Rút kinh nghiệm lần sinh con đầu lòng không đặt bóng nên cơn đau chuyển dạ lâu khiến mệt mỏi, mất sức, mẹ bỉm khi sinh lần 2 đã quyết định đặt bóng kích chuyển dạ.
Với những mẹ bầu sắp đến thời điểm vượt cạn đều mong mỏi và ước muốn có cuộc sinh nở diễn ra nhanh chóng, không đau. Nhưng do cơ địa của mỗi người khác nhau nên quá trình chuyển dạ cũng hoàn toàn khác biệt. Để giảm đau trong quá trình chuyển dạ, nhiều mẹ bầu hiện nay áp dụng các phương pháp kích thích chuyển dạ, giục sinh nhanh như: tiêm thuốc giảm đau hoặc đặt bóng… Và chị Đặng Thị Phượng, SN 1992 ở Tân Lạc, Hòa Bình cũng từng lựa chọn 1 trong các biện pháp trên để giúp chuyển dạ nhanh chóng, dễ dàng.
Chị Đặng Thị Phượng, SN 1992 khi mang thai vẫn rất thon gọn. (Ảnh: NVCC)
Năm 2017, chị Phượng sinh con đầu lòng ở Viện phụ sản Trung ương bằng phương pháp sinh thường. Lần đó, quá trình chuyển dạ của mẹ bỉm kéo dài suốt mười mấy tiếng đồng hồ khiến chị vô cùng đau đớn, mất sức. Do chưa có kinh nghiệm, nên chị không dùng một phương pháp kích thích hay hỗ trợ chuyển dạ nào. Vì thế sau khi vượt cạn xong, chị Phượng rất mệt mỏi.
Năm 2021, chị Phượng mang bầu và sinh con lần 2 tại bệnh viện Thanh Nhàn. Khi thai được 40 tuần 3 ngày, đã quá ngày dự sinh mà chưa có bất cứ dấu hiệu chuyển dạ. Mặc dù vậy, mẹ bỉm vẫn mong muốn được sinh thường. Bởi thế chị quyết định xin bác sĩ cho đặt bóng kích sinh.
Vẫn mong muốn được sinh thường dù quá ngày dự sinh, mẹ bầu quyết định xin bác sĩ cho đặt bóng kích sinh. (Ảnh: NVCC)
“Nhập viện đi đẻ, lần đầu mình nghe thấy có dịch vụ đặt bóng kích sinh nên cũng hoang mang lắm. Nhưng sau khi nghe bác sĩ tư vấn cặn kẽ, đặt bóng chỉ để giúp mở tử cung nhanh, có thể chuyển dạ nhanh hơn nên mình đăng ký làm”, chị Phượng chia sẻ.
Theo mẹ bầu này kể lại, hôm ấy vào viện sinh tầm khoảng 11 giờ trưa. Sau khi làm xong thủ tục nhập viện và thăm khám xong thì khoảng 13 giờ chiều chị được đặt bóng kích sinh. Và gần 20 giờ tối hôm đó, vợ chồng chị đã được đón em bé chào đời.
Phương pháp đặt bóng kích thích chuyển dạ qua trải nghiệm của mẹ bầu
Chị Phượng chia sẻ tỉ mỉ về phương pháp đặt bóng để kích sinh. Đây là việc bác sĩ đưa ống này đặt vào cổ tử cung để mở rộng cổ tử cung sản phụ theo cách thủ công. Dụng cụ này như một quả bóng nước có đường kính khoảng 5 - 8cm giúp làm mở và mềm từ từ cổ tử cung. Khi cổ tử cung mở được 3cm, bóng sẽ tự tuột ra ngoài và cuộc chuyển dạ được khởi phát.
Nhờ đặt bóng mà mẹ bỉm đã có cuộc chuyển dạ nhanh chóng, giảm khả năng sinh mổ không cần thiết. (Ảnh: NVCC)
“Sinh con bằng phương pháp này, các mẹ bầu có khả năng sinh tự nhiên cao hơn. Điều này làm giảm tỷ lệ mổ sinh không cần thiết”, mẹ bỉm nói.
Chị Phượng cũng cho biết, việc đặt bóng chỉ mất khoảng 5 phút. Sau đó sản phụ sẽ được chuyển vào phòng đẻ để truyền nước. Khi bóng tuột thì sẽ có cơn co và chuyển dạ bình thường.
Từ kinh nghiệm đặt bóng kích chuyển dạ của bản thân, chị Phượng cho rằng nếu những mẹ bầu khác cảm thấy sức khỏe đủ để sinh thường có thể áp dụng phương pháp đặt bóng để quá trình chuyển dạ diễn ra nhanh hơn, hạn chế sinh mổ.
Trong khi đó chi phí đặt bóng không quá tốn kém chỉ 1,5 triệu đồng. Khoản tiền này lúc sản phụ nhập viện sẽ đóng luôn. Tổng chi phí sinh thường lần 2 này của chị Phượng chỉ hết khoảng 4,6 triệu đồng.
“Chi phí sinh 2 lần của mình khác nhau do sử dụng dịch vụ khác nhau nhưng dao động khoảng hơn 4 triệu. Còn dịch vụ lấy máu gót chân do gia đình chọn gói như thế nào thì sẽ có chi phí đó thêm, tùy theo các gia đình”, mẹ bỉm chia sẻ.
Mới đây sau 2 năm sinh con thứ 2, mẹ bỉm này tiếp tục nhập viện sinh con thứ 3. Lần này do sinh nở dễ dàng nên chị không phải đặt bóng kích sinh.
Chồng và con chị Phượng. (Ảnh: NVCC)
“Đi đẻ lần 3 mình vẫn trong tâm thế chưa đau đẻ. Vợ chồng bắt xe khách ở quê lên đến viện mới có hơn 6h sáng nên ăn sáng xong mới vào thăm khám. Mình cứ tưởng lên khám xong là được về vậy mà không hiểu bằng cách nào mà chưa hề đau bụng, không hề có cảm giác gì mà đầu giờ chiều ấy em bé đã chào đời. Trộm vía tỉ lần”, mẹ bỉm đang ở cữ kể về lần sinh con thứ 3 chuyển dạ dễ dàng của mình.
Qua 3 lần đi đẻ của mình, chị Phượng thấy chỉ duy nhất lần 1 là đau đớn, còn 2 lần sau đều nhẹ nhàng, không đau, đi đẻ mà như đi nghỉ dưỡng.