Sản phụ bị sa dây rốn, nữ hộ sinh dùng 1 tay đẩy cáng, 1 tay cố gắng giữ mạng sống thai nhi

Thy Dung - Ngày 30/10/2024 13:30 PM (GMT+7)

Vừa qua, trên trang cá nhân của bác sĩ Nguyễn Trung Đạo, một đoạn video ghi lại tình huống cấp cứu sản phụ bị sa dây rốn đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ cộng đồng mạng.

Đây là một trong những trường hợp cấp cứu sản khoa nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của thai nhi nếu không được xử lý kịp thời.

Trong đoạn video chia sẻ, bác sĩ Nguyễn Trung Đạo (Bác sĩ khoa A4 - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) đã mô tả tình trạng nguy hiểm mà sản phụ phải đối mặt. Dây rốn là mạch máu nối liền giữa bánh rau và thai nhi, giúp cung cấp máu và oxy từ mẹ sang thai. Khi dây rốn bị sa ra khỏi tử cung và chịu lực chèn ép, dòng máu và oxy truyền đến thai nhi bị ngưng lại. Trong trường hợp này, nếu không được xử lý kịp thời trong vài phút, thai nhi sẽ bị thiếu oxy nghiêm trọng và có nguy cơ tử vong rất cao.

Đội ngũ y bác sĩ khẩn trương cấp cứu sản phụ.

Đội ngũ y bác sĩ khẩn trương cấp cứu sản phụ.

Đây là một tình huống y tế khẩn cấp, đòi hỏi toàn bộ đội ngũ y tế phải vào cuộc nhanh chóng và phối hợp nhịp nhàng. Ngay sau khi phát hiện tình trạng sa dây rốn, ekip cấp cứu đã lập tức tiến hành các biện pháp can thiệp cần thiết để giảm thiểu nguy cơ và nhanh chóng đưa sản phụ vào phòng mổ.

Điểm đáng chú ý trong đoạn video là hành động quyết liệt của nữ hộ sinh khi dùng một tay đẩy cáng, chân vẫn chạy nhanh để đưa sản phụ vào phòng mổ, trong khi tay còn lại phải đưa vào bên trong bụng mẹ để nâng đỡ đầu thai nhi. Đây là biện pháp cấp bách nhằm giảm áp lực lên dây rốn, giúp duy trì lưu lượng oxy cho thai nhi, đồng thời ngăn ngừa nguy cơ tổn thương não do thiếu oxy. Sự nhạy bén và chuyên nghiệp của nữ hộ sinh trong tình huống này đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ cộng đồng mạng.

Đội ngũ y tế vội vàng đưa sản phụ vào cấp cứu.

Đội ngũ y tế vội vàng đưa sản phụ vào cấp cứu.

Nhiều người chứng kiến đoạn video đã không khỏi xúc động và cảm thấy nể phục trước tinh thần hết lòng vì bệnh nhân của đội ngũ y tế. 

Nhờ vào sự phối hợp nhanh nhạy và quyết đoán của ekip cấp cứu tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội, ca mổ đã được tiến hành ngay sau đó. Thai nhi đã được sinh ra khỏe mạnh và an toàn, còn sức khỏe của người mẹ cũng nhanh chóng ổn định trở lại. Kết quả này không chỉ là niềm vui của gia đình sản phụ mà còn là niềm tự hào của các y bác sĩ và nhân viên y tế, những người đã dốc hết tâm sức để bảo vệ mạng sống cho cả mẹ và bé trong tình huống "ngàn cân treo sợi tóc".

May mắn ca mổ đã diễn ra suôn sẻ.

May mắn ca mổ đã diễn ra suôn sẻ.

Sau khi ca cấp cứu kết thúc, bác sĩ Nguyễn Trung Đạo đã chia sẻ những lời tri ân sâu sắc tới đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội. “Ca mổ diễn ra ngay lập tức, mẹ và bé đều khoẻ. Cảm ơn ekip bệnh viện Phụ sản Hà Nội rất nhiều”, bác sĩ Nguyễn Trung Đạo viết.

Sau đoạn video, nhiều mẹ bỉm sữa đã để lại bình luận đồng cảm như:

Sản phụ bị sa dây rốn, nữ hộ sinh dùng 1 tay đẩy cáng, 1 tay cố gắng giữ mạng sống thai nhi - 4Bình luận từ nhiều mẹ bỉm sữa.

Nguyên nhân gây sa dây rốn

Tình trạng sa dây rốn có thể xảy ra bởi nguyên nhân từ phía thai phụ, thai nhi hoặc ở phần phụ của thai:

Nguyên nhân từ thai phụ

Hầu hết sa dây rốn thường xảy ra ở những người đã sinh nở nhiều lần khiến sự bình chỉnh của ngôi thai không tốt gây nên tình trạng ngôi bất thường, có khối u tiền đạo, khung xương chậu bị méo hoặc hẹp…

Nguyên nhân từ phía thai nhi

Thai nhi gặp tình trạng ngôi bất thường (ngôi ngang, ngôi ngược…) do ngôi thai không tì được vào cổ tử cung làm dây rốn dễ bị sa hơn bình thường.

Nguyên nhân từ phần phụ của thai

Dây rốn dài bất thường, đa ối, rau bám thấp, ối vỡ đột ngột khiến dây rốn bị sa theo.

Dấu hiệu nhận biết tình trạng sa dây rốn

Sa dây rốn là hiện tượng dây rốn (hay còn gọi là dây nhau) bị sa xuống trước ngôi thai, thường xảy ra từ tuần 38 trở đi hoặc nguy hiểm hơn là đúng vào thời điểm sau vỡ ối.

Tình trạng này rất nguy hiểm khi cuống rốn bị chèn giữa thành chậu hông và ngôi thai, hoặc thậm chí sa hẳn ra khỏi âm đạo, gây suy thai cấp. Thai có thể sẽ chết trong khoảng 30 phút nêu không mổ lấy thai ra kịp thời. Một số dấu hiệu nhận biết tình trạng sa dây rốn thường gặp khi chuyển dạ như:

- Nhìn thấy dây rốn bị sa xuống tử cung thông qua siêu âm

- Nếu chưa vỡ ối, mẹ bầu cảm thấy có dây rốn ở trong âm đạo

- Sau khi vỡ ối, mẹ bầu nhìn thấy được dây rốn thò ra ngoài âm đạo kèm theo nước ối hoặc nhân viên y tế nhìn thấy khi khám cho mẹ

Thai nhi có dây rốn 1 động mạch có nguy hiểm không và mẹ bầu nhất thiết phải mổ đẻ?
Thai nhi có dây rốn một động mạch rất hiếm gặp, có khả năng gây nguy hiểm đến sức khỏe của em bé trong bụng nếu không được phát hiện sớm.

Bà bầu cần biết

Theo Thy Dung
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Biến chứng thai kỳ