Khi trẻ mắc tay chân miệng, nếu bệnh nhẹ hoàn toàn có thể chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, khi trẻ có dấu hiệu trở nặng - như sốt cao liên tục không đáp ứng thuốc, giật mình... thì cần đưa đến viện ngay để tránh biến chứng.
Theo thống kê từ Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước có 13.746 trường hợp mắc tay chân miệng. Bộ Y tế nhận định, hiện dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp và dự báo sẽ gia tăng trong thời gian tới, nhất là ở Hà Nội và TP HCM.
Tại Hà Nội, thống kê mới nhất tính đến ngày 19/4, toàn thành phố ghi nhận 186 ca mắc tay chân miệng, tăng 25 ca so với tuần trước. Bệnh nhân phân bố tại 26 quận, huyện, thị xã. CDC Hà Nội nhận định, hiện thành phố bước vào đỉnh dịch tay chân miệng chu kỳ lần một, thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhận ca bệnh và ổ dịch.
Còn tại TP HCM, đến giữa tháng 4 đã ghi nhận 287 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng 87% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2024 đến giữa tháng 4 là 2.289 ca.
Chú ý dấu hiệu trở nặng để đưa trẻ đến viện kịp thời
TS.BS Đỗ Thiện Hải - Phó giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus đường ruột nhóm Enterovirus gây ra. Bệnh dễ lây truyền từ người sang người theo đường tiêu hóa, đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết mũi họng, dịch nốt phỏng vỡ (do virus ở trong phân, dịch hắt hơi, dịch sổ mũi, nước hoặc thực phẩm bị nhiễm bệnh, đồ chơi, môi trường tiếp xúc,...).
Trẻ mắc tay chân miệng do EV71 gây nên thường có diễn biến nặng. Ảnh: Lê Phương.
Hai nhóm tác nhân gây bệnh tay chân miệng thường gặp là Coxsackie virus A16 (CA16) và Enterovirus 71 (EV71). Trong đó, chủng virus EV71 thường sẽ có diễn biến nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn. Với các trường hợp diễn biến nặng, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong.
Theo bác sĩ Hải, dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da, chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Với những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, phụ huynh có thể chăm sóc tại nhà.
Tuy nhiên, khi trẻ có những dấu hiệu dưới đây thì cần đưa đến viện ngay, tránh nguy cơ trở nặng, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng:
- Sốt cao không đáp ứng với điều trị: Trẻ sốt trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ sốt.
- Giật mình: Đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Cha mẹ chú ý quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.
- Quấy khóc dai dẳng: Trẻ có thể quấy khóc nhiều, quấy khóc cả đêm không ngủ (trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc 15-20 phút rồi ngủ tiếp).
- Một số dấu hiệu khác: Khó thở, nôn nhiều, nôn khan, khó nuốt, yếu chân tay, đi loạng choạng…
Khi trẻ mắc tay chân miệng có triệu chứng giật mình, sốt cao cần sớm đưa đến viện. Ảnh minh họa.
Chăm sóc trẻ mắc tay chân miệng thế nào?
Thạc sĩ Đỗ Thị Thuý Hậu - Điều dưỡng trưởng Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, khi trẻ bị tay chân miệng, việc chăm sóc đúng cách rất quan trọng, vừa giúp hạn chế trẻ bị biến chứng, vừa giảm nguy cơ lây lan bệnh ra trường học hoặc cộng đồng.
Dưới đây là hướng dẫn của thạc sĩ Thúy Hậu về cách chăm sóc trẻ mắc tay chân miệng:
1. Cách ly và kiểm soát tình trạng sốt của trẻ
- Khi trẻ mắc tay chân miệng, gia đình nên cho trẻ cách ly ở nhà trong 10-14 ngày đầu của bệnh, đồng thời báo ngay cho trường học, nhà trẻ hoặc cơ quan y tế gần nhất để có phương án vệ sinh các bề mặt, dụng cụ mà trẻ từng tiếp xúc, cũng như theo dõi sức khoẻ của các bé đã tiếp xúc với trẻ.
- Nơi ở của trẻ cần thông thoáng, sạch sẽ, có ánh nắng mặt trời.
- Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ, cha mẹ chườm ấm ở cổ, nách, bẹn kết hợp cho trẻ uống thuốc hạ sốt thành phần Paracetamol 10-15mg/kg cách 4-6 giờ/lần, 1 ngày không quá 4 lần. Nếu trẻ vẫn sốt cao liên tục thì dùng Ibuprofen 5-10mg/kg/lần xen kẽ với Paracetamol (Ibuprofen cần uống theo chỉ định của bác sĩ).
Lưu ý: Để tránh trẻ bị nhiễm lạnh dẫn đến viêm phổi, cha mẹ chú ý không làm ướt quần áo của trẻ khi chườm ấm.
- Cho trẻ uống dung dịch Oresol theo nhu cầu để đảm bảo cân bằng nước và điện giải (Oresol cần được pha đúng liều lượng in trên bao bì).
Vệ sinh cá nhân cho trẻ mắc tay chân miệng rất quan trọng để tránh bị nhiễm khuẩn. Ảnh minh họa.
2. Vệ sinh cơ thể, chăm sóc da đúng cách
- Vệ sinh răng miệng cho trẻ bằng dung dịch NaCl 0,9% hoặc pha nước ấm với muối (1 muỗng 5g muối pha với 240ml nước ấm). Với trẻ lớn có thể nuốt: Cho trẻ tự xúc miệng. Với trẻ nhỏ: dùng tay quấn gạc mềm vệ sinh răng, góc má, lưỡi nhẹ nhàng tránh làm tổn thương niêm mạc miệng.
- Bôi Glycerin borat, Zytee,…vào vết loét miệng 3 lần/ngày, trước khi ăn từ 30p đến một tiếng.
- Vệ sinh thân thể: Tắm cho trẻ hàng ngày bằng xà phòng sát khuẩn hoặc nước sạch, sau khi tắm bôi Betadin 3% đề phòng nhiễm trùng da.
Lưu ý: Cha mẹ cần chú ý tắm cho trẻ nhẹ nhàng, không kỳ cọ mạnh, không chọc vỡ hay đắp lá lên nốt phỏng.
- Cắt móng tay cho con để trẻ không gãi mạnh làm vỡ các nốt phỏng nước, gây nhiễm trùng.
3. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ
- Nếu trẻ còn bú: Tiếp tục cho ăn sữa mẹ (vắt sữa đổ thìa khi trẻ đau miệng không bú được).
- Trẻ lớn: Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu như súp, cháo. Nên cho trẻ ăn làm nhiều bữa nhỏ.
- Không nên cho trẻ ăn đồ cay, nóng, cứng.
Trẻ mắc chân tay miệng cần cho ăn đồ mềm, lỏng để dễ nuốt và tiêu hóa. Ảnh minh họa.
4. Theo dõi sát diễn biến bệnh của trẻ
Bệnh tay chân miệng có nhiều biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh trong vòng vài giờ. Do đó, khi trẻ được điều trị bệnh tại nhà, ngoài việc chăm sóc và cho trẻ uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ thì cha mẹ cần theo dõi sát diễn biến bệnh. Khi trẻ có các dấu hiệu trở nặng như đã nói trên cần nhanh chóng đưa ngay đến cơ sở y tế để được điều trị.
Cuối cùng, thạc sĩ Thúy Hậu nhấn mạnh, hiện bệnh tay chân miệng chưa có vắc xin phòng ngừa đặc hiệu. Vì vậy, phòng lây nhiễm là rất quan trọng nhằm hạn chế tối đa tiếp xúc giữa trẻ bệnh và trẻ lành, vệ sinh tay thường xuyên khi chăm sóc trẻ, vệ sinh đồ chơi và dụng cụ dùng chung.