Học hỏi chế độ ăn chuẩn của mẹ bầu Việt ở Hàn Quốc

Ngày 08/12/2014 13:46 PM (GMT+7)

Ăn thành nhiều bữa, ăn đủ chất, tránh ăn quá no và đồ ăn nhiều gia vị, uống nhiều nước... là những bí quyết giúp mẹ Minh Hoàng luôn khỏe suốt thai kỳ.

Cho đến thời điểm hiện tại khi đã mang bầu tuần 37 nhưng mẹ Minh Hoàng (sinh sống tại Mokpo, Hàn Quốc) mới chỉ tăng 11kg. Chia sẻ về chế độ ăn uống trong thai kỳ, bà mẹ 27 tuổi cho biết: "Tuy không có 1 chế độ dinh dưỡng quá cụ thể nhưng mình cũng được các bác sĩ hướng dẫn rằng không cần ăn quá nhiều lượng, chỉ ăn vừa đủ nhưng quan trọng là thực phẩm đa dạng, lành mạnh và đủ chất."

Khi mang thai, do thời gian đầu chị bị ốm nghén, sụt cân nên có tìm mua sữa bầu ở Hàn Quốc nhưng bà bầu Minh Hoàng cho biết một điều lạ là ở đây không nơi nào bán. Sau đó chị có được bác sĩ tư vấn rằng ở Hàn Quốc không khuyến cáo thai phụ dùng sữa bầu vì có 1 số nghiên cứu cho hay mẹ uống sữa bầu bé đẻ ra sẽ có nguy cơ mắc 1 số bệnh về da. Lúc đó bác sĩ có khuyên chị nên uống nhiều nước, sữa tươi và các loại nước hoa quả, thậm chí đôi lúc có thể nuông chiều bản thân 1 chút bằng việc ăn vài miếng gà rán và uống 1 cốc coca-cola để kích thích vị giác.

Học hỏi chế độ ăn chuẩn của mẹ bầu Việt ở Hàn Quốc - 1
Dù đã mang thai những tuần cuối thai kỳ nhưng mẹ Minh Hoàng mới chỉ tăng 11kg.

Bà bầu xinh đẹp này cũng chia sẻ nhiều điều thú vị về thai kỳ, về vấn đề khám thai ở Hàn Quốc cũng như chế độ thai sản ở xứ sở Kim chi này.

Kỹ thuật khám thai ở Hàn Quốc rất hiện đại

Bạn có thể giới thiệu một chút về bản thân được không?

Mình là Minh Hoàng, 27 tuổi, hiện đang học thạc sĩ chuyên ngành Logistics Quốc Tế tại trường ĐH Hàng Hải Quốc Gia Mokpo, Hàn Quốc. Anh xã mình là giảng viên trường ĐH Hàng Hải Việt Nam và cũng đang làm nghiên cứu sinh bên này, bọn mình dự định cùng tốt nghiệp vào tháng 8 năm tới.

Tháng 3 năm 2013 mình trúng học bổng một giáo sư ngành kinh tế và bắt đầu sang học cùng chồng. Thời gian đầu do mới bắt đầu cuộc sống gia đình nhỏ, còn khá nhiều bỡ ngỡ nên mình cũng muốn tìm hiểu thêm kinh nghiệm cuộc sống cũng như chính sách dịch vụ thai sản, chăm sóc em bé bên này rồi mới quyết định có con, khi cả hai đã sẵn sàng về cả tâm và sinh lý. Hiện mình đang ở tuần thai thứ 37, dự sinh bé vào Noel, lúc đó hai vợ chồng cũng đã gần hoàn tất khóa học, chỉ còn tập trung vào luận văn nên chắc sẽ có thể dành nhiều thời gian hơn với con.

Tính tới thời điểm hiện tại, vợ chồng bạn đã định cư ở Hàn Quốc được bao lâu rồi?

Chồng mình đã sinh sống và học tập tại Hàn Quốc được 4 năm còn mình được gần 2 năm. Hai vợ chồng đều là lưu học sinh.

Học hỏi chế độ ăn chuẩn của mẹ bầu Việt ở Hàn Quốc - 2
Hai vợ chồng chị đã chuẩn bị sẵn sàng để sinh con ở Hàn Quốc.

Có thai ở xứ người, bạn có lo lắng nhiều không và việc khám thai ở đây có khác gì nhiều so với ở Việt Nam?

Lúc biết tin có thai, cảm giác trước nhất và duy nhất phải nói đến là hạnh phúc, đến nỗi mình đã thử 5 que thử thai chỉ để xác nhận là mình đã mang một sinh linh bé bỏng trong bụng. Vì gia đình ở Việt Nam đã có rất nhiều anh chị em có cháu, bạn bè bằng tuổi mình thậm chí đã có bé thứ hai, bên này mình cũng có vài người bạn nước ngoài đang học tập và sinh bé cùng lúc nên cũng được nhiều kinh nghiệm truyền lại từ mọi người. Biết là còn nhiều khó khăn vì không có bố mẹ gia đình sát cánh bên cạnh nhưng được cái 2 vợ chồng tâm lý luôn thoải mái, không âu lo, xác định tư tưởng có vấn đề gì sẽ bình tĩnh cùng nhau giải quyết nên hầu như trong suốt quá trình bầu bí trong nhà toàn tiếng cười. Hy vọng bé nhà mình sinh ra cũng hay cười, vui vẻ như bố mẹ. Và qua tìm hiểu cũng như kinh nghiệm được biết công nghệ và dịch vụ y tế của Hàn Quốc rất hiện đại nên bọn mình khá tự tin khi quyết định mang thai và sinh bé tại đây.

Về việc khám thai, mình đăng ký tại 1 bệnh viện uy tín của thành phố và theo khám 1 bác sĩ. Thời gian đầu lịch khám thường là 1 tháng hoặc 5 tuần 1 lần, sau giảm xuống 3 tuần rồi 2 tuần 1 lần, gần ngày sinh lịch thăm khám sẽ còn dày hơn. Thông thường nội dung khám thai gồm có cân đo chỉ số của bà bầu (cân nặng, huyết áp, đến lịch sẽ thử máu, thử nước tiểu....), tiếp đến là siêu âm và "giao lưu giữa thai phụ - bác sĩ" (phần này bác sĩ sẽ dành thời gian để trả lời câu hỏi của mình, giải thích 1 số vấn đề về chỉ số sau siêu âm cũng như đưa ra lời khuyên về dinh dưỡng và sinh hoạt).

Thông tin của thai phụ và em bé được lưu vào hệ thống phần mềm nên các bác sĩ luôn nắm được tình hình của mẹ và bé nhất quán xuyên suốt quá trình để có những lời khuyên hợp lý. Bệnh viện bên này trang trí nội thất rất ấm cúng, y tá bác sĩ quan tâm nhiệt tình, họ còn phát 1 quyển sổ nhật ký bé yêu vô cùng xinh xắn để ghi chi tiết thông tin bé, dán ảnh bé từng giai đoạn, và các mẹ còn được cài 1 phần mềm vào máy điện thoại để tải video siêu âm mỗi lần cũng như cập nhật các thông tin tiện ích liên quan.

Ngoài ra, tất cả thông tin về kết quả xét nghiệm máu của mình đều được lưu vào hệ thống phần mềm nên bệnh nhân có thể yêu cầu bệnh viện in bất kể kết quả xét nghiệm nào mình cần để sử dụng tại bệnh viện khác. Mình thấy đây là điểm rất tiến bộ của 1 đất nước văn mình và công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nhiều thời gian và tiền bạc cho bệnh nhân.

Học hỏi chế độ ăn chuẩn của mẹ bầu Việt ở Hàn Quốc - 3
Trong suốt thai kỳ, chị Minh Hoàng chủ yếu uống sữa tươi và ăn nhiều hoa quả, rau xanh.

Học hỏi chế độ ăn chuẩn của mẹ bầu Việt ở Hàn Quốc - 4
Hình ảnh được chụp khi Minh Hoàng mang thai tháng thứ 9.

Còn về những khó khăn?

Duy chỉ có 1 vấn đề mà mình nghĩ bà bầu nào cũng gặp phải đó là giai đoạn nghén ngẩm, mà khi nghén thì thường chỉ thèm những đồ không có sẵn. Mình ở Hàn Quốc nên hay thèm đồ ăn (vặt) ở Việt Nam, đặc biệt là đợt hè mùa vải, nhãn, chôm chôm... nở rộ thì đúng là cực hình với mẹ bầu. Nhưng đấy cũng là 1 cái hay để 2 vợ chồng tự vận động, thử tài làm "Master Chef" chế ra nhiều món giống ở nhà với những nguyên liệu hạn chế bên này. Dù cũng khá nhiều lần thất bại nhưng cũng là những kỷ niệm khó quên đối với 2 vợ chồng trẻ.

Ở Hàn Quốc không có sữa bầu

Quyết định ở lại Hàn Quốc sinh con, vợ chồng bạn có nhận được sự hỗ trợ của người thân không hay hai vợ chồng tự chăm sóc bé?

Trong suốt quá trình mang thai, người luôn bênh cạnh trực tiếp chăm sóc và "đáp ứng" các nhu cầu từ A-Z của mẹ và bé thì chỉ có anh xã của mình. Từ việc đưa đón, dọn nhà, nấu ăn khi vợ mệt, đến cắt móng chân, gội đầu, làm chỗ dựa "vật lý" cho vợ đứng dậy khi bụng vợ đã to, rồi thì giải quyết nhu cầu thèm bánh ngọt của mẹ và bé lúc nửa đêm... tất cả chồng mình đều đã lo được hết dù công việc nghiên cứu cùng công tác hoạt động tập thể cộng đồng bên này lúc nào cũng bận rộn. Có vẻ  hơi là "tự sướng" nhưng mình cảm thấy thật sự may mắn và biết ơn vì có được người chồng biết quan tâm chăm sóc và yêu thương vợ như anh.

Bố mẹ 2 bên ở nhà cũng rất thương con, thỉnh thoảng lại nhờ bạn bè gửi được sang 1 ít đồ để bà bầu ăn cho đỡ thèm. Nhưng sự hỗ trợ lớn lao nhất vẫn là hỗ trợ về tinh thần và tình thương cũng như sự động viên từ gia đình ở nhà. Hàng ngày ông bà vẫn gọi điện hỏi thăm tình hình 2 con và cháu. Mỗi khi nghe ông bà gọi điện, bé nhà mình còn đạp mạnh đầy phấn khích. Mình cảm tưởng nhiều lúc ông bà còn mong cháu hơn cả vợ chồng mình. Đợt tới mẹ chồng mình có sang chơi và thăm cháu, ông ngoại cũng muốn sang nên các ông bà đã định ngày sang lần lượt để có nhiều thời gian với cháu hơn.

Dù đã mang bầu tháng cuối rồi nhưng nhìn bạn vẫn khá gọn gàng, bạn tăng bao nhiêu cân rồi?

Trước khi có bầu mình được 50kg. Do bị nghén khá nặng nên trong 3 tháng đầu mình bị sụt 2 kg, sau đó đã dần lấy lại được phong độ và giờ đang giữ ở mức 61 kg.

Học hỏi chế độ ăn chuẩn của mẹ bầu Việt ở Hàn Quốc - 5
Hình ảnh được chụp khi mẹ Minh Hoàng mang thai tháng thứ 7.

Học hỏi chế độ ăn chuẩn của mẹ bầu Việt ở Hàn Quốc - 6

Chế độ ăn trong thai kỳ của bạn như thế nào để không tăng cân quá nhiều? Các bác sĩ ở đây có hướng dẫn tỉ mỉ về chế độ ăn uống trong thai kỳ không?

Giai đoạn đầu bị nghén mình không ăn được nhiều nên có đi tìm mua sữa bầu về uống nhưng không thấy ở đâu bán. Mình hỏi bác sĩ và được tư vấn là ở Hàn Quốc không khuyến cáo thai phụ dùng sữa bầu vì có 1 số nghiên cứu cho rằng mẹ uống sữa bầu bé đẻ ra sẽ có nguy cơ mắc 1 số bệnh về da. Lúc đó bác sĩ có khuyên mình nên uống nhiều nước, sữa tươi và các loại nước hoa quả, thậm chí đôi lúc có thể nuông chiều bản thân 1 chút bằng việc ăn vài miếng gà rán và uống 1 cốc coca-cola để kích thích vị giác.

Tuy không có 1 chế độ dinh dưỡng quá cụ thể nhưng mình cũng được hướng dẫn không cần ăn quá nhiều lượng, chỉ ăn vừa đủ nhưng quan trọng là thực phẩm đa dạng, lành mạnh và đủ chất (rau lá xanh, củ quả, thịt, cá, trứng, sữa). Bác sĩ sẽ dựa trên cân nặng của mẹ và các chỉ số của bé để hướng dẫn mẹ bầu điều chỉnh chế độ dinh dưỡng. Đặc biệt là các tháng cuối nếu bé có nguy cơ phát triển vượt trội thì mẹ nên giảm tối đa các đồ ăn ngọt, không ăn đồ ăn nhanh. Ở các tuần thai đầu tiên bác sĩ kê đơn bổ sung viên axit folic, từ tháng thứ 5 là bổ sung viên sắt và vitamin tổng hợp cho đến cuối thai kỳ.

Lịch trình ăn uống của mình 1 ngày thường bao gồm 6 bữa nhỏ: 

- Ăn sáng 

- Uống sữa tươi và ăn hạt khô (Nho khô, óc chó, hạt hạnh nhân....) 

- Ăn trưa 

- Ăn hoa quả và hạt khô

- Ăn tối

- Uống sữa 

Bữa ăn của người Hàn thường ít rau xanh theo kiểu rau luộc như ở Việt Nam mà chủ yếu là rau kim chi và hầm trong canh. Vì 2 vợ chồng phải học tập nghiên cứu tại trường từ sáng tới tối nên hai bữa chính thường phải ăn tại canteen của trường, nên mình thường phải bổ sung thêm rau xanh mang đến trường hoặc ăn thêm ở nhà. Buổi sáng nếu không ăn cơm hoặc nấu phở, bánh đa, mình thường ăn cháo yến mạch nấu rau củ và trứng hoặc thịt - món này vừa dễ tiêu, nhiều chất xơ mà lại đủ chất. Sữa tươi của Hàn rất sẵn và ngon nên mình luôn giữ thói quen uống sữa hàng ngày. Mình không ăn nhiều tinh bột (cơm) vì bà bầu không thể ăn nhiều lượng tại 1 thời điểm nên nếu ăn no cơm thì dạ dày sẽ không còn chỗ chứa cho các món khác (rau, thịt, cá...).

Học hỏi chế độ ăn chuẩn của mẹ bầu Việt ở Hàn Quốc - 7
Cặp vợ chồng trẻ đang mong chờ đón con yêu đầu lòng vào dịp Noel tới.

Học hỏi chế độ ăn chuẩn của mẹ bầu Việt ở Hàn Quốc - 8

Bạn có lời khuyên gì với các mẹ bầu để có chế độ ăn uống phù hợp nhất?

Vẫn là những lời khuyên "kinh điển" với các bà bầu: Ăn thành nhiều bữa, không cần tăng nhiều lượng, tránh ăn quá no và đồ ăn nhiều gia vị vì dễ gây ợ, ăn đủ chất, đồ ăn lành mạnh, ăn nhiều rau xanh hoa quả, uống vitamin và đặc biệt là uống nhiều nước để chống táo bón.

Không tăng cân quá nhiều, có một thai kỳ khỏe mạnh vậy bạn có áp dụng chế độ tập luyện thể thao nào riêng biệt không?

Trước khi mang thai 2 vợ chồng mình chủ động chăm sóc sức khỏe để sẵn sàng mang bé. Thỉnh thoảng 2 vợ chồng leo núi vì núi ở ngay cạnh trường học, và thường xuyên chạy bộ. Sau khi mang bầu thì chuyển sang đi bộ. Ở bên Hàn việc di chuyển cũng chủ yếu nhờ đi bộ và phương tiện công cộng nên chân mình thường xuyên được rèn luyện 1 cách chủ động cũng như thụ động.

Trong tuần do buổi sáng phải đi làm sớm ở văn phòng trường, chiều lại ở thư viện đến muộn mới về nhà nên mình không có nhiều thời gian cho các bài thể dục đầy đủ cho bà bầu. Tuy nhiên vì làm việc nhiều trước máy tính nên mình cũng tích cực nghỉ giải lao vận động nhẹ nhàng sau 1 thời gian nhất định. Lúc ngồi làm việc cũng như đi ngủ đều có ghế/ gối để kê chân ngay từ những tháng bầu bí đầu tiên. Trước khi ngủ thì chồng thường đấm bóp cho vợ đỡ mỏi. Có thể vì thế mà đến giờ ngoài việc bị rạn da và em bé ngày càng nặng chèn lên xương chậu làm mẹ không đi lại nhanh được như trước thì hầu như mình không bị vấn đề gì về sức khỏe. 

Xin hỏi, một em bé chào đời ở Hàn Quốc có nhận được trợ cấp đặc biệt gì từ chính phủ không?

Chồng mình có đăng ký bảo hiểm (bắt buộc đối với mọi cá nhân sinh sống tại Hàn Quốc) National Health Insurance và với bảo hiểm này, những người trong gia đình có thể dùng chung, chi phí đóng tiền hàng tháng chỉ phải trả cho 1 cá nhân. Khi có chứng nhận mang thai, mình có thể đến đăng ký tại ngân hàng Shinhan để nhận 1 thẻ tín dụng dành cho bà bầu (Mom Card) trong đó đã có sẵn 500,000 won (khoảng hơn 10 triệu VNĐ) được nhà nước hỗ trợ để chi trả trong suốt quá trình mang thai tại bệnh viện mà mình đăng ký. Khi có bảo hiểm thì mọi chi phí tại bệnh viện đều được chiết khấu, thuốc (vitamin) được bác sĩ kê đơn đều có thể mua với giá rẻ tại hiệu thuốc của bệnh viện. Trong quá trình nằm viện khi sinh, nếu nằm phòng 6 người sẽ được miễn phí tiền phòng (phòng yêu cầu sẽ phải trả phí). Mẹ và bé còn được bệnh viện phát thẻ miễn phí để chụp ảnh bầu và ảnh bé.

Cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện này!

Thái Nam
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu