Với loại cây này, trên cùng một cây có thể vừa có lá to, lá trung, lá nhỏ, lá có gai hoặc không có gai tạo nên một vẻ đẹp khác biệt cho cây.
Những dòng cây bonsai luôn được nhiều người yêu thích vì dáng, thế của nó. Ngày càng nhiều người tìm kiếm những cây bonsai độc lạ, và hải châu là một trong những loại cây cảnh được nhiều người săn đón.
Loại cây này còn được biết đến với tên gọi “hòn ngọc Viễn Đông”, tên khoa học là Scolopia Nana, thuộc họ Bồ Quân (Flacourtiaceae). Cây hải châu có nguồn gốc từ các nước châu Á, các nước có khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, Lào, Campuchia, Ấn Độ, Myanmar.
Tại Việt Nam, trước đây cây này thường mọc dại trên các vách núi ở khu vực Nam Trung Bộ như Quảng Ngãi, Bình Thuận, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định. Ngày nay, chúng được đưa vào chậu để làm cây bonsai.
Được biết, cây hải chậu là cây thân gỗ, có thể cao tới 2m, thân cây xù xì, sần sùi, nhánh cây không quá cứng và giòn nên rất thích hợp cho quá trình tạo hình cây bonsai. Lá cây hải châu có màu xanh đậm với nhiều kích thước khác nhau. Trên cùng một cây có thể vừa có lá to, lá trung, lá nhỏ, lá có gai hoặc không có gai tạo nên một vẻ đẹp khác biệt cho cây.
Hoa của cây hải châu.
Hoa hải châu có màu trắng muốt, nở thành từng chùm và mang hương thơm đặc trưng. Quả của cây hải châu có hình tròn, nhỏ, khi còn non có màu xanh và dần chuyển sang màu vàng, màu đỏ khi chín. Loại quả này ăn được, có vị đan xen giữa ngọt và đắng chát, nhưng cây chỉ cho ra hoa và quả khi tưới đủ nước.
Quả của cây hải châu.
Trong phong thủy, cây hải châu được cho là mang lại nhiều may mắn, tài lộc cho gia chủ. Cây còn là biểu tượng của sự trưởng thành và phát triển, trường tồn, vì cây có thể phát triển trong một chậu cây nhỏ và có thể tồn tại mãi mãi.
Ngoài công dụng làm cảnh, cây hải châu bonsai còn có giá trị không hề nhỏ, trồng càng lâu càng có giá, có cây được định giá lên cả tỷ đồng.
Cách chăm sóc cây hải châu đúng cách
Để cây hải châu phát triển tốt, bạn cần chú ý tới những yếu tố sau:
- Đất trồng: Vốn là cây dại nên cây hải châu không kén đất, nhưng cây sẽ phát triển tốt nhất trong đất tơi xốp, có khả năng thoát nước tốt và giàu dinh dưỡng. Bạn có thể trộn thêm phân tự nhiên và mùn vào đất để trồng cây. Ngoài ra nên xới đất 6 tháng/ lần quanh gốc cây để giúp cây trao đổi chất tốt hơn.
- Ánh sáng: Hải châu là cây ưa sáng, vì thế bạn cần đặt cây ở nơi đón nhiều ánh nắng tự nhiên như cạnh cửa sổ, ngoài sân. Khi nhận đủ ánh sáng, cây sẽ phát triển và sinh trưởng nhanh chóng, cành lá chắc khỏe vững vàng. Ngược lại, nếu thiếu sáng thì cây sẽ phát triển còi cọc, lá kém xanh, không ra hoa đậu quả và thậm chí có hiện tượng lá úa.
- Tưới nước: Cây hải châu ưa sống ở nhiệt độ thấp, điều kiện nhiệt độ lý tưởng giúp cây phát triển là 23-27 độ C, độ ẩm thích hợp khoảng 60-80%. Trong quá trình chăm sóc, nên tưới nước cho cây mỗi ngày, nhưng chỉ nên dùng nước dạng bình xịt, tránh tưới nước quá nhiều kẻo khiến cây bị úng nước.
- Bón phân: Hãy duy trì lượng dưỡng chất vừa phải theo chu kỳ hợp lý cho cây hải châu. Khoảng 2 tháng, bạn nên bón phân cho cây một lần.
- Cắt tỉa: Để cây hải châu có hình dáng đẹp, cắt tỉa là việc rất quan trọng. Khi thấy cây hoặc cành lá mọc thừa, bạn có thể cắt tỉa bớt đi để giữ nguyên thế dáng ban đầu của cây. Ngoài ra, việc cắt tỉa hợp lý còn giúp cây ra hoa sớm.