Phụ nữ vào bếp không đơn giản chỉ là nấu ăn, mà đó là câu chuyện về sự sẻ chia và giữ lửa gia đình.
Thuở bé, mỗi khi thấy mẹ tất bật trong căn bếp nhỏ, tôi lại tự hỏi, có phải phụ nữ sinh ra chỉ dành cho bếp núc? Thật hiếm có ngày nào mà tôi thấy mẹ để căn bếp tắt lửa. Khi đó, tôi - một đứa trẻ mới lớn đã nghĩ rằng, tôi sẵn sàng ăn cơm bụi mỗi tuần một lần để mẹ được nghỉ ngơi, để mẹ được làm điều mẹ yêu thích.
Tới khi đủ chín chắn, sống giữa thời đại đang trong quá trình giao thoa giữa tư tưởng “nữ công gia chánh” và “phụ nữ hiện đại”, tôi đã thẳng thắn nói chuyện với mẹ. Rằng, tôi không muốn cuộc đời mình gắn liền với căn bếp, tôi muốn gây dựng sự nghiệp và chứng minh rằng phụ nữ chẳng hề thua kém đàn ông trong công việc. Mẹ chỉ cười: “Phụ nữ vào bếp không đơn giản chỉ là nấu ăn, mà đó là câu chuyện về sự sẻ chia và giữ lửa gia đình”. Khi ấy, tôi vẫn chưa hiểu lắm về câu chuyện của mẹ.
Ngày tôi chia tay mối tình đầu, tôi hỏi bố rằng: “Có khi nào bố xiêu lòng vì một cô gái khác?”. Bố tôi cười xòa “Ai cũng có lúc xiêu lòng. Nhất là với những người đàn ông xung quanh có nhiều cô gái đẹp. Ngày đó, bố chọn mẹ vì bố cần một người vợ biết lo toan, nhẫn nại và sẻ chia. Nhưng lý do giữ bố ở lại với gia đình là những người phụ nữ đẹp kia chẳng ai nấu ăn ngon như mẹ con cả”. Tôi cười mỉm, biết rằng bố nửa đùa nửa thật. Sự thật là 25 năm ở cùng bố mẹ, chưa khi nào mẹ tôi từ chối vào bếp nấu một bữa cơm trọn vẹn cho gia đình.
Nguồn: Internet
Ngày mới dạy tôi làm bếp, mẹ bảo, mỗi căn bếp thuộc về một người phụ nữ, giữ lửa căn bếp cũng là giữ lửa gia đình. Đừng bao giờ cố gắng nấu ra một món ăn giống hệt người khác, bởi mỗi món ăn đều được làm từ tình yêu của mỗi người phụ nữ, mà tình yêu thương gia đình của mỗi người thì chẳng bao giờ giống nhau cả.
Thời gian khiến tôi nhận ra rằng, những bữa ăn vị Âu tại những nhà hàng sang trọng mà ngày trẻ tôi vẫn thường ngưỡng mộ chẳng bằng được mâm cơm ấm cúng bên gia đình. Tôi trông chờ những giây phút quây quần gia đình lúc 6h tối, trông chờ tiếng chồng í ới gọi về hẹn giờ ăn cơm, trông chờ gương mặt sáng bừng của đứa con gái nhỏ khi bữa cơm có món ngon con thích.
Nhưng dù sao tôi cũng là một ví dụ điển hình của phụ nữ hiện đại: tôi không có nhiều thời gian hàng ngày dành cho bếp núc. Và dường như chồng tôi hiểu điều đó. Anh chưa bao giờ đòi hỏi nhiều ở tôi, thậm chí còn thường xuyên cùng tôi tìm mua những đồ dùng giúp tôi giảm nhẹ gánh nặng hàng ngày, để tôi có thêm thời gian nghỉ ngơi và trò chuyện cùng cả nhà.
Thỉnh thoảng tôi vẫn thường hài hước trêu anh rằng, “anh về nhà ăn cơm chắc cũng vì cơm nhà được nấu bằng toàn đồ xịn nên không lo ngộ độc nhỉ?”. Vậy mà lần nào anh cũng nghiêm túc nhìn tôi mà đáp, đại ý là “anh mua những thứ đó cũng chỉ vì em và con, anh không muốn em phải vất vả và luôn muốn con được khỏe mạnh”.
Vợ chồng chung sống không tránh khỏi những lúc bất hòa, nhưng chồng tôi chưa bao giờ vắng mặt không lý do trong bữa cơm gia đình. Những lúc ngẫm lại chuyện cũ, chồng tôi lại tỉ tê “Có những lúc chán nản, anh chỉ muốn ngồi uống đôi ba chén, tìm người để tâm sự cho thỏa lòng. Nhưng cứ tới giờ ăn, nghĩ đến em đang cặm cụi trong bếp và hình ảnh 2 mẹ con đợi anh về dùng bữa, anh lại không kìm lòng được mà giũ bỏ tự ái, về nhà cùng ăn cơm”. Có thể tôi thật may mắn khi gặp được anh, người chồng lý tưởng được thể hiện trong một video hài hước tôi tình cờ xem được.
Thời điểm tôi nhận thấy được niềm vui của việc chuẩn bị bữa cơm gia đình cũng là khi tôi cũng bắt đầu quan tâm tới thực phẩm sạch và công cụ chế biến - những thứ mà trước đây tôi đã từng trách mẹ “cứ khéo lo” mỗi khi mẹ dành hàng giờ để lựa đồ trong quán tạp hóa. Giờ thì tôi đã hiểu, khi thực sự quan tâm tới gia đình, điều khiến người phụ nữ quan tâm không chỉ còn là vị đậm đà của món ăn mà còn là sức khỏe của cả gia đình.
Chẳng còn quan tâm đến những thứ trang sức hay váy vóc thời thượng, giờ đây đầu tôi chỉ toàn thuật ngữ về đồ dùng an toàn sức khỏe: Nên dùng chảo chống dính không chứa APEO, PFOA gây hại, sử dụng nồi chảo inox 3 đáy trở lên sẽ tản nhiệt đều, dùng bếp từ có bề mặt cường lực sẽ đảm bảo an toàn cho cả gia đình…
Tôi thấy mình trong hình ảnh ngày xưa của mẹ - cứ liên tục nói những thứ “chán phèo” trước khuôn mặt chán nản đứa con gái nhỏ. Nhưng tôi không lấy thế làm buồn phiền. Vì tôi biết rằng, sẽ có một ngày, cô gái nhỏ của tôi sẽ tìm thấy một căn bếp muốn dành toàn bộ tâm huyết để chăm sóc.
Thuở ấy, tôi cứ nghĩ rằng, mỗi tuần nhịn một bữa cơm nhà sẽ giúp mẹ có thời gian làm điều mẹ thích. Nhưng tôi còn quá nhỏ để hiểu rằng, thứ mẹ mong muốn chỉ đơn giản là nấu một bữa cơm trọn vẹn cho cả gia đình. Tới giờ, tôi mới thực sự thấu câu chuyện giữ lửa gia đình mẹ nói ngày xưa…