Một số người lại phàn nàn rằng trồng mãi mà không thấy cây kim tiền đâm chồi mới chứ đừng nói là ra hoa, đó là do họ phạm phải điều cấm kỵ này.
Kim tiền là một trong những loại cây cảnh phong thủy được nhiều người chọn lựa trồng trong nhà, văn phòng hay đặt trên bàn làm việc. Lá của nó xanh quanh năm, mọc đối xứng tạo thành từng chuỗi giống như chuỗi tiền xu cổ. Chính vì thế, nhiều người cho rằng trồng một chậu kim tiền trong nhà sẽ mang đến may mắn, tài lộc và cuộc sống sung túc cho gia đình.
Một số người trồng cây kim tiền cho biết, hàng năm cây đều ra chồi mới, thậm chí ra hoa nếu cây có tuổi thọ trên 5 năm. Tuy nhiên một số người lại phàn nàn rằng trồng mãi mà không thấy cây đâm chồi mới chứ đừng nói là ra hoa. Đó có thể là do họ phạm phải điều cấm kỵ khi trồng cây kim tiền: Đặt cây ở nơi thiếu sáng.
Thực ra kim tiền là cây ưa sáng, nhưng sợ nắng gắt trực tiếp chiếu vào. Nó có thể sống trong môi trường thiếu sáng, nhưng nếu đặt cây trong môi trường thiếu sáng lâu ngày thì cây sẽ khó mọc chồi mới.
Cây kim tiền nên đặt ở những nơi có ánh sáng tán xạ như bệ cửa sổ hướng Đông hoặc hướng Đông Nam, gần ban công hoặc phòng khách nhiều ánh sáng. Nhưng, không nên đặt cây ở nơi có ánh nắng gay gắt chiếu vào. Có như vậy thì cây mới phát triển thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển của chồi mới và làm lá có màu xanh sáng bóng, đẹp mắt hơn, đồng thời nâng cao khả năng kháng bệnh của cây và giảm nguy cơ thối rễ.
Bây giờ là mùa sinh trưởng cao điểm của cây tiền. Khi nhiệt độ không quá cao và ánh sáng dịu, bạn có thể để cây kim tiền tiếp xúc nhiều với ánh sáng hơn.
Ngoài việc cung cấp ánh sáng hợp lý cho cây kim tiền, bạn cũng phải chú ý đến 3 điều mà cây kim tiền sợ nhất. Chỉ khi tránh được thì cây kim tiền mới có thể phát triển mạnh mẽ, mọc chồi mới và ra hoa.
- Nỗi sợ thứ nhất: Tưới nước quá nhiều
Lá cây kim tiền dày, rễ củ cũng có khả năng trữ nước nhất định nên khả năng chịu hạn tốt, nhưng nó lại rất sợ tích nước. Nếu đất tích nước trong thời gian dài thì rễ của cây kim tiền dễ bị thối, lá chuyển sang màu vàng, sinh trưởng ngày càng kém.
Vì thế khi trồng cây kim tiền, bạn không nên tưới nước thường xuyên. Đất hơi khô sẽ thuận lợi cho cây phát triển hơn. Độ ẩm đất thích hợp để trồng cây kim tiền là 30%, khi thấp hơn 30% thì có thể bổ sung nước. Nói chung, 10 ngày nước một lần thật kỹ là được. Sau khi tưới nước, hãy đặt cây ở nơi thông gió để giảm nguy cơ đọng nước và thối rễ.
- Nỗi sợ thứ 2: Không bón phân thường xuyên
Hoa trồng trong chậu hút chất dinh dưỡng từ đất, nếu lâu ngày không được bón phân, chất dinh dưỡng trong đất sẽ không còn. Nếu không bổ sung chất dinh dưỡng kịp thời thì cây sẽ ngày càng còi cọc, sinh trưởng chậm. Vì vậy, khi trồng cây kim tiền trong chậu thì bạn phải bón phân thường xuyên.
Mùa xuân và mùa hè là thời điểm sinh trưởng cao điểm của cây kim tiền, bạn phải bổ sung phân bón thường xuyên. Cây kim tiền là loại cây rễ củ, đòi hỏi đất phải tơi xốp, thoáng khí và hơi chua. Để duy trì đặc tính này của đất, tốt nhất nên sử dụng phân hữu cơ như phân bánh, bột xương,…
Khi bón phân, nên pha loãng phân với nước theo tỷ lệ 1:1000 để tưới cây. 15-20 ngày nên bón một lần.
- Nỗi sợ thứ 3: Không được thay đất, thay chậu
Khi trồng cây kim tiền trong chậu, bạn nên thay đất, thay chậu cho cây khoảng 1-2 năm/lần. Nếu không, lượng chất dinh dưỡng trong đất cạn kiệt hoặc đất bị nén chặt sẽ không có lợi cho sự phát triển của bộ rễ, ảnh hưởng tới quá trình sinh trường của cây.
Khi thay đất, thay chậu, bạn nên chọn đất chua, giàu mùn, thoát nước tốt, mềm và màu mỡ, độ pH khoảng 6-6,5. Bạn có thể trộn đất mốc lá và cát sông theo tỷ lệ 1:1 để trồng cây kim tiền, hoặc mua đất dinh dưỡng về trồng. Ngoài ra, nên bón lót thêm một lượng phân hữu cơ thích hợp.
Với chậu, nên chọn loại chậu có đường kính lớn hơn độ bao phủ của cây. Bạn cũng có thể sử dụng chậu cao để chậu hoa đẹp hơn, nhưng lưu ý với loại chậu này thì bạn nên thêm sỏi ceramsite hoặc gốm vào đáy chậu để tăng độ thoát nước, thoáng khí.
Bên cạnh đó, khi thay chậu, bạn nên kiểm tra bộ rễ của cây. Nếu thấy rễ bị thối hoặc quá già cỗi thì nên cắt tỉa bớt đi. Hay nếu cây quá nhiều thì có thể tiến hành chia tách sang chậu khác.