Ở tuần thai thứ 31, bé Sephina đã trải qua một "cuộc phiêu lưu mạo hiểm" lần đầu tiên trong đời, và may mắn sống sót nhờ một ca sinh mổ khẩn cấp nhanh kỉ lục.
Những biến chứng thai kì nguy hiểm luôn là cơn ác mộng đối với các mẹ bầu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nhờ khả năng xử lý tình huống nhanh của đội ngũ y bác sĩ mà nhiều mẹ và em bé của mình đã may mắn thoát chết trong "đường tơ kẽ tóc".
Với đôi má hồng hào và nụ cười mãn nguyện, khó có thể tưởng tượng rằng bé Sephina đã trải qua một tình huống "sinh tử" ngay từ khi còn trong bụng mẹ.
Khi còn là thai nhi 31 tuần tuổi, bé Sephina đã trải qua "chuyến phiêu lưu mạo hiểm" đầu tiên trong cuộc đời, khiến bé chỉ suýt chút nữa là mất mạng.
Masina Frost và chồng mình, anh Adam, đã phải trải qua một hành trình "tìm con" cực kì gian nan. Gặp nhau khi còn là sinh viên của ngôi trường Harvard danh tiếng, cặp đôi đã gặp phải không ít trở ngại khi đến với nhau. Thế nhưng, sau khi kết hôn, hai người đã phát hiện ra Masina có một khuyết tật bẩm sinh, đó là tử cung bé và ống dẫn trứng không được kết nối đúng cách.
Sau 4 lần thụ tinh nhân tạo, con gái đầu lòng của hai người, bé Amelia đã chào đời vào tháng Hai năm 2012. Tuy nhiên, lần mang thai thứ 2 của Masina không được suôn sẻ như vậy. Tại tháng thứ 7, cô bị đau bụng khủng khiếp và phải đến cấp cứu tại bệnh viện ở Switzerland, nơi họ sinh sống.
Hai vợ chồng Masina đã phải trải qua một "hành trình tìm con" đầy gian nan với những mất mát không thể bù đắp.
Khi đó, tử cung của Masina đã bị vỡ, và buộc phải tiến hành ca sinh mổ khẩn cấp cho bé Theo. Nhưng sự chậm trễ tiến hành ca mổ đã khiến Theo bị thiếu hụt oxy và bị tổn thương não bộ. Em bé đáng thương này đã qua đời khi được 9 tháng tuổi.
Sau mất mát ấy, Masina được bác sĩ thông báo rằng cô có thể tiếp tục mang thai, nhưng sẽ rất nguy hiểm. Chính vì thế, Masina trở nên cực kì cẩn trọng với các dấu hiệu trong lần mang thai thứ 3.
Tại tuần thứ 31 của thai kì, Masina bắt đầu cảm thấy không thoải mái nên đến kiểm tra tại bệnh viện St Thomas. May mắn là đúng lúc đó, giáo sư Andrew Shennan, chuyên gia trong những ca mang thai chứa nhiều rủi ro, đang có mặt tại bệnh viện. Bằng chuyên môn dày dặn của mình, giáo sư nhanh chóng nhận ra mức độ nguy hiểm của Masina.
Sự khác biệt giữa trường hợp của Sephina và những trường hợp bình thường.
Thông thường, nhau thai sẽ nhận máu từ tử cung để đảm bảo cung cấp đủ khí oxy cho thai nhi. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, nhau thai của Masina đã ngừng nhận máu từ tử cung. Bé Sephina đã bất ngờ "chui tọt" vào khoang bụng dưới của mẹ khi tử cung bị vỡ. Ngay lập tức, giáo sư Andrew đã triệu tập khẩn cấp một đội ngũ y bác sĩ để tiến hành ca sinh mổ "sinh tử" để cứu lấy Masina và bé Sephina kéo dài 30 giây.
Sephina đã trải qua ca sinh mổ khẩn cấp ngắn kỉ lục - toàn bộ quá trình chỉ kéo dài trong vòng 30 giây
"Khi đó, thời gian chúng tôi còn lại để cứu lấy em bé chỉ tính bằng giây mà thôi", giáo sư Andrew cho biết. "Chúng tôi tiến hành gây mê cô ấy rồi tiến hành ca sinh mổ chỉ trong 30 phút - ca mổ sinh ngắn nhất mà tôi từng thực hiện".
Ông cũng cho biết thêm, nếu Masina chậm trễ thêm một chút nữa, bé Sephina đã không thể sống sót. Bởi vậy, có thể nói, bé Sephina quả thực là một "phép màu", đặc biệt là với vợ chồng Masina.
Cho đến bây giờ, Masina vẫn còn rất ấn tượng với ca sinh "trong nháy mắt" của mình.
Sau 1 tháng kể từ khi chào đời, bé Sephina đã có thể trở về đoàn tụ với gia đình mình.
"Mọi thứ diễn ra quá nhanh. Chỉ một phút trước đó, Andy còn đang tiêm thuốc gây mê cho tôi, vậy mà một lát sau bé Sephina đã chào đời. Khi đó, mọi thứ thực sự đáng sợ, thế nhưng, sau tất cả, vợ chồng chúng tôi cảm thấy cực kì may mắn khi có được con gái xinh đẹp của mình", Masina chia sẻ.
Sau một tháng kể từ ngày sinh, bé Sephina đã đạt đủ tiêu chuẩn sức khỏe để xuất viện về nhà.
Chuyên mục Bà bầu – nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về thụ thai, mang bầu, những kinh nghiệm sinh nở cho phụ nữ trước, trong và sau khi có thai. Mời độc giả có những thắc mắc, chia sẻ, tâm sự liên quan đến vấn đề này gửi thư về địa chỉ babau@eva.vn để được chia sẻ, tư vấn từ chuyên gia. |