Vườn rau của chị Hà xanh mướt, xum xuê, được quy hoạch đâu ra đấy.
Nhiều năm qua, thời gian trong năm được chị Cao Thị Hà (sinh năm 1970, Hải Dương) "đo" bằng những mùa rau. Hết vụ xuân hè, chị lại dọn dẹp vườn để chuẩn bị ươm mầm vụ thu đông. Nhờ đó, gia đình lúc nào cũng được ăn rau sạch nhà trồng, đảm bảo sức khoẻ. Mẹ đảm đến từ quê hương vải thiều thì có cho mình một khoảng vườn sân thượng đẹp mắt, được nhiều vị khách đến thăm nhà xin ngắm nghía.
Khách đến nhà thường lên vườn sân thượng của chị Hà (áo hoa) để ngắm nghía, chụp ảnh.
"Có công vác đất, có ngày nên rau"
Chị Hà bén duyên với việc làm vườn và trồng rau từ 5 năm trước. Chị chia sẻ: "Mình yêu thiên nhiên, yêu tất cả cỏ cây hoa lá xung quanh nên có thể nói mình trồng cây vì đam mê. Thời gian đầu mình trồng linh tinh các loại hoa và cây cảnh. Vườn rau của mình được như ngày hôm nay là nhờ các nhóm, hội trồng rau chia sẻ kinh nghiệm".
Khái quát về quá trình làm vườn của mình, chị Hà hóm hỉnh kết luận: "Có công vác đất, có ngày nên rau". Vì sân thượng nằm ở tầng 5 nên mẹ đảm Hải Dương tốn kha khá công sức vác đất làm vườn.
"Mình không nhớ bản thân đã mua bao nhiêu bao đất loại 10kg. Hầu như ngày nào đi chợ mua thực phẩm, mình cũng mua thêm 2 bao đất, mang về nhà và để sẵn ở chân cầu thang nhờ chồng vác lên hộ. Mình tự vác lên cũng nhiều.
Lúc đầu chồng không có ý kiến gì, sau thấy ngày nào cũng có vài bao đất để trong nhà, anh xã bắt đầu có ý kiến: "Thế là đủ rồi, nặng quá không an toàn cho mái nhà" hay “Bao nhiêu đất vác lên nhưng đến khi đổ vào các khay trồng, thấy chẳng được bao nhiêu",... Nghe thế, mình không dám mang thêm đất lên vườn nữa. Sau này nghe tư vấn của 1 số anh chị em là kỹ sư xây dựng trong các hội nhóm trồng rau phân tích về tải trọng của sàn bê tông, mình mới yên tâm tiếp tục tải đất lên", chị Hà nhớ lại. Quá trình tải đất lên sân thượng kéo dài trong khoảng 2 năm.
Vườn rộng 25m2, rau ăn không xuể
Vườn sân thượng nhà chị Hà rộng 25m2, có mái che lấy sáng, xung quanh cao lưới. Chị bật mí: "Dưới mái che lấy sáng, rau vẫn quang hợp tốt. Mưa to gió lớn cũng không lo rau bị giập nát hay sói mòn đất, không cần lỗ thoát nước ở các chậu trồng nên không sợ bẩn sàn. Đặc biệt, mình vẫn có thể làm vườn khi trời mưa. Bao lưới xung quanh ngăn được các loại côn trùng vào đẻ trứng hoá sâu, hạn chế tối đa dùng thuốc trừ sâu".
Khu vườn được hoàn thiện, ngày càng chỉn chu, xinh xắn theo thời gian.
Tuy theo mùa, vườn sẽ có những loại rau khác nhau. Mùa hè, chị Hà trồng rau muống, rau đay, mùng tơi, rau dền, rau bí, rau lang,... Mùa đông, chị trồng các loại rau cải, xà lách , hành, tỏi, các loại rau thơm, gia vị,... Mẹ đảm Hải Dương đặc biệt thích trồng các loại rau gia vị. Chị giải thích: "Vì đây là rau ăn sống, nếu tự trồng được sẽ đảm bảo an toàn cho sức khoẻ".
Những luống rau xanh mướt, xum xuê, giúp nâng cao chất lượng bữa ăn cho gia đình chị Hà.
Từ 5 năm kinh nghiệm làm vườn, hoạt động năng nổ trong các hội nhóm trồng cây, chị Hà rút ra kha khá kinh nghiệm hữu ích. Theo chị, sử dụng thùng xốp cách nhiệt để trồng rau sẽ tốt hơn các chất liệu khác, nên kê các thùng chứa đất trồng lên cao ngang tầm tay, để tránh phải cúi nhiều gây đau lưng và tiện cho việc quét dọn.
Nếu chỉ trồng rau thì nên chọn thùng, chậu kích cỡ nhỏ vừa phải để tiện dịch chuyển. Để diệt nấm bệnh, chị Hà thường phơi đất, trộn vôi bột hoặc trấu hun. Mỗi tháng một lần, chị phun thuốc kiến ở các góc vườn, dưới sàn, không phun lên rau. Lưu ý dùng tấm nilon che phủ lên luống rau trong lúc phun thuốc.
Làm vườn với chị Hà không đơn thuần là công việc hay thói quen, mà còn là một niềm vui. Chị tâm sự: "Làm vườn mỗi ngày giúp mình rèn luyện sức khoẻ, giải toả được áp lực đôi khi gặp phải trong cuộc sống. Nhờ vườn, mình có nguồn rau sạch cho bữa ăn hàng ngày , có thêm niềm vui nho nhỏ khi nhận được lời khen và sự ngạc nhiên của bạn bè khi đến thăm vườn".