Giữa tháng 10, bà mẹ hai con Guo Guo, 35 tuổi, liên tục nhận được cuộc gọi hỏi khi nào sẽ sinh con thứ ba.
"Tôi cảm thấy sốc", Guo nói.
Người gọi tự giới thiệu là nhân viên của một cơ quan thuộc chính phủ, đề nghị Guo mang thai. Khi cô nói mình đang bận rộn vì công việc, không thể chăm sóc con nhỏ, người này gợi ý cô nhờ mẹ chồng hoặc mẹ ruột.
Guo cảm thấy cuộc gọi kỳ lạ nên đã chia sẻ lên mạng xã hội Xiaohongshu. Bài đăng đã nhận được hơn 11.000 lượt thích và hàng nghìn bình luận.
Ảnh minh họa: CNA
Guo phát hiện mình không phải trường hợp duy nhất nhận được cuộc gọi kỳ lạ này. Nhiều phụ nữ chia sẻ cũng nhận được cuộc gọi ngẫu nhiên từ nhân viên văn phòng chính phủ, hỏi về kế hoạch lập gia đình và mang thai.
Từ khóa #kiểm tra sinh con đã trở thành chủ đề thịnh hành trên mạng xã hội Weibo.
Chiến dịch này nằm trong chính sách khuyến sinh của Trung Quốc. Trung tâm nghiên cứu Dân số và Phát triển đang khảo sát toàn quốc để thu thập dữ liệu mới về quan điểm về hôn nhân, sinh sản cũng như các yếu tố ảnh hưởng.
Báo cáo ngày 28/10 của văn phòng chính phủ nói họ đang cố gắng tìm hiểu lý do vì sao phụ nữ ngại sinh con để phát triển các chính sách mới. Người được khảo sát là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản 15-49.
Bên cạnh đó, người dân cũng được thông báo có thể sử dụng dịch vụ đăng ký sinh, xét nghiệm tiền sản miễn phí và các dịch vụ sinh con khác.
Bức tranh nhân khẩu học của Trung Quốc đang ảm đạm với tỷ lệ sinh hàng năm giảm xuống mức thấp kỷ lục. Số trẻ sinh ra đã giảm gần một nửa, từ 17 triệu vào năm 2014 xuống còn 9 triệu vào năm ngoái, theo Cục Thống kê Quốc gia.
Chính phủ đang nỗ lực giải quyết khủng hoảng dân số, khuyến khích và hỗ trợ vợ chồng trẻ sinh con. Họ kêu gọi xây dựng văn hóa gia đình mới bằng cách lan tỏa sự tôn trọng đối với việc sinh con, hôn nhân ở độ tuổi thích hợp và đề cao trách nhiệm chung của phụ huynh.