Có nên xét nghiệm sàng lọc trước sinh?

Ngày 16/02/2013 04:24 AM (GMT+7)

Khám sàng lọc có ý nghĩa tích cực, tuy vậy nó cũng gây ra một số hệ lụy không mong muốn

Lo lắng vì xét nghiệm

Thảo (Hà Nội) khóc ngất khi làm xong xét nghiệm Triple test. Kết quả cho thấy em bé dương tính với down. Thảo như không tin vào tai mình, mặc dù bác sĩ nói vẫn chưa thể kết luận chính xác được, và cần chọc ối để xét nghiệm tiếp.

Thảo mang thai lần đầu, vì mong muốn con sinh ra khỏe mạnh, bình thường nên cô quyết định đến bệnh viện khám sàng lọc trước sinh. Không ngờ kết quả cho thấy độ dày da gáy của em bé khá lớn và có nguy cơ mắc hội chứng down. Thảo không biết có đủ can đảm để tiếp tục làm xét nghiệm ối không, vì cô đã mất tinh thần lắm rồi. Nếu chẳng may phải bỏ con, chắc cô không vượt qua cú sốc đó. Nhưng không xét nghiệm thì Thảo cứ khổ sở vì lo lắng cũng không ổn. Sau đó, vì mọi người can ngăn nên Thảo không chọc ối nữa. May mắn là em bé sinh ra bình thường. Vậy mà Thảo đã phải trải qua quãng thời gian thật sự khó khăn.

Có nên xét nghiệm sàng lọc trước sinh? - 1

Chỉ mới biết được kết quả Triple test thôi Thảo đã lo lắng đến cùng cực (Ảnh minh họa)

Còn Thu, dù siêu âm mọi thứ đều bình thường nhưng đi làm Triple test lại cho kết quả dương tính với dị tật khuyết ống thần kinh. Thu cũng rơi vào tâm trạng vô cùng tồi tệ, vừa lo lắng, vừa đắn đo có nên chọc ốc hay không. Nghe mọi người nói chọc ối sẽ có nguy cơ sảy thai nên Thu rất sợ. Nhưng cô lại không hề muốn con mình sinh ra là đứa trẻ không bình thường, thậm chí có thể mất con bất cứ lúc nào. Cuối cùng, cô quyết định chọc dò màng ối. Sự sợ hãi chiếc xi-lanh to với cây kim rất dài không thấm vào đâu so với những ngày mòn mỏi chờ đợi kết quả. Có lúc Thu tràn trề hi vọng, có lúc lại hoang mang đến cực độ. Dù cố giữ tinh thần thoải mái nhưng vẫn gần như suy sụp. Đến khi có kết quả, em bé hoàn toàn bình thường. Chưa kịp vui mừng thì Thu lại rơi vào lo lắng rằng tâm lí tồi tệ của cô thời gian qua có ảnh hưởng đến con. Đấy là không kể việc ăn uống thất thường khiến em bé phát triển chậm.

Rất nhiều chị em có chung tâm trạng với Thu và Thảo sau khi đi xét nghiệm sàng lọc trước sinh. Dù được bác sĩ khuyên nên giữ tinh thần thoải mái và không nên lo lắng. Tuy vậy, làm sao bình tâm được khi đứa trẻ bạn mang trọng bụng đang phải đối mặt với nguy cơ dị tật. Có nhiều bà bầu Triple test về là không ăn không ngủ được, thậm chí stress. Chọc dò màng ối có thể cho kết quả khá chính xác, tuy nhiên không phải ai cũng dám làm thủ thuật này.

Xét nghiệm sàng lọc trước sinh (Triple test) là gì?

Là xét nghiệm nhằm phát hiện các thai có nguy cơ cao bị dị tật bẩm sinh. Triple test là loại xét nghiệm sàng lọc sử dụng máu mẹ để tìm hiểu nguy cơ một số rối loạn bẩm sinh ở thai.

Sau khi làm Triple test, nếu kết quả dương tính với dị tật bẩm sinh, thai phụ thường được tư vấn làm thủ thuật chọc dò màng ối để xét nghiệm kết quả chính xác.

Lợi ích của sàng lọc trước sinh:

- Giúp thai phụ có cơ hội sinh con khỏe mạnh nhiều hơn.

- Lựa chọn ngưng thai kỳ khi phát hiện thai nhi bị dị tật bẩm sinh.

- Có kế hoạch sinh và chăm sóc trẻ bị dị tật một cách tốt nhất trong trường hợp thai phụ quyết định giữ thai.

- Giảm lo lắng về khả năng sinh con bị dị tật.

- Giảm chi phí cho gia đình và xã hội.

- Góp phần cải thiện chất lượng dân số.

Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm Triple test đôi khi chỉ mang tính tương đối. Bằng chứng là rất nhiều trường hợp thai nhi dương tính với dị tật nhưng sinh ra lại hoàn toàn bình thường, khỏe mạnh. Cũng có khi thai phụ xét nghiệm ở nhiều nơi lại cho kết quả khác nhau, thậm chí xét nghiệm cùng một nơi ở hai thời điểm cũng cho ra kết quả khác nhau. Vì thế, khi có kết quả xét nghiệm Triple test, bạn đừng quá lo lắng mà ảnh hưởng tới thai nhi. Hãy nghĩ đến thủ thuật chọc dò màng ối để có kết quả chính xác hơn. Tuy vậy, nhiều người tỏ ra lo ngại bởi thủ thuật này có thể gây ra những biến cố không mong muốn.

Những nguy cơ từ thủ thuật chọc dò màng ối

Chọc dò màng ối là xét nghiệm cho kết quả chính xác cao. Tuy nhiên, thủ thuật này có thể gây ra một số nguy cơ:

- Sảy thai: Dù nguy cơ này rất thấp, tuy nhiên đó là điều bạn hoàn toàn có thể gặp phải, nhất là khi thực hiện chọc ối trước tuần 15 của thai kì. Rất nhiều bà mẹ gặp khó khăn trong việc quyết định có chọc dò màng ối để xét nghiệm không, bởi lo lắng có thể bị mất em bé.

Có nên xét nghiệm sàng lọc trước sinh? - 2

Tỉ lệ gây sảy thai sau khi chọc dò màng ối là 1% (Ảnh minh họa)

- Chảy máu: Biến cố này khá hiếm gặp. Tuy nhiên, một số huyết cầu thai nhi có thể len lỏi vào hệ tuần hoàn của người mẹ, gây ra biến chứng cho bà mẹ có nhóm máu Rh-.

- Rò rỉ ối: Rủi ro này mặc dù ít khi xảy ra nhưng nếu thai phụ bị rỉ ối thì có thể dẫn đến tình trạng cạn ối sớm, gây nguy hiểm cho thai nhi.

- Nhiễm trùng ối: Kim chọc ối rất mảnh, nhỏ và đã được vô trùng nhưng trong quá trình đưa vào bọc ối cũng có thể mang theo một vài con vi trùng, từ đó gây ra tình trạng nhiễm trùng ối.

- Chuột rút: Một số phụ nữ có thể gặp phải tình trạng chuột rút sau khi thực hiện chọc dò ối.

- Đâm vào em bé: Trong quá trình đưa kim vào bọc ối, em bé có thể di chuyển và va vào đầu kim, gây chấn thương. Nhưng tỉ lệ này xảy ra cũng không nhiều.

Lời khuyên cho các bà bầu

Nên hay không nên làm xét nghiệm là câu hỏi khiến rất nhiều bà bầu trăn trở. Bởi vì Triple test mang lại ý nghĩa tích cực. Tuy vậy, tỉ lệ chính xác không cao nên nó cũng gây ra nhiều hệ lụy không mong muốn. Nhất là đối với những thai phụ chưa sẵn sàng tâm lí. Nhiều bà bầu sau khi đi xét nghiệm về thường thở dài “biết thế này cứ để mọi thứ tự nhiên”. Vì vậy, trừ những trường hợp sau cần thiết phải làm Triple test:

- Tiền sử gia đình có dị tật bẩm sinh.

- Thai phụ trên 35 tuổi.

- Có sử dụng thuốc hoặc các chất có thể gây hại cho thai.

- Bệnh tiểu đường và có sử dụng insulin.

- Bị nhiễm virus trong thời kỳ mang thai.

- Có tiếp xúc với phóng xạ liều lượng cao.

Còn lại, các trường hợp khác cũng nên làm xét nghiệm này. Tuy nhiên bạn cần chuẩn bị tinh thần một cách tích cực. Không nên ồ ạt đi làm xét nghiệm kiểu phong trào rồi vội suy sụp tinh thần khi kết quả không mong muốn. Tình trạng lo lắng kéo dài có thể ảnh hưởng lớn tới em bé của bạn.

Có nên xét nghiệm sàng lọc trước sinh? - 3

Rất nhiều bà bầu trăn trở có nên làm xét nghiệm sàng lọc trước sinh hay không (Ảnh minh họa)

Mẹ bầu lưu ý cần luôn giữ tâm lí thoải mái, chế độ ăn uống, làm việc, môi trường, ...khoa học là yếu tốt quan trọng hơn cả để em bé khỏe mạnh. Đừng quá phụ thuộc vào kết quả xét nghiệm. Nếu bạn phải chọc dò màng ối, hãy nghỉ ngơi vài ngày theo lời khuyên của bác sĩ. Hãy tạo cho mình một sự tin tưởng rằng mọi chuyện sẽ ổn.
Cũng cần sẵn sàng chấp nhận tình huống xấu nhất, trong trường hợp em bé chắc chắn bị dị tật bẩm sinh. Thai phụ nên nghe theo lời tư vấn của bác sĩ để có hướng xử lí hợp lí. Có hai hướng để lựa chọn. Thứ nhất là bỏ thai. Vì khi có kết quả xét nghiệm thai đã khá lớn nên cần chuẩn bị tâm lí vững vàng. Mất con là điều khó chấp nhận, nhưng hãy cân nhắc bởi chắc hẳn bạn không muốn con mình sống một cuộc sống thiếu ý nghĩa. Thậm chí, bạn sẽ đau đớn hơn rất nhiều nếu mất con khi bé được sinh ra. Cách thứ hai là tiếp tục thai kì, khi đó bạn phải chuẩn bị sẵn tinh thần để chăm sóc em bé và đối mặt với những khó khăn thực sự sau đó.

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan