp với lửa nhỏ, che 1 tấm khăn dưới nắp để bánh không bị rỗ hoặc hấp 5 phút thì lau nắp 1 lần).
- Hoặc mẹ có thể hấp bằng nồi cơm điện (Lúc nấu cơm chờ khi nồi cơm bật sang nút warm - ủ ấm thì cho hũ hỗn hợp vào, đợi khi cơm chín là bánh chín).
Món 7: Sữa khoai lang ngô ngọt
Nguyên liệu:
- ½ củ khoai lang
- 1/3 bắp ngô ngọt
- 100ml sữa hoặc nước lọc
Cách làm:
- Khoai hấp chín.
- Ngô ngọt tách hạt.
- Cho khoai ngô vào máy xay nhuyễn với 100ml sữa rây lại bỏ xác cho mịn.
- Cho lên bếp đun 5 – 7 phút.