Theo nhận định của bác sĩ, chỉ cấp cứu chậm 10 phút nữa thôi là tính mạng của bà mẹ này và em bé trong bụng có thể đã không giữ được.
23h30 đêm ngày 18/7 vừa qua, Bệnh viện Trung ương Chu Châu (Trung Quốc) đã tiếp nhận một ca cấp cứu nghiêm trọng.
Bệnh nhân là một phụ nữ họ Hồ (32 tuổi, sống tại Chu Châu) và đang mang thai 8 tháng. Năm 2007, chị Hồ sinh con đầu lòng khá suôn sẻ và trong suốt thai kỳ thứ 2 này chị cũng không gặp vấn đề gì đặc biệt, chỉ duy nhất chuyện cơ thể hơi phù nề nhưng chị nghĩ đó là biến chứng không đáng lo ngại nên rất ít đến bệnh viện khám.
Vậy nhưng 21 giờ ngày 18/7, chị đột nhiên bị đau bụng và sau đó phía dưới có chất lỏng chảy ra đến ướt quần. Gia đình lập tức đưa chị vào viện gần nhà nhưng các bác sĩ lập tức chuyển thẳng lên bệnh viện thành phố.
Bác sĩ tiến hành mổ gấp sau khi khám cho chị Hồ.
Hơn 11 giờ, chị Hồ được đưa vào phòng cấp cứu bệnh viện Chu Châu. Lúc này huyết áp của chị lên đến 160/100mmHg, cả người phù nề thấy rõ. Nghiêm trọng hơn, thai nhi trong bụng chị có dấu hiệu tim thai yếu, ngừng chuyển động, một chi sa xuống khu vực âm đạo của mẹ. Các bác sĩ đưa ra chẩn đoán ban đầu là mẹ bị huyết áp cao nghiêm trọng dẫn đến suy thai đồng thời sa dây rốn.
Tình hình rất cấp bách, tính mạng của cả hai mẹ con chị Hồ đều bị đe dọa nên cần mổ bắt thai gấp. Trước tiên, bác sĩ gây mê tiến hành gây tê cục bộ do bệnh nhân có huyết áp cao nên gây mê có thể dẫn đến những rủi ro lớn.
Trở ngại tiếp theo chính là một cánh tay của em bé đã sa xuống kênh sinh của mẹ nên bác sĩ phẫu thuật phải hết sức nhẹ nhàng, cẩn trọng lấy bé ra để tránh gây tổn thương. Khi ra khỏi bụng mẹ, em bé bị ngạt, không khóc. Sau gần 5 phút cấp cứu tích cực mới có thể cất tiếng khóc chào đời.
Em bé được hồi sức cấp cứu sau khi ra khỏi bụng mẹ.
May mắn ca phẫu thuật diễn ra thành công tốt đẹp, hiện tại hai mẹ con chị Hồ đang được theo dõi tại bệnh viện.
Theo bác sĩ Lou Zuolan, trưởng khoa sản phụ khoa của bệnh viện, trường hợp của chị Hồ chỉ nhập viện muộn ít phút nữa là có thể đã mất cả mẹ và bé. Chị vốn có dấu hiệu huyết áp cao khi mang thai nhưng chủ quan không đi khám sớm nên dẫn đến biến chứng sa dây rốn và vỡ ối non.
Hai mẹ con chị Hồ đang được theo dõi sức khỏe tại bệnh viện.
Huyết áp cao có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cả bà mẹ và em bé. Mức độ ảnh hưởng còn tùy thuộc vào thời gian mang thai khi bị cao huyết áp và mức độ tăng huyết áp của thai phụ. Tình trạng cao huyết áp càng nặng và càng xuất hiện sớm trong thai kỳ thì nguy cơ gặp phải các vấn đề cho mẹ và bé càng lớn.
Có khoảng 25% phụ nữ bị tăng huyết áp thai kỳ tiếp tục tiến triển nhanh thành tiền sản giật trong quá trình mang thai, chuyển dạ hoặc ngay sau khi sinh. Nguy cơ này sẽ tăng gấp đôi nếu thai phụ bị tăng huyết áp thai kỳ trước tuần thứ 30.
Ngoài ra, thai phụ bị cao huyết áp còn có nguy cơ gặp phải một số biến chứng như em bé chậm phát triển, đứt nhau thai và thai chết lưu… Những người bị tăng huyết áp ở lần mang thai đầu có nguy cơ cao bị tăng huyết áp ở lần mang thai sau. Họ còn có nguy cơ bị tăng huyết áp và đột qụy cao sau này.