Ăn đủ, tăng cân vừa phải, khám thai định kỳ… là những việc mẹ nên làm để đảm bảo một thai kỳ hoàn hảo nhất.
Mẹ bầu ăn quá nhiều đặc biệt là ăn cho 2 người không những không tốt mà thậm chí còn gây hại cho sức khỏe thai kỳ. (Ảnh minh họa)
Ăn đủ
Kết quả các nghiên cứu mới đây đều chỉ ra rằng mẹ bầu ăn quá nhiều đặc biệt là ăn cho 2 người không những không tốt mà thậm chí còn gây hại cho sức khỏe thai kỳ. Vì vậy, có được một chế độ ăn uống cân bằng là chìa khóa vàng cho thai kỳ khỏe mạnh và em bé phát triển tốt.
Mẹ bầu lưu ý nên tránh thức ăn có dầu mỡ, được chế biến sẵn và nên ăn nhiều rau xanh, củ quả để giảm bớt cơn thèm ăn. Mẹ cũng lưu ý không nên ăn quá nhiều đồ ngọt, bánh kẹo để tránh nguy cơ bị tiểu đường. Ăn uống lành mạnh cũng giúp em bé nhận được đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết.
Cần có kế hoạch trước khi mang bầu
Cũng giống như một chiến lược trước khi làm việc gì để có được thành công, một thai kỳ khỏe mạnh cũng cần có một kế hoạch trước. Mẹ nên khám sức khỏe sinh sản, bổ sung đầy đủ thuốc bổ, vitamin đặc biệt là axit folic trước khi mang bầu 3-6 tháng để chuẩn bị cơ thể tốt nhất để thụ thai.
Khám thai đều đặn
Trước và trong thai kỳ, mẹ cần lưu ý khám thai đều đặn theo lịch của bác sĩ. Việc khám sức khỏe đều đặn sẽ giúp bác sĩ kịp thời phát hiện những vấn đề xấu và có cách chữa trị kịp thời. Chị em cũng lưu ý chọn bác sĩ sản uy tín sẽ giúp đảm bảo bạn có thai kỳ khỏe mạnh.
Nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo
Việc đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh cũng cần đòi hỏi mẹ có một sự hiểu biết nhất định về những điều có hai hoặc nguy hiểm cho cơ thể khi mang bầu. Khi bạn mang thai, những dấu hiệu như đau đầu, chảy máu âm đạo hay đau lưng cũng cần phải để ý và hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa.
Khám thai đều đặn sẽ giúp mẹ đảm bảo có thai kỳ khỏe mạnh. (ảnh minh họa)
Tập thể dục nhẹ nhàng
Không phải dùng hết sức mình để tập luyện nhưng các bác sĩ chuyên khoa luôn khuyên mẹ bầu nên dành 30 phút mỗi ngày để luyện tập thể thao. Những bài tập nhẹ nhàng cho cơ bắp sẽ giúp mẹ có thai kỳ khỏe mạnh, sinh nở dễ dàng và giảm các triệu chứng như ốm nghén, buồn nôn, táo bón hay đau nhức cơ thể…
Tránh bị ngã hoặc chấn thương
Bị ngã hoặc chấn thương có thể khiến mẹ bầu gặp nguy cơ xấu, thậm chí là sảy thai, mất con. Vì vậy trong thời gian mang thai, mẹ cần lưu ý cẩn thận khi đi lại để hạn chế nguy cơ này. Hãy thận trọng với các bề mặt trơn trượt và nhớ thắt dây an toàn khi ngồi trên xe.
Không tăng cân quá nhiều
Như đã nói ở trên, việc ăn cho 2 người có thể khiến mẹ và bé gặp nhiều vấn đề như béo phì, sinh con nhẹ cân hoặc dễ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Một phụ nữ có cân nặng bình thường chỉ nên tăng từ 11-14kg khi mang thai là đủ.
Tạo tinh thần thoải mái
Khi mang bầu, tâm lý chị em thay đổi nhiều khiến mẹ dễ nhạy cảm hơn với mọi việc và dễ dẫn đến cảm giác tủi thân hay căng thẳng. Chị em nên chia sẻ với bạn đời về những khó khăn gặp phải hay cùng nhau chia sẻ công việc gia đình. Ngoài ra mẹ cũng nên hạn chế căng thẳng trong cuộc việc và cuộc sống, cố gắng tạo tinh thần thoải mái nhất sẽ giúp thai kỳ khỏe mạnh hơn.