Mẹ bầu suýt mất thai nhi sau bữa lẩu vì hành động sai lầm khi ăn

Chương Ngọc - Ngày 04/12/2024 15:00 PM (GMT+7)

Bác sĩ đã lên tiếng cảnh báo về thói quen ăn uống của các mẹ bầu hiện nay.

Cô Tiểu Lệ, đến từ Hàng Châu (Trung Quốc) đã mang thai được 40 tuần. Cô đang rất nóng lòng chờ đợi giây phút con yêu cất tiếng khóc chào đời. Khi đọc được những lời khuyên của cư dân mạng về "bí kíp" chuyển dạ đơn giản, trong đó có việc tích cực ăn lẩu cay nóng để kích thích việc sinh em bé nên cô Tiểu Lệ đã quyết định làm theo.

Biểu hiện bất thường

Lúc này, thời tiết ở Hàng Châu đang trở lạnh, rất thích hợp để ăn lẩu. Khi đến cửa hàng lẩu, chưa chờ đến lúc nước lẩu sôi, cô Tiểu Lệ đã nhúng thịt sống vào đó và thưởng thức luôn thay vì chờ miếng thịt chín hẳn. 

9h tối ngày hôm đó, bà bầu này cảm thấy cơ thể đột nhiên nóng lên, nghĩ rằng có lẽ nước ối của mình chuẩn bị vỡ, cô Tiểu Lệ cảm thấy khá phấn khích vì cho rằng mình chuẩn bị sinh em bé. Vợ chồng cô ngay lập tức đi đến bệnh viện.

Người mẹ đi ăn lẩu với hy vọng sinh con sớm. (Ảnh minh họa)

Người mẹ đi ăn lẩu với hy vọng sinh con sớm. (Ảnh minh họa)

Sau khi nhập viện, bác sĩ đánh giá cô Tiểu Lệ có thể sinh con được tự nhiên. Mặc dù vậy, vì các cơn co thắt của người phụ nữ khá yếu nên bác sĩ khuyên cô nên sử dụng oxytocin vào ngày hôm sau để kích thích gây co bóp tử cung, thúc đẩy quá trình chuyển dạ. 

Tuy nhiên, vào giữa đêm hôm ấy, Tiểu Lệ xuất hiện triệu chứng sốt bất thường, xét nghiệm máu cho thấy các chỉ số viêm nhiễm của bà mẹ này tăng lên đáng kể và nhịp tim của thai nhi đập quá nhanh. Bác sĩ sản khoa trực đêm hôm đó nhanh chóng nhận định không thể loại trừ khả năng người mẹ đã nhiễm trùng tử cung. Chính vì vậy, bác sĩ đề nghị mổ lấy thai ngay lập tức để kết thúc thai kỳ và xác định thêm nguyên nhân phía sau.

Trong quá trình sinh mổ, bác sĩ phát hiện nước ối của cô Tiểu Lệ bị nhiễm phân su của thai nhi và trở nên đục hơn. Trong trường hợp này nếu đứa trẻ không được sinh ra kịp thời, em bé có thể bị ngạt do hít phải nước ối bị nhiễm bẩn. May mắn thay, ca phẫu thuật diễn ra suôn sẻ và em bé được chuyển đến NICU (Đơn vị chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh) để tiếp tục điều trị ngay sau khi sinh nhưng cô Tiểu Lệ vẫn sốt cao.

"Thủ phạm" đứng đằng sau

Bác sĩ tiến hành xét nghiệm mẫu nước ối và phát hiện cô Tiểu Lệ bị nhiễm vi khuẩn Listeria monocytogenes. Bác sĩ sản khoa ngay lập tức liên hệ với khoa sơ sinh và phát hiện kết quả trong chất thải của em bé cũng có chứa Listeria monocytogenes.

Đây là loại vi khuẩn thường được tìm thấy trong các thực phẩm để ở trong tủ lạnh. Nó có thể gây ra tình trạng viêm màng não, sảy thai, thai chết lưu, thậm chí có thể gây tử vong. Đối với phụ nữ mang thai, nhiễm trùng Listeria đặc biệt nguy hiểm vì nó có thể xâm nhập vào bề mặt tiếp xúc giữa mẹ và thai nhi, gây nhiễm trùng nặng cho thai nhi và tỷ lệ tử vong của thai nhi lên tới 30%.

Mẹ bầu may mắn được cấp cứu kịp thời. (Ảnh minh họa)

Mẹ bầu may mắn được cấp cứu kịp thời. (Ảnh minh họa)

Theo bác sĩ, rất có thể cô Tiểu Lệ đã ăn thịt chưa chín hẳn nên bị nhiễm vi khuẩn độc hại này. Ngoài ra, cô còn mắc bệnh tiểu đường thai kỳ và khả năng kiểm soát lượng đường trong máu kém dẫn đến khả năng miễn dịch thấp và bị nhiễm khuẩn Listeria monocytogenes.

May mắn thay, ca phẫu thuật diễn ra kịp thời và tránh được những hậu quả nghiêm trọng hơn. Sau khi điều trị bằng thuốc chống viêm, nhiệt độ cơ thể của bà mẹ này dần trở lại bình thường và cơ thể cô cũng dần hồi phục. Tình trạng của em bé cũng đang được cải thiện đáng kể. 

Các bác sĩ cho biết, trên thực tế, món lẩu mang lại cảm giác hài lòng và vui vẻ hơn cho bà bầu và không liên quan trực tiếp đến việc kích thích chuyển dạ. Điều này có thể là do vị cay của lẩu có thể làm tăng nhu động ruột, thậm chí gây tiêu chảy ở những người có đường tiêu hóa nhạy cảm, từ đó gián tiếp kích thích các cơn co thắt tử cung. Tuy nhiên, cách làm này không được khuyến khích vì các cơn co thắt do đau bụng và tiêu chảy có thể đe dọa đến sự an toàn của mẹ và bé.

Bác sĩ nhắc nhở các mẹ bầu nên cố gắng tránh ăn thực phẩm sống, lạnh khi mang thai, đặc biệt là thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh quá lâu thì nên nấu chín kỹ. Các loại trái cây, rau củ cũng cần được rửa sạch và gọt vỏ trước khi ăn. Đồng thời, phụ nữ mang thai và người có sức đề kháng kém nên cố gắng tránh ăn các sản phẩm từ sữa chưa được tiệt trùng.

Theo Chương Ngọc Tổng hợp
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dinh dưỡng thai kỳ