18 nghìn/cốc nước mía to với đầy đủ trân châu, dừa khô, dừa tươi khiến mọi thực khách phải no căng bụng mỗi khi đến Hàng Vải.
Những ngày Hà Nội nắng nóng, nước mía như trở thành đồ uống giải nhiệt được mọi lứa tuổi yêu thích. Chỉ cần uống ngụm nước mía mát lạnh, ngọt ngào giữa trưa hè nóng bức là cũng đủ tỉnh cả người, tràn trề năng lượng.
Ở Hà Nội, không khó để tìm mua nước mía với giá “rẻ như bèo” 18 - 25 nghìn/ 1 lít. Thế nhưng, nếu đến Hàng Vải với số tiền này, bạn chỉ mua được 1 cốc nước mía. Mặc dù đắt đỏ là vậy nhưng quán nước mía 30 năm tuổi ở đây vẫn ùn ùn người ghé mua mỗi khi mùa hè đến bởi những thành phần đặc biệt, không nơi nào sánh bằng trong cốc nước mía trân châu trứ danh này.
Nước mía trân châu nổi tiếng ở phố Hàng Vải.
Nhắc đến Hàng Vải, nhiều người sẽ nghĩ đây là nơi chuyên bán vải lụa, gấm vóc thế nhưng con phố này chục năm nay lại nổi tiếng là nơi đầu tiên sáng tạo ra thức uống độc đáo, mới mẻ - nước mía trân châu.
Nước mía trân châu cốc nhỏ giá 12 nghìn, cốc to giá 18 nghìn.
Với những người đến đây lần đầu, chắc chắn sẽ choáng ngợp bởi con phố nước mía, nhà nào cũng giống nhau như một. Và chắc hẳn mọi người sẽ phân vân không biết nơi nào mới là địa chỉ ngon nhất bởi thông tin tìm kiếm qua internet lại không có như ngoài thực tế.
Tuy nhiên với những vị khách thân thuộc chỉ cần đi xuống cuối phố Hàng Vải đến quán nước mía cuối cùng là có thể đến địa chỉ mình cần. “Đặc điểm nhận dạng” quán nước mía ở đây là được sơn tường màu xanh lá cây đặc trưng, gần bốt điện, có khoảng không gian vỉa hè khá rộng, mát để ngồi thưởng thức.
Cốc nước mía đầy ụ với trân châu, nước mía, dừa tươi và dừa khô.
Vì thực đơn đã có sẵn, được ghi cùng tấm biển quán đơn giản treo trên bức tường đổ nên khi đến, bạn chỉ cần "order" và tìm một chỗ ngồi mình thích. Nhân viên ở đây phục vụ khá nhanh, sau khi gọi đồ, chủ quán sẽ ép nước mía trực tiếp còn nhân viên chuẩn bị trân châu, đá cho vào cốc. Sau khi ép mía xong, nước mía được đổ vào cốc và dải một lớp dừa tươi, dừa khô lên.
Cốc nước mía trân châu 18 nghìn đắt đỏ nhưng đầy ú ụ, có "ngọn", đem ra khiến hầu hết thực khách, ai cũng phải thích thú. Nước mía đặc, không ngọt sắc, thanh thanh; trân châu nấu dẻo, chín tới, dai dai, mềm mềm còn dừa tươi, bùi, ngọt kết hợp với dừa khô giòn, thơm đã miệng.
4 thứ nguyên liệu tưởng như không liên quan ấy hòa quyện tài tình trong cốc nước mía khiến cho thực khách không chỉ được giải khát giữa trưa hè oi ả mà còn được lai rai, nhìn ngắm phố phường, tận hưởng một Hà Nội thật khác.
Nước mía xanh, ngọt, mát lạnh.
Ngoài ra, điều đặc biệt khiến cho mọi người gắn bó với nước mía Hàng Vải mặc dù đắt đỏ chính là nhờ cốc nước mía xanh và lớp bọt bông béo ngậy, chắc hẳn ít ai tìm thấy được ở những cốc nước mía 7-10 nghìn phổ thông. Lớp bọt bông ấy quyện vào với những miếng dừa tươi được nạo nhỏ khiến mọi người cảm nhận được hương vị bùi bùi, beo béo.
Nghe nói, quán nước mía trên con phố Hàng Vải này đã 30 năm tuổi. Mía được nhập từ Hòa Bình nên nước mía ở đây uống thật và ngọt. Chính vì vậy, 30 năm qua quán vẫn luôn giữ chân được thực khách kể cả mùa hè lẫn mùa đông.
Trân châu dẻo, mềm.
Dừa tươi quyện với bọt bông của nước mía đẩy hương vị béo ngậy lên.
Có lẽ điểm cộng đầu tiên với thực khách khi đến quán đó là sự đon đả, nhiệt tình của bà chủ Lương Thị Hồng Gấm (46 tuổi). Mặc dù không được đi học đầy đủ, phải ra đời bươn trải, kiếm sống từ năm 12 tuổi nhưng cô Gấm vẫn khiến mọi người yêu quý bởi sự thật thà, vui vẻ của mình.
Cô Gấm cho biết, quán nước mía cô đang tiếp quản có tuổi đời 30 năm do bố cô để lại. Trước đây, cụ thường đẩy xe đi bán nước mía sau mới về khu vực Hàng Vải cố định. Và khi bố tuổi già, sức yếu, cô tiếp quản quán thay ông.
Cô Gấm bảo, quán cô là quán đầu tiên làm nước mía trân châu để rồi cả phố theo bán như hiện nay. Mặc dù quán có tuổi đời 30 năm nhưng nước mía trâu châu mới có 10 năm trở lại đây.
“Mình nghĩ thanh niêm uống mãi nước mía cũng chán nên thử mua trân châu, dừa khô về tự chế uống xem thế nào. Mình làm để uống 1 tuần đầu tăng lên 3kg. Từ đó mình quyết định mang ra bán”, cô Gấm chia sẻ.
Quán nước mía nhà cô Gấm có tuổi đời 30 năm.
Thời gian đầu, nước mía trân châu được mọi người đón nhận nhiệt tình, ngày bán khoảng 2-3kg trân châu. Bây giờ, mặc dù cả phố bán nhưng gia đình cô vẫn giữa được chân thực khách, mỗi ngày bán 5kg trân châu, 3kg dừa tươi và 2 ngày hết một xe mía.
“Khách uống nước mía ở đây cảm giác thật, không pha chế nên yêu thích cũng vì đó. Hơn nữa, nguyên liệu gia đình mình làm cũng đảm bảo, ngày nào cũng tươi ngon.
Để có lớp bọt béo ngậy trong cốc mía gửi đến thực khác phải đảm bảo yếu tố mía ngon. Nhà mình tính cẩn thận nên mía luôn tươi, luôn nhập mía thửa về, cứ 2 ngày lại đánh xe chở mía từ Hòa Bình về một lần.
Trân châu lấy từ Thái Bình nhãn mác, nguồn gốc đàng hoàng luộc đến đâu bán đến đó, còn dừa tươi mua trong ngày để ngọt dừa. Hôm nào quá tải hàng chuẩn bị, mình phải mua thêm về làm thôi”, cô Gấm cho biết.
Nước mía trân châu được gia đình cô bán 10 năm trở lại đây.
Tâm sự về nghề bán nước mía của mình, cô Gấm chia sẻ, phải là người yêu lao động mới có thể gắn bó được còn với những người có học không thể theo được dù là nghề của gia đình.
Vì gia đình nghèo, mấy chị em cô không được đi học đầy đủ, bỏ ngang khi mới đến lớp 6 nên phải gắn bó với nghề của bố để mưu sinh. Tuy nhiên, cũng nhờ nghề lao động chân tay bán mặt ngoài đường từ sáng đến 12h đêm này mà cô mới đủ chi phí trang trải nuôi 2 con ăn học, một em học Đại học Giao Thông còn một em học lớp 9.
Tất cả nguyên liệu làm nên cốc nước mía trân châu ngon đều được cô lựa chọn kỹ lưỡng.
Mặc dù, bán nước mía chỉ được thời điểm mùa hè nhưng hiện tại cô Gấm hài lòng khi công việc ổn định, có thu nhập nuôi các con ăn học. Cô và chị của mình sẽ gìn giữ nghề mà bố đã mất để lại đến khi tay mỏi, mắt yếu.