Cây hồng môn là loại cây cảnh có vẻ đẹp rực rỡ, mang lại nhiều may mắn và thuận lợi trong phong thủy. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách chăm sóc cây hồng môn tốt nhất.
Cây hồng môn có tên khoa học là Anthurium Andraeanum, thuộc chi Anthurium, họ Ráy (Araceae). Đây là loài thực vật vốn có nguồn gốc từ một số quốc gia khu vực Nam Mỹ, sau này được nhân giống và trồng phổ biến tại châu Á, trong đó có Việt Nam.
Cây hồng môn có kích thước nhỏ nhắn với chiều cao chỉ từ 30-50cm, thân thảo mọc thành bụi lớn với nhiều cành lá. Lá cây có màu xanh đậm, dạng hình tim, cuống lá khá dài nối xuống tận gốc. Hoa có màu đỏ, bề mặt bóng loáng, có nhiều đường gân nổi ở bề mặt được gọi là mo hoa. Bên trên mo hoa có thành phần gọi là tự hoa, có màu vàng tươi, dạng hình trụ thuôn dài về đỉnh.
Cây hồng môn do có vẻ đẹp rực rỡ nên rất được ưa thích làm cây cảnh trang trí trong nhà. Bên cạnh đó, loài thực vật này còn có thể thanh lọc không khí, làm sạch không gian xung quanh. Theo như phong thủy, cây hồng môn có màu đỏ tươi, là loại cây mang lại nhiều may mắn, điều tốt lành và thịnh vượng, tài lộc cho người trồng. Do đó mà loài cây này rất đáng để trồng tại nhà.
Tuy là loại cây cảnh phổ biến rất được yêu thích, thế nhưng không phải ai cũng biết cách để chăm sóc cây hồng môn cho đúng nhất. Rất nhiều trường hợp cây trở nên khô héo, thiếu sức sống chỉ sau một thời gian được mua về nhà. Vậy làm cách nào để có thể cải thiện được điều này?
8 Mẹo vặt giúp cây hồng môn luôn tươi tốt, khỏe mạnh
Áp dụng những mẹo vặt sau trong quá trình chăm sóc cây hồng môn để giúp cây luôn xanh tốt, khỏe khoắn và không bị mắc bệnh.
1. Đảm bảo điều kiện ánh sáng
Cây hồng môn muốn phát triển trong điều kiện tốt nhất thì ánh sáng là thứ không thể thiếu. Nếu cây được tiếp xúc với ánh sáng sẽ giúp gia tăng khả năng quang hợp, đặc biệt trong giai đoạn ra hoa sẽ giúp hoa nở đẹp rực rỡ, cành lá tươi tốt. Tuy nhiên không nên đặt chậu cây hồng môn ra ngoài trời nắng cả ngày, điều đó có thể khiến cây bị khô héo. Tốt nhất chỉ nên cho cây tắm nắng từ 4-6 tiếng mỗi ngày là tối đa để đảm bảo khả năng sinh trưởng.
2. Lựa chọn đất trồng đúng đắn
Cây hồng môn không yêu cầu nhu cầu đất trồng quá lớn, miễn sao đất trồng cần đảm bảo có đủ dinh dưỡng cần thiết, đủ độ ẩm, độ tơi xốp và khả năng thoát nước tốt là được. Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng đất trồng có trộn thêm than bùn, xơ dừa, phân ủ hoại hoặc đá bọt để cải thiện thêm khả năng thoát nước, độ dinh dưỡng và chất lượng đất trồng.
3. Đảm bảo cung cấp đủ độ ẩm
Cây hồng môn muốn phát triển xanh tốt thì nhu cầu độ ẩm là điều không thể thiếu trong quá trình chăm sóc. Do loài cây này vốn được sinh trưởng trong những cánh rừng nhiệt đới, vậy nên bạn cần tưới nước thường xuyên để dưỡng ẩm cho cây, giúp cây luôn xanh mượt và ra hoa nở rực rỡ. Tránh tưới quá ít khiến đất trồng bị khô có thể ảnh hưởng tới tuổi thọ của cây. Ngoài ra bạn không nên đặt chậu cây hồng môn trong phòng có máy lạnh để tránh không khí quá khô.
4. Nhiệt độ lý tưởng cho cây trồng
Cây hồng môn không có khả năng chịu lạnh quá tốt, mức nhiệt độ lý tưởng để cây có thể phát triển nên trong khoảng từ 22-30 độ C. Nếu quá lạnh sẽ khiến cây khó ra hoa, còn nếu quá nóng sẽ khiến nước bốc hơi nhanh, làm cây mau khô héo và giảm tuổi thọ.
5. Lượng nước tưới cần thiết
Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết mà bạn sẽ bổ sung lượng nước tưới cho đúng đắn, tránh quá nhiều hoặc quá ít có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cây hồng môn. Vào mùa hè khi thời tiết nắng nóng, bạn nên duy trì tưới nước ít nhất mỗi ngày một lần vào các buổi sáng để giúp cây có đủ độ ẩm cần thiết. Vào mùa mưa, bạn hãy giảm bớt lượng tưới để tránh nước ứ đọng trong chậu, gây ngập úng rễ cây. Vào mùa đông khi thời tiết lạnh giá, chỉ nên tưới từ 1-2 lần/tuần để đảm bảo đất trồng hơi khô một chút, tránh ảnh hưởng đến rễ cây.
6. Bón phân thúc đẩy phát triển
Cây hồng môn không yêu cầu quá nhiều về điều kiện phân bón trong đất trồng. Thông thường cứ 6 tháng/lần thì bạn mới cần phải bón thúc cho cây để gia tăng khả năng ra hoa và cành lá mới. Bạn hãy sử dụng các loại phân tan chậm hoặc phân bón có thể pha loãng với nước để tưới cho cây. Nhờ đó giúp cây hấp thụ dưỡng chất đầy đủ và có lợi cho sự phát triển.
7. Đảm bảo cây luôn sạch sẽ
Cây hồng môn nếu như không được giữ gìn vệ sinh mặt lá sẽ rất dễ bị nấm và mắc các bệnh ảnh hưởng đến tuổi thọ của cây. Vậy nên bạn hãy thường xuyên dùng khăn sạch để lau bề mặt các lá cây, đảm bảo lá cây luôn sạch sẽ và không bị bụi bẩn. Việc vệ sinh lá cây sạch sẽ còn giúp gia tăng khả năng thanh lọc không khí, khiến không gian sống của bạn luôn quang đãng, thoải mái.
8. Giữ an toàn đối với thú nuôi trong nhà
Cây hồng môn mặc dù là loại cây cảnh đẹp mắt và có giá trị cho phong thủy, tuy nhiên cành lá và hoa của cây đều chứa độc tố, có thể gây hại cho con người và vật nuôi nếu lỡ ăn phải. Do đó bạn nên đặt chậu cây tại những nơi mà trẻ em và thú nuôi không thể chạm đến được. Điều này vừa giúp cây hồng môn của bạn không bị tổn thương, cũng vừa đảm bảo an toàn sức khỏe cho vật nuôi và những người thân yêu của bạn.