Bạn đã bước vào tháng cuối thai kỳ, đã đến lúc phải chuẩn bị sẵn sàng cho việc đón thêm một thành viên mới trong gia đình thôi!
Những việc cần làm dưới đây sẽ giúp chị em không phải bối rối khi đi sinh nở:
Chuẩn bị sẵn thức ăn
Rất nhiều chị em đã từng sinh nở chia sẻ kinh nghiệm nên chuẩn bị sẵn đồ ăn trước những ngày chuẩn bị đi đẻ. Như thế, đến lúc bạn rời viện sẽ có sẵn đồ ăn trong nhà, chồng hoặc người thân chỉ cần hâm nóng lại là được.
Những tuần cuối thai kỳ, chị em còn thời gian rảnh rỗi thì nên rửa sẵn các loại rau có thể để lâu ngày (các loại củ quả), và chế biến sẵn các món ăn rồi để đông. Bạn cần biết rằng, sau sinh nở bạn sẽ rất bận rộn với con. Đồng thời lúc ấy sức khỏe của bạn cũng chưa đủ ổn định để đứng bếp. Chồng bạn lại là người không giỏi nấu nướng hoặc phải đi làm thì việc chỉ cẩn hâm lại thức ăn sẽ rất tiện lợi đấy. Ngoài ra, chị em cũng cần kiểm tra kỹ xem trong nhà đã đủ các loại thực phẩm cần thiết như gạo, mì tôm, và các loại thức ăn đóng hộp chưa nhé!
Nên chuẩn bị sẵn đồ ăn cho gia đình trước những ngày chuẩn bị đi đẻ. (ảnh minh họa)
Tìm bác sĩ sản khoa
Hãy hỏi những người thân và bạn bè để tìm cho riêng gia đình bạn một bác sĩ khoa sản có tay nghề. Đó cũng có thể là bác sĩ đã khám thai cho bạn trong suốt thời gian qua. Lên lịch để gặp gỡ bác sĩ đồng thời lên kế hoạch chi tiết về ca sinh nở sắp tới của bạn. Bạn cũng nên hỏi thêm về việc chăm sóc trẻ sơ sinh sau khi chào đời để có những kiến thức nhất định chăm bé sau sinh. Hãy nhớ lưu lại số điện thoại của bác sĩ để dùng khi có việc cần các mẹ nhé.
Lên kế hoạch về giấc ngủ
Chăm trẻ sơ sinh sẽ rất vất vả và bận rộn. Bé lại có giờ giấc ngủ thất thường chứ không thể ngủ cả đêm như người lớn. Chính vì vậy vợ chồng bạn nên dọn sẵn một chiếc giường ở phòng khác để nghỉ ngơi và thay nhau chăm sóc bé. Bạn có thể kê thêm một chiếc giường gấp ngoài phòng khách hoặc trong phòng ngủ của bé lớn để có những giấc ngủ tranh thủ sau những giờ chăm con mệt mỏi.
Việc có em bé ra đời sẽ khiến nhiều trẻ lớn có tâm lý bị bỏ rơi. (ảnh minh họa)
Giúp bé lớn ổn định tâm lý
Việc có em bé ra đời sẽ khiến nhiều trẻ lớn có tâm lý bị bỏ rơi. Chính vì vậy, trước những ngày sinh nở, người mẹ nên dành nhiều thời gian để trò chuyện với con. Hãy chia sẻ thật nhiều với bé về em bé sắp chào đời để gắn kết tình cảm giữa các con. Các mẹ hãy nhờ đừng bao giờ bỏ rơi bé lớn nhé!
Chuẩn bị cho việc nuôi con bằng sữa mẹ
Nuôi con bằng sữa mẹ không hề dễ dàng như các mẹ nghĩ đâu nhé. Việc này cần được chuẩn bị kỹ càng ngay từ trước khi sinh nở. Trước tiên bạn cần tham gia một lớp học tiền sản về cách cho con bú và massage ngực trong thai kỳ. Sau đó, hãy chuẩn bị thêm những dụng cụ hỗ trợ việc nuôi con bằng sữa mẹ như máy hút sữa, máy hâm sữa, bình sữa… khi bạn ra ngoài hoặc phải đi làm sau này.
Nuôi con bằng sữa mẹ không hề dễ dàng như các mẹ nghĩ đâu nhé. (ảnh minh họa)
Tìm người giúp việc
Nếu không nhận được sự hỗ trợ từ ông bà nội, ngoại, chắc chắn bạn sẽ phải tìm người giúp việc để bế bé giúp bạn nhất là khi bạn đi làm trở lại. Hãy liên hệ với những người thân và bạn bè để tìm được người giúp việc khéo léo và đủ tin tưởng.
Sữa công thức
Bạn không thể chắc chắn rằng mình sẽ có sữa đều đặn hoặc bạn có thể đi cả ngày mà không kịp hút sữa để lại cho con, lúc này bé sẽ cần đến sữa công thức để ăn bù. Thêm nữa, sau sinh nở các mẹ thường không có sữa ngay và bạn sẽ phải cho con ăn sữa công thức 1-2 ngày đầu. Vì vậy, hãy chuẩn bị một hộp sữa công thức và mang theo khi đi đẻ nhé.
Khoảng 1 tháng trước ngày dự sinh, các mẹ cần chuẩn bị sẵn sàng những dụng cụ mang theo khi đi đẻ. (ảnh minh họa)
Chuẩn bị sẵn túi đồ đi sinh
Khoảng 1 tháng trước ngày dự sinh, các mẹ cần chuẩn bị sẵn sàng những dụng cụ mang theo khi đi đẻ, bao gồm quần áo, đồ đạc cho cả hai mẹ con. Ngoài đồ đạc, chị em nên mang theo thẻ bảo hiểm, chứng minh nhân dân… để làm thủ tục khi nhập viện. Máy ảnh và điện thoại cũng rất cần thiết đấy nhé.