Nhiều mẹ bầu thường đùa nhau về thứ tự xếp hạng những thứ cần mang theo khi vượt cạn. Và top 1 trong số những điều đó ai cũng phải bật cười vì đúng là chân ái.
Người ta thường nói “cửa sinh là cửa tử” nhằm khẳng định những nguy hiểm rình rập trong mỗi lần sinh con mà các bà mẹ phải đối diện. Hơn nữa, trong quá trình sinh con, cơ thể còn yếu ớt, mệt mỏi, nếu có người thân ở bên cạnh chăm sóc, động viên, sản phụ sẽ nhanh chóng hồi phục. Đó cũng chính là lý do trước mỗi cuộc vượt cạn, các mẹ bầu thường cố gắng sắp xếp để thời gian này có người thân ở bên cạnh phụ giúp.
Mới đây, trên một group, bà mẹ giấu tên đăng câu hỏi vui “lúc đi đẻ, ai là người bên cạnh chị em vậy?”. Câu hỏi tưởng chừng đơn giản thế nhưng đã nhận về vô số bình luận, điều đáng nói, đa phần các bình luận đều khẳng định: người không thể thiếu khi vượt cạn đó là mẹ đẻ. Tiếp theo trong danh sách là chồng và những người thân khác.
Lúc vượt cạn, mẹ bầu rất cần có người thân ở bên.
Hiếm hoi trong số đó một số mẹ bầu kể về kỷ niệm đi sinh khi cả gia đình nội ngoại 2 bên đều có mặt đông đủ. “Chồng, bố mẹ đẻ, mẹ chồng và 2 bác của tôi. Từ phòng mổ cấp cứu ra vẫn còn hôn mê nhưng vẫn nghe chị y tá nói người nhà em xếp hàng dài ngoài kia đợi em ra”; “chồng với mẹ ruột, còn bố mẹ chồng thì nấu đồ ăn mang lên, mang những gì cần thiết cho tôi”… Một vài ý kiến hài hước khẳng định “lúc đi đẻ người bên cạnh tôi có bác sĩ, y tá này, còn người thân bận đứng ngoài đợi”.
Bình luận trả lời câu hỏi “lúc đi đẻ, ai là người bên cạnh?”.
Có thể thấy, tâm lý của nhiều mẹ bầu trước cuộc vượt cạn luôn mong muốn ngoài chồng có mẹ đẻ bên cạnh. Thậm chí, trên mạng xã hội từng truyền tai nhau câu nói vui rằng điều quan trọng cần mang theo nhất khi đi đẻ chính là “bà ngoại”. Tuy nhiên, dù là mẹ chồng hay mẹ đẻ, việc có người thân bên cạnh chăm sóc, quan tâm trong giai đoạn này đều rất quan trọng. Lý do được đưa ra vì thời điểm này sức khỏe sản phụ còn yếu, chưa thể tự chăm con. Đặc biệt đối với những sản phụ sinh mổ. Trong khi đó, các ông chồng thường vụng về, nhất là với những người lần đầu làm bố. Bởi vậy, sự hỗ trợ của bà nội hoặc bà ngoại đều rất cần thiết vừa giúp mẹ bỉm có thời gian nghỉ ngơi, vừa chăm sóc cho trẻ sơ sinh khi vừa lọt lòng.
Chuẩn bị vật dụng, giấy tờ cần thiết khi vượt cạn
- Cho mẹ: 2-3 áo ngủ hoặc váy rời để mặc lúc chờ sinh; 5-6 quần lót, băng vệ sinh, 2 cái bỉm, khăn mặt, khăn tắm và khăn nhỏ/miếng lót để thấm sữa, lau đầu vú; 3-4 cuộn giấy vệ sinh; bổ nhựa; nước muối súc miệng; cốc có nắp và thìa, dụng cụ hút sữa; túi nhỏ đựng đồ bẩn; đồ mặc khi ra viện.
- Cho bé: 2-3 bộ đồ trẻ sơ sinh; 20 tã giấy; 3 quần đóng tã; 2. khăn bông quấn bé; 4-5 chiếc băng rốn; vài đôi bao tay, chân; 2 mũ trùm đầu bé; 1 vài chiếc khăn mềm để lau bé khi tắm; 1 chiếc khăn lớn để đắp; vật dụng rơ lưỡi, nước muối sinh lý, sữa; bình sữa; ly nước nhỏ và muỗng inox dành cho bé; phích đựng nước sôi; bình đựng nước nguội; 1 hộp sữa phòng trường hợp mẹ chưa có sữa.
- Giấy tờ cần thiết: Cần mang theo sổ khám thai, các giấy tờ về xét nghiệm, siêu âm. Một số giấy tờ quan trọng khác là chứng minh thư, sổ hộ khẩu, bảo hiểm y tế và 2 bản phô-tô mỗi loại. Nên cất giấy tờ ở nơi dễ tìm để người thân dễ tìm thấy lúc khẩn cấp.
Sự hỗ trợ của người thân
Gần ngày dự sinh, nên có ít nhất 1 người canh chừng bà bầu để phòng chuyển dạ đột ngột. Người nhà nên phân công việc cụ thể như ai lo đóng tiền, gặp bác sĩ, về nhà lấy đồ ăn, ai chăm sóc sản phụ, canh giữ đồ đạc, em bé… để tránh rối rắm, đuối sức.
Tìm hiểu hiểu thủ tục nhập viện
Dự tính sinh ở bệnh viện nào, người nhà nên tìm hiểu trước các thủ tục nhập viện, phương pháp sinh nở, dịch vụ, chi phí… qua trang web, điện thoại tới bệnh viện để chủ động xoay sở, lựa chọn. Khi nhập viện, cần nắm rõ thông tin bác sĩ, y tá… Có ca trực trong ngày để tiện hỏi thăm. Thông tin ca trực thường được niêm yết ở bảng tin mỗi khoa.