Sau mổ lấy thai trong 6 giờ đầu, các sản phụ sẽ phải nằm tại phòng hậu phẫu của bệnh viện. Đây là căn phòng nhiều sản phụ cho là căn phòng đáng sợ nhất họ đã từng nằm.
Chuyên môn: Sản phụ khoa
Nơi công tác: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội
Bác sĩ Nguyễn Trung Đạo, Khoa sản bệnh A4, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã chia sẻ một bài viết về suốt quá trình theo dõi và chăm sóc sản phụ sau mổ lấy thai tại phòng hậu phẫu của viện này.
Được biết, phòng hậu phẫu trực thuộc khoa Gây mê hồi sức. Đây là một trong những phòng dành để theo dõi và chăm sóc sản phụ sau mổ lấy thai trong 6 giờ đầu để giảm tối đa những diễn biến xấu sau mổ.
Tại phòng hậu phẫu, hàng ngày đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên và điều dưỡng trong khoa được chứng kiến những giây phút mẹ tròn con vuông, được nhìn thấy những sản phụ trở về an toàn bên vòng tay yêu thương của gia đình, được chào đón một thành viên mới trong gia đình.
Đây là một trong những phòng dành để theo dõi và chăm sóc sản phụ sau mổ lấy thai trong 6 giờ đầu để giảm tối đa những diễn biến xấu sau mổ. (Ảnh: BSCC)
Phòng hậu phẫu gồm 30 giường bệnh, sạch đẹp, yên tĩnh, thoáng mát, ấm áp về mùa đông, đảm bảo cho sản phụ được nằm nghỉ ngơi.
Tại căn phòng này, nhiều mẹ bầu từng đưa ra nhận xét rằng đây là nơi đáng sợ nhất vì sau mổ có mẹ sẽ đau thấu xương, có mẹ lại thấy lạnh toát người... Vậy sau khi sinh mổ, các mẹ nằm ở đây để làm gì?
Bác sĩ Nguyễn Trung Đạo chia sẻ tất tần tật về quy trình theo dõi, chăm sóc sau mổ đẻ gồm những công đoạn sau:
Theo dõi sản phụ sau mổ lấy thai
Sản phụ ngay sau mổ lấy thai sẽ được điều dưỡng hoặc kỹ thuật viên gây mê chuyển từ phòng mổ ra phòng hậu phẫu. Tại đây, sản phụ được theo dõi trong 6 giờ đầu sau mổ. Trong khi di chuyển sản phụ luôn luôn được điều dưỡng theo dõi, quan sát về tình trạng sản phụ, theo dõi các dấu hiệu thiếu ô xy...
Tại phòng hậu phẫu sản phụ được theo dõi bằng Monitoring, thở ô xy, theo dõi độ bão hoà ô xy trong máu, mạch, huyết áp, nhịp tim, nhiệt độ, dấu hiệu chảy máu, theo dõi co hồi tử cung, sản dịch, số lượng và màu sắc nước tiểu...
Tại đây, sản phụ được theo dõi trong 6 giờ đầu sau mổ. (Ảnh: BSCC)
Ngày đầu sau mổ đẻ, các sản phụ được theo dõi sức khỏe với tần suất sau:
- Trong giờ đầu tiên, theo dõi 15 phút/lần và 30 phút/lần trong giờ thứ hai sau mổ đẻ.
- Giờ thứ 3 đến giờ thứ 6, theo dõi 1 giờ/lần.
- Giờ thứ 7 đến hết 24 giờ, theo dõi 3 giờ/lần.
- Thực hiện các y lệnh thuốc của bác sỹ.
Tất cả sản phụ nằm tại đây được theo dõi các yếu tố:
- Toàn trạng mạch, nhiệt độ, huyết áp;
- Tình trạng vết mổ có máu thấm băng hay không;
- Co hồi tử cung để chắc chắn tử cung co chắc hay không;
- Ra huyết âm đạo xem màu sắc, số lượng sản dịch thế nào;
- Nước tiểu qua ống thông tiểu (sonde) như màu sắc, số lượng nước tiểu. Lưu sonde 24 giờ;
- Theo dõi dẫn lưu qua sonde như số lượng, màu sắc dịch qua sonde;
- Theo dõi một số tác dụng phụ của thuốc gây tê: Nôn, rét run, mẩm ngứa...
Ngoài ra, mỗi sản phụ được theo dõi theo chỉ định của bác sĩ.
Những ngày sau mổ đẻ khi đã về phòng riêng nằm, sản phụ được theo dõi 2 lần/ngày các yếu tố:
- Toàn trạng mạch, nhiệt độ, huyết áp;
- Tình trạng vết mổ có máu, dịch thấm băng hay không, chú ý tình trạng nhiễm trùng vết mổ;
- Co hồi tử cung tốt hay không tốt; màu sắc và số lượng sản dịch;
- Sản phụ trung tiện hay chưa…
Chăm sóc sau mổ lấy thai cho các sản phụ sinh mổ
Sau sinh mổ, các sản phụ được chăm sóc từ A-Z:
- Chế độ ăn uống: Được thực hiện sớm sau mổ, ăn đồ ăn từ lỏng đến đặc dần, đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho mẹ và cho con bú. 6 giờ sau mổ có thể cho sản phụ ăn cháo loãng, uống sữa. Ngày thứ hai sau khi trung tiện, cho ăn cơm và uống nước bình thường.
- Chế độ vận động: Tùy theo tình hình sức khỏe của mỗi sản phụ mà có chế độ vận động phù hợp.
Đối với trường hợp sản phụ gây mê nội khí quản, sau 12 giờ có thể ngồi dậy được và đi lại nhẹ nhàng.
Đối với trường hợp gây tê tủy sống, sau mổ 6 giờ, hướng dẫn sản phụ vận động nhẹ nhàng, nằm nghiêng, co duỗi chân tay. Sau 24 giờ sản phụ mới được ngồi dậy. Những ngày sau cho sản phụ vận động nhẹ nhàng, đặc biệt tránh lao động nặng trong thời kỳ hậu sản để đề phòng sa sinh dục.
- Chế độ vệ sinh: Sản phụ nằm theo dõi tại phòng hậu phẫu được điều dưỡng vệ sinh âm hộ, thay bỉm, vệ sinh cơ thể sạch sẽ trước khi chuyển lên khoa thuộc chuyên khoa sản.
- Chăm sóc vết mổ: Giữ vết mổ khô, sạch, thay băng hàng ngày hoặc cách ngày tùy tình trạng vết mổ.
- Vấn đề cho con bú: Hướng dẫn sản phụ cho con bú sớm, có thể ở tư thế nằm hoặc ngồi trên giường. Trường hợp mẹ chưa có sữa hoặc sữa mẹ không đủ, cho trẻ ăn thêm sữa ngoài bằng đổ thìa.
- Tư vấn Kế hoạch hoá gia đình: Không quan hệ trong thời kỳ hậu sản; Khuyên sản phụ cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; Khuyên sản phụ không nên có thai lại ít nhất trong 2 năm, hướng dẫn lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp.
Sản phụ sau mổ đẻ được chăm sóc từ A-Z. (Ảnh: BSCC)
Chăm sóc các bé sơ sinh
Sau sinh mổ, bé sơ sinh cũng được chăm sóc giống như những trường hợp sau đẻ khác. Tuy nhiên, cần lưu ý những trường hợp mổ lấy thai khi chưa chuyển dạ trẻ dễ bị suy hô hấp do hít nước ối vào trong phổi nên cần được theo dõi sát để phát hiện sớm và xử trí kịp thời.
Tin liên quan
Đối với những người phụ nữ đẻ mổ, thật may mắn nếu như vết mổ “Đẹp”, đường sẹo nhỏ, mảnh, màu nhưng có một số người thì thật tệ hại, vết mổ...
Nhưng năm tháng trôi qua, hy vọng của tôi dần tắt. Nhìn bố mẹ chồng ngày càng già yếu, tôi không nỡ để họ sống trong sự chờ đợi vô vọng.
Mặc dù sinh mổ có thể khiến mẹ bầu giảm bớt sự đau đớn trong quá trình chuyển dạ nhưng so với sinh thường thì sẽ để lại nhiều di chứng không...
Khi chọn thời điểm sinh mổ, bác sĩ đặt sự an toàn tính mạng của mẹ và thai nhi lên hàng đầu.
Tin bài cùng chủ đề Bà bầu cần biết
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nhiễm sởi khi đang có thai không gây dị tật cho thai nhi, nhưng tỷ lệ tử vong bà mẹ tăng gấp ba lần so với phụ nữ không mang thai nhiễm sởi. Phụ nữ mang thai...