Khu vườn nhà chị Mai Trâm tuy nhỏ nhưng luôn đầy ắp rau trái nhờ gia chủ khéo léo cải tạo và chăm sóc.
Đối với những người con xa xứ, một bữa ăn mang hương vị quê nhà với những món rau dân dã cũng phần nào làm vơi bớt nỗi nhớ nhà. Vì đam mê trồng cây và thích ăn rau Việt Nam, chị Mai Trâm đã tự tay trồng và chăm sóc khu vườn 8m2 đầy ắp cây trái theo mùa. Cả gia đình chị hiện sinh sống tại thành phố Stuttgart, thuộc miền nam nước Đức.
Góc vườn xinh xắn nhà chị Trâm.
Vườn rau Việt 8m2 nơi xứ người
Chị Trâm bắt đầu sang Đức học tập và làm việc từ 19 năm trước. Sau khi ra trường, đi làm, chị mua được nhà riêng và bắt đầu làm vườn. Ban đầu, chị Trâm chỉ trồng cây trên ban công. Khoảng 5 năm trước, gia đình chị chuyển về ngôi nhà có mảnh sân nhỏ nên chị tập trung trồng trọt nhiều hơn, vừa để cải thiện bữa ăn gia đình, vừa có thêm hoạt động thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng.
Vườn nhà chị Trâm nằm ở sân trước, rộng 8m2. Chị dành ra một khoảng nhỏ kê bàn và đặt xích đu, tạo sân chơi cho các con, 6m2 còn lại để trồng cây. Trong vườn, chị làm giàn 1,5m x1,5m để trồng su su và một số cây leo khác. Bên hông vườn, có khoảng đất rộng tầm 2m2, chị Trâm trồng thêm bầu bí cho leo lên hàng rào. Trong nhà còn khoảng đất nào trống, chị Trâm đều tận dụng đặt thêm chậu trồng rau muống, ớt, rau gia vị,... Với mẹ Việt, rau xanh cũng giống như cây cảnh, đều mang đến vẻ đẹp và sự xanh mát cho ngôi nhà.
Khu vườn ở Đức của chị Trâm có nhiều loại rau trái quen thuộc ở Việt Nam.
"Vì vườn nhỏ nên mình tập trung trồng những loại rau ăn được nhiều lần, ví dụ các loại rau thơm và mồng tơi, vì sau khi cắt, mồng tơi vẫn lên tiếp. Rau cải cắt ăn một lần là hết nên mình không trồng", chị Trâm chia sẻ.
Chị Trâm tận dụng mảnh đát bé xíu, trồng đủ các loại rau.
Thời gian đầu làm vườn chưa có nhiều kinh nghiệm, chị Trâm gặp không ít tình huống "dở khóc dở cười". Chị kể: "Lúc đầu trồng trong chậu ở ban công, đất ít, không có kinh nghiệm mà mình lại gieo rau cải. Rau cải cần nhiều chỗ và chỉ thu hoạch ăn một lần là hết.
Mình gieo rất nhiều hạt vì sợ nó không nảy mầm. Sau đó, cây lên dày đặc. Có cô bạn trêu mình, số cây cải trong chậu có thể trồng trong 1 hecta đất. Nhìn những cây con mới lên, mình cũng không nỡ nhổ bỏ đi, cứ để chúng chen chúc lớn trong cái chậu nhỏ. Thiếu diện tích phát triển, cây lớn lên nhưng không to ra được thì đã gia đì. Cả quá trình chăm bón, cuối cùng rau thu hoạch được mang đi nấu thì teo lại chưa tới 1 chén canh".
Giàn su su tí hon cho hơn 200 quả mỗi vụ
Chị Trâm cho biết, bạn bè thường trêu chị là người nhân giống su su vì hầu hết bạn bè gần xa đều được chị gửi tặng su su về làm giống. Mỗi năm, chị thu hoạch được khoảng 200 quả su su, có trái nặng 700g, đẹp mắt và ngon ngọt.
Giàn su su rộng 1,5m x 1,5m nằm ở vị trí nhiều nắng nhất nhà. Ban đầu, chị được người quen cho 2 quả su su làm giống trồng thử, tự học cách trồng và rút kinh nghiệm sau từng vụ mùa. Thông thường, vào khoảng tháng 2, chị sẽ trồng su su trong chậu trong nhà vì thời tiết lạnh giá ở đất. Đến tháng 5, khi trời có nắng ấm, chị mang cây gieo xuống đất vườn. Trước khi trồng, chị sẽ cải tạo lại đất bằng cách mua đất mới, trộn cùng đất cũ và một ít phân hữu cơ.
Giàn su su 1,5m x 1,5m nhà chị Trâm.
"Thỉnh thoảng tầm 3 tuần/lần, mình bón một ít phân hữu cơ vào gốc cây. Tưới nước đều, giữ ẩm đất cho cây. Su su có nhiều rễ con, nên khi trồng nên trồng thẳng xuống đất. Nếu trồng su su trong chậu, thì không đạt được năng suất cao. Trồng trong chậu, su su vẫn ra trái, nhưng chỉ đậu 1 ít, còn lại trái sẽ bị vàng, héo và rụng, đó là do thiếu chất dinh dưỡng từ đất (do ít đất).
Điều quan trọng nữa là su su cần nhiều chỗ để leo, leo đến đâu thì ra trái đến đó. Thế nên nếu có giàn rộng cũng là ưu thế. Giàn nhà mình nhỏ, nên nhiều khi ngọn đang phát triển thì phải cắt ngang, tiếc lắm, vì ngọn ra đến đâu là quả ra đến đó", chị Trâm chia sẻ bí quyết trồng su su. Ngoài ra điều kiện thời tiết cũng tác động ít nhiều đến mùa vụ.
Su su sai quả, chị Trâm vừa ăn, vừa mang đi biếu.
Mỗi ngày, chị Trâm thường dành 30 phút - 1 tiếng để chăm sóc, tưới cây và cả ngắm vườn. Khu vườn tuy không lớn nhưng lại giúp chị Trâm cảm thấy thư giãn, con chị cũng có thêm sân chơi, học hỏi về các loại cây trái. Hơn hết, từ khi có vườn, chị Trâm chủ động hơn trong các bữa ăn gia đình, hạnh phúc vì được thưởng thức rau trái Việt ngay ở xứ người.